Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
“Trình độ sản xuất của nông dân mình quá yếu”
18 | 08 | 2008
Nội dung cuộc trò chuyện với GS.TS Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam.
"Số nông dân giỏi chỉ chiếm khoảng 10%"

Xin ông cho biết, nguồn nhân lực phục vụ cho ngành nông nghiệp Việt Nam hiện nay ra sao?

Theo thống kê, số nông dân giỏi của chúng ta chỉ chiếm khoảng 10%, trung bình là 20%, còn lại là yếu kém, kỹ thuật canh tác của họ rất tùy tiện, và số lượng nông dân này đang có xu hướng tăng dần.

Bên cạnh, chúng ta có khoảng 380 tiến sĩ và 615 thạc sĩ, theo kế hoạch đến năm 2015 số lượng tiến sĩ, thạc sĩ sẽ tăng lên 2,5 lần, mỗi năm đào tạo khoảng 40.000 bậc trung học và công nhân, 3.000 bậc đại học, 80 -100 tiến sĩ và 250 - 300 thạc sĩ, cho cả ngành nông nghiệp.

Hàm lượng khoa học công nghệ đầu tư cho nông nghiệp so với các nước trong khu vực thì Việt Nam có mức đầu tư thấp nhất. Hàn Quốc chỉ có 2,7 triệu ha đất nông nghiệp, nhưng hàm lượng đầu tư khoa học công nghệ tới 660 USD/ha, trong khi đó Việt Nam có đến 9,4 triệu ha nhưng hàm lượng đầu tư khoa học công nghệ chỉ khoảng 6 USD/ha.

Điều lo nhất của chúng ta bây giờ là nguồn lao động nông nghiệp qua đào tạo, cả nước con số này chỉ chiếm có 24%, khu vực nông thôn nơi trực tiếp sản xuất chỉ chiếm khoảng 13%, đây là con số quá thấp.

Là một nước nông nghiệp, tại sao nguồn nhân lực phục vụ nông nghiệp của chúng ta lại yếu kém?

Chúng ta có chú trọng nhiều cho lãnh vực này, nhưng lực lượng lao động nông nghiệp chiếm đến 65% lao động của cả nước và chiếm khoảng 20% GDP, chiếm 17% kim ngạch xuất khẩu. Ngành nông nghiệp thì chiếm vị trí rất lớn mà nông dân mình trình độ quá yếu, do vậy trong chính sách “tam nông” Trung ương đặt ra lần này là lấy dân làm chủ thể để đầu tư.

Hàn Quốc chỉ với 2,7 triệu ha đất nông nghiệp họ đã làm nên kỳ tích, Việt Nam có đến 9,4 triệu ha mà giá trị sản xuất nông nghiệp của chúng ta không bằng họ, là do trình độ sản xuất của nông dân mình quá yếu và do đầu tư thấp, chúng ta vẫn có thể làm được những chuyện phi thường nếu nông dân mình giỏi hơn.

"Cần xây dựng hợp tác xã kiểu mới"

Trong điều kiện trình độ nông dân Việt Nam còn yếu, sản xuất còn nặng tính truyền thống và đầu tư nhà nước cho nông nghiệp còn thấp thì nông nghiệp của chúng ta làm gì?

Công nghiệp hóa nông nghiệp từ mức thấp tới mức cao, hiện nay mức cao chúng ta đã làm rồi, chỉ với 18 ha mô hình của Hasfarm đã đạt giá trị khoảng 300 ngàn USD/ha, nhưng Việt Nam chỉ có duy nhất một Hasfarm thôi.

Trong khi đó, Trung Quốc đạt giá trị trung bình khoảng 40 ngàn USD/ha, Israel khoảng 120 ngàn USD/ha trên diện rộng, Việt Nam bình quân trên diện rộng khoảng 110 USD/ha.

Giá trị trên 1 ha đất trồng lúa vào những năm có giá cao nhất cũng chỉ khoảng 24 - 26 triệu đồng/ha, sau khi trừ chi phí thực lãi khoảng 15-16 triệu đ/ha, bình quân 1 nông hộ có 6 khẩu, canh tác 0,5 ha thì thu nhập sẽ rất thấp, nằm dưới chuẩn nghèo của thế giới.

Do đó, muốn tăng giá trị trên 1 ha phải đặt nông dân vào trọng tâm để đào tạo và giúp đỡ, bản thân đất không làm ra tiền chính con người canh tác trên miếng đất đó mới làm ra tiền.

Hiện nay ngành nông nghiệp có hai vấn đề bức xúc nhất. Một là mất đất trồng lúa. Hai là thu nhập của nông dân còn quá thấp, đặc biệt là nông dân trồng lúa, do vậy họ có ít động cơ để tiếp tục bám đất.

Để giải bài toán khó này chúng ta phải làm sao?

Trước mắt là tổ chức lại sản xuất, nhìn toàn cục sản xuất của chúng ta quá cường điệu về kinh tế hộ, ta đang dẫm lên vết xe đỗ của Nhật và Hàn Quốc, họ làm công nghiệp mà quên đi nông nghiệp, để đất nông nghiệp phân chia manh mún, đến khi “thức tỉnh” thì đất nông nghiệp quá mắc không thể mua được, bắt buột họ phải đi con đường hợp tác hóa.

Hợp tác hóa của họ rất cao, Hàn Quốc, Nhật và Đài Loan có những tập đoàn hợp tác xã rất mạnh, kinh doanh nhiều mặt và họ làm kinh tế rất giỏi, Đài Loan là bậc thầy trong lãnh vực hợp tác xã. Bằng con đường hợp tác xã họ đã tổ chức lại sản xuất là chuyên môn hóa từng khâu, còn ở Việt Nam muốn được như vậy phải có con người và phải nhìn hợp tác xã dưới cái nhìn khác.

Muốn thành lập hợp tác xã kiểu mới thì người nông dân phải đi học và chủ nhiệm hợp tác xã phải là người có năng lực, Hội Nông dân Việt Nam phải đứng ra làm và làm bài bản cũng như phải tiêu chuẩn hóa, không thể mãi làm theo kiểu phong trào.

Chủ nhiệm hợp tác xã phải có bằng cấp đại học về quản trị kinh doanh, kế toán trưởng phải có bằng cấp ngành tài chính, thuê họ và trả lương cao, làm như vậy chắc chắn hợp tác xã sẽ đi lên.

Tóm lại, thứ nhất, cần phải xây dựng hợp tác xã kiểu mới, con người làm hợp tác xã phải có học hành, qua trường lớp để biết làm hợp tác xã và làm có bài bản. Thứ hai, phải tôn trọng Luật Hợp tác xã và tôn trọng tính dân chủ của xã viên.


Liên hệ với người đăng tin này:
An Thu Hằng - anthuhang@agro.gov.vn

Xem tin gốc tại đây:
http://www.vneconomy.vn/home/tin-tuc/0/11/20080815093258744/nguon-nhan-luc/trinh-do-san-xuat-cua-nong-dan-minh-qua-yeu.htm


Báo cáo phân tích thị trường