Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
"Đại gia tôm sú" ở Hoà Xuân
18 | 08 | 2008
Những năm gần đây, anh Trần Phước Bảy ở tổ 31, phường Hoà Xuân (quận Cẩm Lệ - TP. Đà Nẵng) trở nên nổi tiếng với “biệt tài” nuôi tôm nước lợ đạt hiệu quả cao. Bà con nơi đây ai cũng khâm phục nghị lực vượt khó làm giàu cũng như khả năng vận dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất của anh. Chẳng thế mà nhiều người gọi anh là “đại gia tôm sú”.

Vùng đất trũng ven sông Cổ Cò (khu vực Trung Lương, phường Hoà Xuân) trước đây cỏ dại um tùm, không ai canh tác bởi đất bị nhiễm mặn. Tuy nhiên, anh Bảy lại cho rằng, đây là vùng đất lý tưởng để nuôi tôm. Anh mạnh dạn bỏ ra hàng trăm triệu đồng đào đắp, nạo vét hồ nuôi với tổng diện tích gần 3ha. Trước đó, anh cất công tìm hiểu kinh nghiệm thực tế ở nhiều nơi và nghiên cứu tài liệu hướng dẫn cách nuôi tôm nước lợ. Vận dụng vào thực tế, anh cho hút cạn nước hồ, thuê trâu cày đáy rồi phơi khô, rải vôi khử phèn. Sau đó dùng máy hút nước ở sông Cổ Cò vào hồ, bảo đảm mực nước trung bình 1m và bắt đầu nuôi thử nghiệm.

Một vụ nuôi tôm sú kéo dài 4 tháng (không tính thời gian ương giống), mỗi năm anh nuôi hai vụ (1 triệu con tôm giống/vụ). Sau gần 1 tháng nuôi trong hồ nhỏ, anh phân loại, chia ra nuôi ở các hồ lớn, cho ăn theo trọng lượng của tôm. Thức ăn chủ yếu là bột la -one, trong thời gian ương, phải nấu bột chín nhuyễn rồi đổ xuống hồ cho tôm ăn; khi nuôi trong ao lớn thì cho bột lên ghe, rải đều xuống nước, mỗi ngày 3-4 lần. Nuôi tôm hết sức nhọc nhằn, nhưng đến kỳ thu hoạch thì vui như hội. Lái buôn đưa xe đông lạnh đến mua tại chỗ. Năm 2007, tôm vụ chính anh bán với giá bình quân 70.000 đồng /kg, vụ thứ hai 55.000 đồng/kg.

Theo anh Bảy, khâu quyết định sự thành bại trong nuôi tôm là thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, luôn chú trọng phòng ngừa dịch bệnh. Chẳng hạn, khi cho nước vào hồ phải hút nước ở đáy sông mới đảm bảo độ mặn thích hợp cho tôm phát triển. Ban đêm phải thường xuyên chạy máy sục khí để đảm bảo đủ ôxy cho tôm hô hấp. Hàng ngày, anh đều đặn kiểm tra sự phát triển của tôm, kịp thời xử lý những dấu hiệu khác thường. Sau mỗi vụ, anh lại đúc rút kinh nghiệm, tự điều chỉnh hình thức nuôi cho phù hợp. Tận dụng lợi thế gần đồng ruộng, anh kết hợp nuôi vịt để tăng thu nhập.

Anh Bảy đã nhiều lần được cử đi báo cáo về thành tích trong sản xuất -kinh doanh. Đáng quý ở chỗ, khi có ai đến học hỏi kinh nghiệm, anh luôn tận tình hướng dẫn và tạo điều kiện giúp đỡ. Anh bộc bạch: “Nuôi tôm phải có vốn và “gan lì”, nhất là phải giỏi kỹ thuật. Chỉ cần xử lý khéo một chút là thắng, nhưng sai một ly cũng có thể “đi tong” hàng trăm triệu đồng”.

 



Nguồn: www.kinhtenongthon.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường