Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tìm cơ chế cho doanh nghiệp “xuất ngoại
19 | 08 | 2008
Nếu thời kỳ trước, đầu tư ra nước ngoài đạt thấp được “đổ lỗi” do các doanh nghiệp trong nước chưa đủ tiềm lực, thì hiện tại với khát vọng vươn xa của nhiều “tên tuổi lớn”, cơ chế chính sách vẫn còn nhiều rào cản lớn.
Để chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và đáp ứng sự gia tăng của đầu tư ra nước ngoài, Chính phủ đã ban hành Nghị định 78/2006/NĐ-CP nhằm giải quyết một số hạn chế khó khăn của hệ thống pháp luật về đầu tư ra nước ngoài; ban hành Nghị định 121/2007/NĐ-CP quy định về đầu tư ra nước ngoài trong lĩnh vực đặc thù là dầu khí, các quy định về ngoại hối, thuế đối với hoạt động đầu tư ra nước ngoài...

Những kênh pháp lý riêng này đã giải quyết một phần những vướng mắc và lúng túng của doanh nghiệp.

Chính vì vậy, đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục khởi sắc, số lượng các dự án cùng với vốn đầu tư ra nước ngoài đã tăng dần qua mỗi năm. Tính đến hết tháng 7/2008, cả nước có 317 dự án đầu tư ra nước ngoài với số vốn hơn 2,5 tỷ USD. Tuy nhiên, con số này vẫn còn rất nhỏ bé, chỉ bằng 2% so với tổng vốn FDI (130 tỷ USD).

Chúng tôi xin giới thiệu những ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp cũng như những phản hồi từ cơ quan chức năng xung quanh vấn đề này, nhằm góp phần trong việc điều chỉnh chính sách cho phù hợp với tình hình mới.

Điểm mới về quản lý ngoại hối với đầu tư ra nước ngoài

(Bà Đỗ Thị Nhiên, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối – Ngân hàng Nhà nước)

“Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 01/2001/TT-NHNN hướng dẫn cụ thể về quản lý ngoại hối đối với doanh nghiệp Việt Nam có vốn đầu tư ra nước ngoài.

Theo đó, các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài phải mở tài khoản ngoại tệ tại một ngân hàng được phép hoạt động ngoại hối và thực hiện mọi giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài và vào Việt Nam liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài thông qua tài khoản này.

Khi có giấy phép đầu tư ra nước ngoài, doanh nghiệp Việt Nam phải đăng ký với chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố nơi đặt trụ sở chính về việc mở tài khoản ngoại tệ và tiến độ chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài và phải được chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố xác nhận việc mở tài khoản và đăng ký tiến độ chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài để làm cơ sở chuyển tiền đầu tư ra nước ngoài thông qua tài khoản đã mở.

Về nguồn vốn đầu tư, doanh nghiệp chỉ được phép sử dụng nguồn ngoại tệ trên tài khoản tiền gửi ngoại tệ của mình mở tại các ngân hàng được phép để chuyển ra nước ngoài trên cơ sở quy định tại Giấy phép đầu tư do cơ quan có thẩm quyền cấp.

Với tinh thần đổi mới, phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo điều kiện cho hội nhập kinh tế quốc tế, các quy định về quản lý ngoại hối liên quan đến đầu tư ra nước ngoài cũng được cải tiến, thông thoáng hơn, Chính phủ đã ban hành Nghị định 160/2006/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh ngoại hối.

Về nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài bằng ngoại tệ, nhà đầu tư được sử dụng nguồn vốn ngoại tệ tự có trên tài khoản tiền gửi ngoại tệ, ngoại tệ mua từ tổ chức tín dụng được phép, ngoại tệ từ vốn vay để đầu tư ra nước ngoài.

Tương tự như quy định tại Thông tư 01 trước đây, người cư trú là tổ chức, cá nhân đầu tư trực tiếp ra nước ngoài phải mở tài khoản vốn đầu tư ra nước ngoài bằng ngoại tệ tại một tổ chức tín dụng được phép, đăng ký tài khoản này với Ngân hàng Nhà nước và phải được Ngân hàng Nhà nước xác nhận trước khi chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài. Mọi giao dịch chuyển ngoại tệ ra nước ngoài và vào Việt Nam liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài phải thực hiện thông qua tài khoản này.

Một nội dung mới của Nghị định 160 so với Thông tư 01 là cho phép các tổ chức tín dụng, các tổ chức tài chính, bảo hiểm được đầu tư trực tiếp ra nước ngoài. Nghị định 160 cũng quy định cụ thể các nội dung thu, chi của tài khoản vốn đầu tư ra nước ngoài bằng ngoại tệ và yêu cầu vốn gốc, lợi nhuận và các nguồn thu phát sinh từ dự án ở nước ngoài phải được chuyển về nước theo quy định của pháp luật về đầu tư ra nước ngoài.

