Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
“Giải cứu” thế nào?
23 | 08 | 2008
Có vai trò rất quan trọng đối với khu vực kinh tế nông thôn nên việc “giải cứu” hàng loạt DNNT lúc này là đòi hỏi cấp bách...
“Cứu” DNNT sẽ ngăn được lạm phát

Trong lúc hàng chục ngàn DN rơi vào cảnh khó khăn như hiện nay, chúng ta không thể “giải cứu” tất cả. Vậy giải cứu loại hình DN nào đây? Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, tất cả các DN Việt Nam hiện nay đang đi trên một con thuyền, nhưng khi con thuyền ấy gặp nạn, chúng ta lại chỉ quẳng phao cho các DN nhà nước, tập đoàn, mà không quảng phao cho các DNNT. Điều ấy, không chỉ khiến các DNNT thấy mình “đang bị gạt ra khỏi cuộc chơi”, mà còn tạo ra một tiền lệ xấu, là hễ DN nhà nước thì tôi không sợ, “chết” sẽ có người cứu, còn DNNT, DN tư nhân sẽ mất niềm tin vào chỗ dựa chính sách của nhà nước.

TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: “Các biện pháp của Chính phủ về ổn định kinh tế vĩ mô đến thời điểm này đã đạt kết quả tốt. Vấn đề là đi vào tháo gỡ khó khăn ở tầng vi mô. Cụ thể là, tháo gỡ khó khăn cho DNVVN - lực lượng “dẫn dắt” tăng trưởng kinh tế. Tháo gỡ được khó khăn, nâng cao được hiệu quả kinh tế của khối DN này chính là biện pháp hữu hiệu ngăn chặn lạm phát”.

Các chuyên gia Viện Chính sách chiến lược NN-PTNT cho rằng, bài học từ vụ cà phê năm 2002 còn rất nóng. Năm đó, khi giá cà phê giảm sút, hàng loạt DN cà phê có nguy cơ phá sản, nhưng Chính phủ lại chỉ “cứu” các DN nhà nước bằng cách khoanh nợ và giãn nợ mà không “cứu” các DN tư nhân. Kết quả là các vấn đề xã hội nảy sinh, các DN tư nhân đấu tranh quyết liệt đòi sự công bằng trong đối xử…

“Tôi chấp nhận “chết”, nhưng nếu “chết” trong sự không công bằng, tôi không phục. Hàng ngàn DN làng nghề sẽ phá sản, tuy bản thân làng nghề đó sẽ không bao giờ mất đi, nhưng việc làm, mâu thuẫn xã hội nông thôn, tệ nạn xã hội…nông thôn không thể gánh nổi, nhà nước khó giải quyết hậu quả. Chính sách nhà nước không tập trung “cứu” những DN trực tiếp sản xuất, lại cứu DN đi buôn, đầu cơ là việc làm nhất thời, không nghĩ dài. Sự không công bằng ấy, còn thể hiện sự thiếu trách nhiệm của chúng ta với nông dân, nông thôn”- ông Lưu Duy Dần, Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề VN nói.

Nhiều chuyên gia kinh tế hàng đầu của Việt Nam cũng nhận định rằng, đây là lúc thích hợp nhất để “giải cứu” DNNT, DNVVN. Khi lạm phát đang tăng cao, sốt thì phải dùng thuốc hạ sốt. Nhưng khi đã giảm sốt thì phải có những chính sách củng cố lại "sức khoẻ". Ông Lê Kim Hoàng, Cty Minh Long nói: “Nếu chúng ta “giải cứu” các tập đoàn, DN buôn bán, thương mại, đầu cơ…sẽ là một sai lầm. Bài học năm 1997 cho thấy, khi tiền nước ngoài “bơm” vào đầu cơ bất động sản được rút ra đồng loạt, lập tức kinh tế các nước khủng hoảng nghiêm trọng. Đơn giản, đó là ngành đầu cơ, chứ không phải ngành sinh lời, chuỗi giá trị không được chia cho nhiều người. Nếu vào thời điểm này, chúng ta “bơm” vốn cho các tập đoàn, Cty nhà nước thì như muối bỏ bể, bao nhiêu cũng...thiếu”.

Tập trung “giải cứu” DN sản xuất

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu nhà nước có chính sách giải cứu DNNT, DN sản xuất, trước hết phải có những tiêu chí rõ ràng.

Theo đó, trước tiên là cứu những DNNT nào có thể sống được, có ích cho nền sản xuất, cho xã hội. Đó là những DN sử dụng nhiều lao động, giữ vững và thúc đẩy phát triển được các vùng sản xuất, có vùng nguyên liệu ổn định bằng việc hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm cho nông dân, khoanh nợ, giãn nợ để DN có thể vay mới. Nhân cơ hội này, nhà nước phải biến khó khăn thành cơ hội, vì thường trong cái khó vẫn ló cái khôn.

Ông Nguyễn Lâm Viên, TGĐ CTy CP Vinamit:

Vì sao DN của tôi không “chết” trong khi rất nhiều DN khác gặp khó khăn. Đó là vì tôi có một chiến lược định hướng thị trường, xây dựng vùng nguyên liệu và mối liên kết giữa DN và nông dân rõ ràng.

Chuỗi giá trị lợi nhuận không chỉ có một mình DN tôi được hưởng. Tóm lại là, tôi không phải là người đầu cơ hoặc đi buôn. Tuy nhiên, tôi thấy trong lúc khó khăn này, nhà nước cần phải đối xử với DNNT, DNVVN bằng những chính sách công bằng hơn, chứ không nên ưu tiên các DN nhà nước.

Nhà nước không nên dựa vào lỗ - lãi nhiều ít lúc này để cứu, mà quan trọng hơn là an ninh xã hội, ổn định chính trị. Thứ hai, tập trung cứu những DNNT có công nghệ tốt, có khả năng phục hồi nhanh để các DN này tạo ra những sản phẩm có thể XK, mở toang cửa thị trường đang bị co hẹp hiện nay. Thứ ba, là có chính sách với các DN hoạt động trong lĩnh vực nhạy cảm như sản xuất giống cây, con… trong nông-lâm nghiệp và thuỷ sản. Vì nếu, các DN này “chết”, nó sẽ gây khủng hoảng cho một ngành, kéo đổ cả một nền sản xuất nông nghiệp. Không nên hỗ trợ những DN xuất khẩu. Thứ tư là cứu các DN có tác động tốt đến môi trường.

Chủ tịch HĐQT Cty CP Đức Việt Mai Huy Tân cho rằng: Trong điều kiện hiện nay, Chính phủ cần phải có cơ chế hướng các nguồn viện trợ nước ngoài vào khu vực DNNT, chứ không chỉ vào các DN nhà nước, nhằm tăng hiệu quả của đồng vốn. Điều này sẽ tạo nên sự bình đẳng. Ông Tân kiến nghị, Chính phủ nên giảm thuế xuống mức thấp nhất hoặc miễn thuế cho các DN này. Tuy nhiên, TS. Lê Đức Thịnh, Viện Chính sách chiến lược PTNN-NT lại kêu gọi tập trung cứu các DN sản xuất. Còn nếu giảm thuế, thì nhiều DN không sản xuất được hưởng mà lại “béo” mấy ông đi buôn, là nước đi hạ sách.



Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam
Báo cáo phân tích thị trường