Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Doanh nghiệp giảm mục tiêu lợi nhuận
21 | 08 | 2008
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (STB) đang gửi thư xin ý kiến cổ đông xem xét việc điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận. Đây không phải là trường hợp cá biệt của các doanh nghiệp niêm yết trong năm 2008.
Giảm do tình hình chung

Theo STB, nguyên nhân xuất phát từ sự suy thoái của nền kinh tế thế giới đã và đang ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế Việt Nam. Dự đoán lợi nhuận của ngành ngân hàng trong những tháng cuối năm 2008 sẽ có khó khăn. Vì vậy Hội đồng quản trị đề nghị các cổ đông chấp thuận điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận từ 2.000 tỉ đồng xuống 1.500 tỉ đồng nhưng vẫn đảm bảo cổ tức năm 2008 từ 14 - 16%/năm theo Nghị quyết Đại hội cổ đông thông qua. Thời gian xin ý kiến từ nay đến trước ngày 20.9.2008. Theo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm được công bố, STB đạt lợi nhuận trước thuế là 754 tỉ đồng (tăng 23% so với cùng kỳ năm 2007). Rõ ràng con số này chưa thể đạt được mức kế hoạch năm đã đề ra.

Tương tự, Công ty cổ phần XNK Sa Giang (SGC) cũng đang xin ý kiến cổ đông bằng văn bản để điều chỉnh giảm kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2008 từ 17,906 tỉ đồng xuống còn 12 tỉ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2008, công ty đạt doanh thu 56,5 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 5,92 tỉ đồng (giảm 27,8% so với cùng kỳ năm 2007). Trước đó, một doanh nghiệp khá lớn khác trên sàn TP.HCM là Công ty cổ phần FPT (FPT) ngay khi công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm cũng cho biết sẽ cắt giảm kế hoạch về doanh thu và lợi nhuận của năm nay. Theo đó, mục tiêu tăng trưởng về doanh thu chỉ còn 8,4% so với năm 2007 (giảm 19% so với kế hoạch đầu năm) và mức tăng trưởng lợi nhuận là 15,6% (giảm 9,5% so với kế hoạch) dù 6 tháng đầu năm, FPT vẫn đạt doanh thu 8.676 tỉ đồng và tổng lợi nhuận trước thuế đạt hơn 630 tỉ đồng, tăng khá tốt so với cùng kỳ năm 2007.

Sẽ còn nhiều khó khăn

Việc điều chỉnh giảm kế hoạch lợi nhuận của một số công ty hiện nay không phải là điều bất ngờ đối với các nhà đầu tư. Điều đó được xem là bình thường trong bối cảnh nền kinh tế chung hiện nay. Chuyên gia tài chính Đinh Thế Hiển cho rằng việc làm đó thể hiện được trách nhiệm của Hội đồng quản trị đối với các cổ đông trong trường hợp không thể thực hiện được theo kế hoạch đã được thông qua. "Việc xây dựng lại kế hoạch kinh doanh với các chỉ tiêu cụ thể cũng có thể để Ban điều hành công ty thể hiện được đúng mức năng lực của mình trong thời gian còn lại của năm nay. Nhất là khi những biến số về kinh tế vĩ mô đã được thể hiện rõ. Kế hoạch hợp lý cũng sẽ giúp cho cổ đông có cái nhìn khách quan hơn về tình hình của doanh nghiệp" - ông Hiển nói.

Cũng theo ông Hiển, vẫn còn có nhiều doanh nghiệp chọn phương án cứ làm theo kế hoạch nhưng đến cuối năm nếu không đạt được thì sẽ đưa ra những lý do giải thích. Tuy nhiên, ông cho rằng phương án xin điều chỉnh kế hoạch trước vẫn hay hơn vì nó cũng giúp cho Ban điều hành doanh nghiệp được đánh giá khách quan. Giám đốc một công ty chứng khoán tại TP.HCM cũng cho rằng nhà đầu tư không nên quá bi quan trước việc điều chỉnh kế hoạch này. Đặc biệt nó không thấp hơn lợi nhuận của năm 2007. Tuy nhiên, điều này nhắc nhở Ban điều hành công ty khi lập kế hoạch kinh doanh để trình cổ đông phải xem xét kỹ và có tính dự báo chi tiết các yếu tố tác động đối với doanh nghiệp.

Về phía các lãnh đạo doanh nghiệp, giám đốc một doanh nghiệp niêm yết cho biết người lập kế hoạch kinh doanh như ông có một sức ép cũng không nhỏ. Nếu đưa ra kế hoạch lợi nhuận quá an toàn hoặc ngang bằng hay chỉ tăng rất ít so với năm trước thì cũng bị chính sức ép từ các cổ đông. Vì vậy ông cho rằng các cổ đông cũng nên hiểu và thông cảm cho tình hình cụ thể của doanh nghiệp vì đó là điều ngoài ý muốn.



Nguồn: Thanh Niên Online
Báo cáo phân tích thị trường