Việc sử dụng lợi nhuận và các nguồn thu có liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài để tái đầu tư phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép và được đăng ký với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam”.

Văn bản pháp lý còn lạc hậu so với thực tế

(Ông Đỗ Văn Hậu, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam)

“Hiện nay tập đoàn dầu khí có 20 dự án đầu tư ra nước ngoài với tổng vốn đầu tư xấp xỉ 220 triệu USD, trong đó đầu tư cho công tác tìm kiếm thăm dò là 184,3 triệu USD, đầu tư cho phát triển mỏ 16,2 triệu USD và khai thác 18,4 triệu USD.

Trong số các dự án đầu tư, thành công nhất là dự án tại Algeria, tiếp theo là SK 305 tại Malaysia... Tập đoàn đã thành lập các văn phòng đại diện ở các địa bàn trọng điểm: khu vực Trung Đông, Venezuela, Cuba, Nga, Lào làm đầu mối điều phối hoạt động đầu tư.

Trước thực tế giá dầu đang tăng cao đã góp phần làm tăng hiệu quả đầu tư các dự án khai thác dầu khí nhưng cũng là thách thức cho chúng tôi. Vì giá dầu trên thị trường thế giới biến động tăng cao làm cho thị trường đầu tư thu hẹp, cạnh tranh khốc liệt hơn. Thường khi cấp phép đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư “ấn định” một con số với hạn mức đầu tư cụ thể nhưng chỉ mấy tháng thôi con số đã thay đổi vì giá lên “ầm ầm”.

Chính vì vậy khả năng tiếp cận tới các dự án tốt, tiềm năng cao gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, nguồn lực của Tập đoàn còn nhiều hạn chế, đội ngũ nhân lực còn thiếu kinh nghiệm. Chính sách, chế độ chưa thực sự cạnh tranh được so với các nhà thầu dầu khí tại Việt Nam cũng như các công ty dầu khí khác trên thế giới.

Nhằm tạo điều kiện cho tập đoàn tìm kiếm cơ hội đầu tư và triển khai dự án đầu tư có hiệu quả hơn nữa, chúng tôi có một số khuyến nghị như sau:

Thứ nhất về khung pháp lý, mặc dù Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao đã rất tích cực hỗ trợ nhưng các văn bản pháp lý thường lạc hậu so với thực tế đầu tư. Đặc biệt ngành dầu khí có đặc thù đòi hỏi phải quyết định nhanh.

Nhưng từ khi ký hợp đồng xong cho đến khi hoàn tất thủ tục để nhận được giấy chứng nhận đầu tư phải 5-7 tháng.

Không có giấy phép đầu tư, chúng tôi không thể chuyển tiền ra nước ngoài được nên khiến đối tác phải chờ đợi và cho rằng chúng tôi không có năng lực. Hơn nữa, mỗi lần xin thay đổi hạn mức đầu tư làm thủ tục rất lâu trong khi ngành dầu khí thay đổi hạn mức đầu tư thường xuyên, nhất là trong bối cảnh giá dầu thay đổi như hiện nay.

Vì vậy, chúng tôi rất mong Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm ban hành các biểu mẫu cấp giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án dầu khí theo quy định tại Nghị định 121/2007/NĐ-CP quy định về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài trong lĩnh vực dầu khí.

Thứ hai, Bộ Tài chính xem xét đàm phán với nước mà Tập đoàn Dầu khí có dự án đầu tư để ký kết các hiệp định về bảo hộ đầu tư, ưu đãi thuế quan, tránh đánh thuế hai lần..., nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư và hỗ trợ dự án triển khai có hiệu quả.

Thứ ba, Nhà nước có chính sách phù hợp đối với việc thu hút nhân tài phục vụ cho các dự án dầu khí tại nước ngoài, đặc biệt là các dự án nằm trong vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn. Cho phép Tập đoàn áp dụng cơ chế lương đặc thù”.

Sẽ phân cấp việc cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài

(Ông Bùi Quốc Trung, Cục phó Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

"Cần thống nhất quan điểm coi đầu tư ra nước ngoài là một bộ phận cấu thành trong Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Coi trọng và phát huy có hiệu quả vai trò của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong việc thúc đẩy các hoạt động đầu tư ra nước ngoài nhằm tận dụng các nguồn tài chính, chất xám, các quan hệ thân thuộc đa dạng, nhiều chiều, nhiều cấp độ và hữu ích đang có tại nước ngoài.

