Bài viết dẫn nhận định của Tiến sĩ Carl Thayer, chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam thuộc Học viện Quốc phòng Australia, cho rằng: “Việc trở thành thành viên WTO đã đem lại cho Việt Nam một “con dấu quốc tế’ trong cộng đồng doanh nghiệp và đầu tư nước ngoài”.
“Môi trường thương mại ở Việt Nam từ nay sẽ tuân thủ các quy định và nguyên tắc quốc tế. Việt Nam sẽ được nhìn nhận là một địa chỉ an toàn cho vốn đầu tư”, Tiến sĩ Thayer nói.
Nhận định về sự kiện Việt Nam đăng cai Hội nghị các nhà Lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC và đón năm nguyên thủ quốc gia thăm chính thức sắp tới, bài viết dẫn lời Tiến sĩ Jonathan Pincus, chuyên gia kinh tế trưởng của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), nói: “Việc gia nhập WTO và đăng cai Hội nghị cấp cao APEC là hai sự kiện quan trọng đối với Việt Nam. Đây là sự tái trỗi dậy của Việt Nam trong cộng đồng thế giới: gia nhập cộng đồng Đông Á với tư cách là một nền kinh tế năng động và chiếm lĩnh vị trí xứng đáng đối với các nước láng giềng, với một nền kinh tế đầy triển vọng”.
Sau hai mươi năm thực hiện chính sách đổi mới, cải cách kinh tế, Việt Nam đã nổi lên trở thành một nước sản xuất gạo và cà phê lớn thứ hai thế giới, nước xuất khẩu lớn về hàng dệt may và dày dép, cũng như hạt tiêu, hạt điều và thuỷ sản.
“Kinh tế Việt Nam tăng trưởng trung bình ở mức 7% một năm trong gần 20 năm qua, đó là một thành quả đáng kể. Đến nay sức mạnh kinh tế đã tăng khoảng ba lần so với hồi đầu thời kỳ cải cách”, Tiến sĩ Pincus nhận xét.
Ông cũng cho rằng, Việt Nam vẫn còn là một nước nghèo, với phần đông dân số làm việc trong nông nghiệp, công nhân các nhà máy hưởng lương thấp. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng nhanh chóng trong những năm gần đây đã đưa Việt Nam trở thành một địa điểm đầu tư hấp dẫn trong khu vực.
Ngân hàng đầu tư Merill Lynch đã xếp Việt Nam là “thị trường đầu bảng” và nhận xét “sự thay đổi ở Việt Nam đã vượt qua những đánh giá lạc quan” của họ.
Việt Nam đã thông qua một loạt luật mới trong vài tháng gần đây, như các luật về đầu tư, kiểm toán, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ… nhằm đưa luật pháp phù hợp các quy định của WTO.
Nói một cách hình ảnh rằng, Việt Nam gia nhập WTO là đóng góp vào nỗ lực cứu vãn vòng đàm phán Doha về cắt giảm hàng rào thương mại toàn cầu bị đổ vỡ hồi tháng 7 vừa qua.