Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chỉ 14% doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn
20 | 08 | 2008
Mặc dù chiếm hơn 75% dân số và 70% lao động nhưng khu vực nông nghiệp - nông thôn (NNNT) chỉ thu hút được 14% trong tổng đầu tư của khối doanh nghiệp (DN) dân doanh và 3-4% vốn của khối DN FDI. Ông Đặng Kim Sơn - viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển NNNT - nêu con số trên tại hội thảo "Cơ hội đầu tư vào NNNT trong bối cảnh mới" tổ chức ngày 19-8 tại Hà Nội.
Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu (ông Lê Đức Thịnh và bà Lê Thị Phi Vân, bộ môn nghiên cứu thể chế nông thôn - Viện Chính sách và chiến lược phát triển NNNT - Ipsard), các DN đầu tư vào khu vực NNNT những năm qua khá mạnh.
Tuy nhiên phần lớn các DN này ở quy mô nhỏ và vừa nên chỉ mang tầm cỡ địa phương và 70% các DN loại này lựa chọn loại hình công ty TNHH. Tuy nhiên, khi tham gia thị trường thì hầu hết DN khu vực NNNT lại hoạt động giống như DN tư nhân mà thực chất là họ muốn lựa chọn mô hình quản lý theo kiểu gia đình. Điều đó cho thấy các DN này ít có tham vọng về mở rộng quy mô, tăng trưởng mạnh hay áp dụng các phương thức quản lý tiến bộ.

Chứng minh cho kết luận này, nhóm nghiên cứu cho biết việc đăng ký theo loại hình DN (công ty TNHH) không hoàn toàn dựa trên cơ sở về sở hữu vốn hay mục tiêu kinh doanh mà chủ yếu do thiếu am hiểu pháp luật, thiếu thông tin hoặc muốn mở rộng chức năng hoạt động, né tránh những giới hạn của loại hình

DN tư nhân...

Ông Nguyễn Đình Hùng - bộ môn nghiên cứu thể chế nông thôn của Ipsard - cho biết DN có vốn đầu tư nước ngoài khi tham gia kinh doanh trong lĩnh vực NNNT còn gặp khá nhiều trở ngại. Nguyên nhân lớn nhất là việc tiếp cận đất đai. Thời gian trung bình để DN nhận được đất là 2-4 năm.

Ông Hùng thống kê: năm tháng đầu năm 2008 VN đạt cao nhất về thu hút vốn FDI với 15 tỉ USD, nhưng riêng lĩnh vực nông lâm nghiệp chỉ có 11 dự án và quy mô trung bình của các dự án này thấp bằng 1/10 mức trung bình của các dự án khác. Phần lớn các DN ở đây là vừa và nhỏ với mức vốn trung bình dưới 2 triệu USD.

Điều tra tại hai tỉnh có phong trào phát triển DN khu vực NNNT khá mạnh ở phía Bắc là Vĩnh Phúc và Hà Tây (cũ) cho thấy số lao động ở mỗi DN tư nhân trung bình chiếm 21-44 nhân công, vốn trung bình 700-900 triệu đồng.

Đặc biệt khi khảo sát loại hình hộ kinh doanh, nhóm nghiên cứu thấy: 30% số hộ kinh doanh có quy mô bằng hoặc lớn hơn DN. Nguyên nhân các hộ này không muốn đăng ký thành lập DN là do họ cảm thấy quy mô kinh doanh nhỏ (và không khát vọng làm lớn), năng lực quản lý yếu (81% chủ hộ không có chứng nhận chuyên môn), thiếu thông tin và tư vấn, sợ phải đóng góp nhiều và để được hưởng sự đơn giản trong thủ tục tài chính (nộp nghĩa vụ ngân sách theo khoán)...

Với tình trạng trên, hậu quả là DN khu vực NNNT kém khả năng duy trì và mở rộng sản xuất, hạn chế trong thị trường chuyển nhượng DN...

Đặc biệt, những khó khăn mà khối DN này thường phải đối mặt là thiếu vốn, công nghệ và các điều kiện khác về cơ sở hạ tầng, vốn vay... Ngoài ra, những yếu tố khác như năng suất lao động thấp, chất lượng sản phẩm không cao... khiến những DN này phần lớn chỉ là phục vụ các DN lớn như thu gom, vận chuyển, sơ chế, đóng gói... với hàm lượng giá trị gia tăng rất thấp.

Một nguyên nhân không nhỏ khiến các DN này không phát triển thuận lợi là hệ thống chính sách của Nhà nước và của một số địa phương có nhiều điểm bất hợp lý gây khó khăn cho các DN này. Trong đó, các quy định về thuế VAT không phù hợp với điều kiện kinh doanh ở nông thôn vì đầu vào chủ yếu là các hộ cá thể, không thể chứng minh hóa đơn chứng từ để DN có thể được miễn giảm hoặc hoàn thuế VAT.


Liên hệ với người đăng tin:
An Thu Hằng - anthuhang@agro.gov.vn

Xem tin gốc tại đây:
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=274500&ChannelID=11



Báo cáo phân tích thị trường