Vừa qua Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về đề án “Hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài”, nhằm tạo cơ sở pháp lí cũng như biện pháp để thúc đẩy đầu tư ra nước ngoài. Văn bản đó cũng đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuyển đến 8 bộ ngành để lấy ý kiến".

Cơ chế cần linh hoạt

(Bà Nguyễn Thị Hải Lý, Trưởng phòng Đầu tư Viettel)

Trong quá trình khảo sát thị trường, tìm kiếm cơ hội và triển khai thực hiện dự án đầu tư ở nước ngoài, đặc biệt là tại các nước chậm phát triển, Viettel thường gặp những khó khăn, vướng mắc sau:

Thứ nhất là thời gian để hoàn thành các thủ tục liên quan đến quy trình cấp phép đầu tư vẫn còn dài.

Thứ hai, để doanh nghiệp đi đến được quyết định đầu tư ra nước ngoài bao giờ cũng phải trải qua khâu nghiên cứu khảo sát thị trường. Năm 2006 chúng tôi đã phải làm thủ tục xin “giấy phép khảo sát thị trường để tìm cơ hội” với giá trị chưa đến 100.000 USD. Với những bước đi ban đầu và mang theo một khoản tiền không lớn như vậy nhưng doanh nghiệp lại phải làm những thủ tục rườm rà.

Thứ ba, chúng tôi cũng muốn các cơ quan quản lí Nhà nước, cơ quan đại diện ngoại giao tăng cường hỗ trợ hơn nữa cho doanh nghiệp trong những việc cụ thể trong quá trình hợp tác với các nước.

Bởi vì nhiều vấn đề cần giải quyết nằm ngoài thẩm quyền của doanh nghiệp cần phải có sự hỗ trợ của các ban ngành. Nhất là với các thị trường mới, nhiều tiềm năng, chúng tôi đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước có sự hỗ trợ tích cực, tháo gỡ các khó khăn về chính sách của nước bạn để giúp các doanh nghiệp sớm tiếp cận và triển khai đầu tư tại các nước này”.

Khó tiếp cận các nguồn vốn vay

(Bà Dương Thị Ngọc Chiến, Trưởng phòng Tư vấn luật, Công ty Cổ phần Điện Việt-Lào)

“Trong quá trình đầu tư, Công ty Cổ phần Điện Việt - Lào (VLPC) thực hiện theo quy định pháp luật của Việt Nam và của Lào. Tuy nhiên, vẫn có một số những băn khoăn và vướng mắc cụ thể như sau:

Thứ nhất, trong việc tổ chức đấu thầu để lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp đối với gói thầu thuộc dự án nói trên thì cần phải tuân thủ theo quy định pháp luật của Việt Nam hay của Lào. là nước nhận đầu tư.

Hiện nay, VLPC vẫn áp dụng theo quy định của pháp luật Việt Nam nhưng đây là các phần công việc nhằm phục vụ cho hoạt động của Dự án bên Lào. Do đó, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư có quy định rõ hơn trong Nghị định 78 hoặc có hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp.

Thứ hai, đối với các dự án đầu tư lớn, thông thường các nhà đầu tư chỉ cần phải huy động vốn từ nhiều nguồn khác nhau và đặc biệt là khai thác từ nguồn vốn vay trong và ngoài nước.

Đối với VLPC cũng không thể khác thông lệ, nhưng với tình hình hiện nay việc tiếp cận các nguồn vốn vay là tương đối khó khăn. Với đặc tính như của VLPC là công ty mẹ ở Việt Nam vay tiền để đầu tư dự án thủy điện tại Lào lại càng khó khăn hơn.

Thứ ba, việc đàm phán mua bán điện, sản phẩm của các dự án VLPC luôn là khâu quan trọng nhất trong quá trình đầu tư nhưng lại là phức tạp nhất thường kéo dài, mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ cấp phép đầu tư tại Lào, ký kết hợp đồng BOT, các hợp đồng liên quan khác.

Đặc biệt trong tình hình hiện nay, giá đầu tư bị thay đổi vì những mặt hàng lên giá như: xăng, vật liệu xây dựng, nhân công... và nhất là theo lộ trình tăng giá bán lẻ điện thì Hợp đồng này cần phải tiếp tục được chỉnh lý để phù hợp và không làm doanh nghiệp bị thua lỗ.

Về vấn đề này, VLPC kiến nghị Bộ Công Thương thúc đẩy tiến trình đàm phán thông qua chỉ đạo, quyết định giá điện của các dự án thủy điện tại Lào để việc thực hiện các dự án đúng tiến độ cam kết với chính phủ hai nước”.


Nguồn: VnEconomy
Báo cáo phân tích thị trường