Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thời... cao su
05 | 09 | 2008
Đã từng có thời cây cao su ở xã Ya Chim, thị xã Kon Tum, tỉnh Kon Tum bị con người rẻ rúng... Nhưng kể từ năm 2000 trở lại đây, những người lao động gắn bó với cây cao su đã thật sự đổi đời.
Ở nông thôn, họ nằm trong tốp những người có thu nhập cao nhất hiện nay...

Đến xã Ya Chim, ở đâu tôi cũng nghe người dân kháo nhau về cao su. Những câu chuyện về công cạo, ngày cạo, giá mủ cao su, trộm cướp mủ cao su... lúc nào cũng rôm rả và thường trực trong đời sống người công nhân và hộ nhận khoán cao su của Nông trường Cao su Ya Chim (Cty Cao su Kon Tum).

Người ta bàn nhiều về cây cao su ở đây cũng bởi lẽ từ thiếu ăn, thiếu mặc. Gắn bó với cây cao su, họ trở thành những người có thu nhập cao nhất ở địa phương.

Giám đốc Nông trường Cao su Ya Chim Vũ Văn Thành cho biết, nhiều hộ gia đình nhận khoán có mức thu nhập từ 10 - 20 triệu đồng/tháng. Đứng đầu trong danh sách hộ nhận khoán có mức lương tháng 7/2008 vừa qua là ông Nguyễn Văn Công 20 triệu đồng, còn các hộ có thu nhập từ 5 - 15 triệu đồng thì không đếm xuể...

Chúng tôi đến thăm gia đình ông Nguyễn Chí Công tại tổ 8. Anh Công cho biết: “Gia đình tôi nhận khoán 4 ha cao su. Tháng 7 vừa qua cây cao su cho tôi 20 triệu đồng”.

Không chỉ người Kinh mà ngay cả những hộ đồng bào người Gia Rai nhận khoán trên địa bàn cũng có thu nhập khá cao.

Trước đây, khi chưa gắn bó với cây cao su hay cây cao su chưa đi vào khai thác, gia đình A Hlưng, làng Plây Sa đã từng có thời “bữa có, bữa không”, cuộc sống rất khó khăn. Từ khi nhận khoán cao su và cây cao su và khai thác được thì gia đình ông không còn cảnh chật vật như trước nữa.

Bình quân mỗi tháng cây cao su cho ông bỏ túi gần 15 triệu đồng. Nhờ có cây cao su, gia đình ông A Hlưng đã xây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắm hai xe máy cùng nhiều tiện nghi sinh hoạt có giá trị khác.

Ngoài nhận khoán cao su, nhiều hộ gia đình nhận khoán vẫn có thể tranh thủ thời gian làm thêm ruộng nước, mì, cà phê...

Rất nhiều hộ nhận khoán và công nhân ở đây có thu nhập từ 50 - 200 triệu đồng. Phần lớn công nhân và hộ nhận khoán đều có điện thoại di động, đi làm bằng xe gắn máy và trang bị các phương tiện sinh hoạt trong gia đình như người dân thành phố. Trẻ em lúc nào cũng rủng rỉnh tiền trong túi nhờ tiền mót mủ cao su.

Nhiều người nói ở Tây Nguyên hiện nay đang là thời... cao su. Có cao su là có tất cả. Cây cao su đã thật sự làm thay đổi đời sống người dân nông thôn.




Nguồn: http://www.kinhtenongthon.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường