Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nỗi lo mía rớt giá
08 | 09 | 2008
Niên vụ này, vùng ĐBSCL chỉ còn khoảng 64.573 ha mía, giảm 4.527 ha so niên vụ trước. Đã giảm diện tích, cây mía còn đang chịu sức ép rớt giá khi sắp vào đợt thu hoạch rộ để chạy lũ.
Mua mía với giá nào?

Mùa nước nổi đã bắt đầu, nên ngay trong tháng 9, khoảng 200.000 tấn mía ở tỉnh Hậu Giang phải thu hoạch ngay. Theo chỉ đạo của Bộ NN - PTNT, 10 nhà máy đường ở ĐBSCL sẽ bắt đầu vận hành từ giữa tháng 9 đến tháng 10 để bảo đảm tiêu thụ hết mía của nông dân. "Từ 15.9, 3 nhà máy đường ở Hậu Giang sẽ bắt đầu niên vụ mới, tiếp đó là các nhà máy đường khác trong vùng.

Các nhà máy cần phấn đấu để đảm bảo giá sàn thu mua mía khoảng 500.000 đồng/tấn" - ông Lê Xuân, Cục trưởng Cục Chế biến - Thương mại - Nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN - PTNT) phát biểu như vậy tại hội nghị tiêu thụ mía đường niên vụ 2008 - 2009, tổ chức tại Hậu Giang tuần qua.

Theo đại diện một số nhà máy đường ở ĐBSCL, với công suất hiện tại, nếu thị trường tiêu thụ tốt, việc thu gom hết sản lượng mía trong dân là điều không khó. Nhưng cái khó hiện nay là mua mía với giá nào để vừa đảm bảo lợi nhuận ít nhất 40% cho người nông dân theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, vừa giúp doanh nghiệp không bị lỗ. Dù hiện có một số nhà máy đường cam kết sẽ mua với giá tại nhà máy là 500.000 đồng/tấn (10 chữ đường), nhưng diễn biến sắp tới vẫn rất khó đoán. Chính ông Xuân cũng thừa nhận: "Nhà nước không quyết định được giá mà chính là thị trường quyết định".

Trong khi đó, theo lãnh đạo các nhà máy đường trong vùng thì thị trường đường năm nay không thuận lợi như mong muốn. Hiện tại, giá đường trên thị trường dao động từ 8.000 - 8.300 đồng/kg. Ông Nguyễn Thành Long, Tổng giám đốc Công ty cổ phần mía đường Cần Thơ (Casuco) phân tích, giá đường sắp tới vẫn khó tăng do lượng đường tồn kho còn lớn, các nhà máy phải giải phóng trước khi vào niên vụ mới. Còn giá đường thế giới, dự đoán vẫn trong tình trạng cung vượt cầu, do đó tiếp tục tác động đến giá đường nội địa...

Thêm một tác động khác là đường nhập lậu giá rẻ, vẫn đang có khuynh hướng gia tăng, khiến đường trong nước khó tăng giá nhằm đảm bảo cạnh tranh. "Gia nhập AFTA, WTO thì chúng tôi "chịu" được, nhưng đường nhập lậu giá rẻ thì thú thật chịu không nổi" - ông Long nói. Dĩ nhiên, các nhà máy đường trong nước buộc phải ghìm giá trước đường nhập lậu. Ông Long tính: nếu giá đường ở mức 8.000 - 8.300 đồng/kg thì nhà máy và nông dân đều gặp khó vì giá thành sản xuất mía hiện ở mức bình quân 350 đồng/kg. Nếu các nhà máy mua giá 500 đồng/kg mía nguyên liệu (đảm bảo cho nông dân có lời 40%) thì sẽ bị thua lỗ vì giá đường trên thị trường dự báo khó có khả năng tăng thêm.

Chia sẻ với nông dân

"Đầu vụ, nhà máy có thể bù lỗ cho nông dân" - ông Trịnh Minh Châu, Giám đốc Nhà máy đường Sóc Trăng trấn an. Tuy nhiên, theo đại diện một số nhà máy đường, trước tình hình ngân hàng siết chặt tín dụng, lãi suất lại cao và thị trường tiêu thụ khó khăn thì khó hy vọng nhà máy sẽ thắt lưng buộc bụng mà dành phần cho nông dân. "Càng sản xuất sẽ càng lỗ, trong khi đường tồn kho vẫn còn đầy mà chưa bán được! Doanh nghiệp thua thiệt, nay lại phải mua mía giá cao thì "chết" ai chịu?" - giám đốc một nhà máy đường ở ĐBSCL cho biết.

Theo ông này, Chính phủ cần có chỉ đạo để ngân hàng tranh thủ nguồn vốn, đồng thời có lãi suất ưu đãi để nhà máy đường mua mía. Nếu không chuẩn bị ngay từ bây giờ, không khéo cây mía lại rơi vào tình cảnh tiêu thụ khó khăn như con cá, hạt lúa trong thời gian qua. "Trồng mía toàn là dân nghèo trồng, nếu thua lỗ thì làm sao gượng dậy" - ông Long lo lắng.

Ông Nguyễn Xuân Trình, Phó chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, thừa nhận đây là giai đoạn khó khăn của nhà máy lẫn nông dân. "Các nhà máy đường trước đây đầu tư vốn lớn, phải khấu hao nhiều năm. Nhưng công nghệ sản xuất nhập từ Trung Quốc, Úc hiện cũng đã lỗi thời. Trong khi đối thủ cạnh tranh ở các nước lại có công nghệ sản xuất tiên tiến, vào WTO sớm hơn nên cũng có nhiều ưu thế hơn chúng ta" - ông nói. Còn nông dân, lúc trồng mía thì phải chịu hàng loạt chi phí gia tăng như giá phân, biến động giá xăng dầu; nay đến lúc bán thì sản phẩm có nguy cơ tuột giá!

Do đó, ông Lê Xuân chỉ đạo, trước mắt các nhà máy đường cần chia sẻ với nông dân thông qua việc xây dựng giá thu mua mía hợp lý, giảm chi phí sản xuất đến mức thấp nhất có thể. Dự kiến, có thể vào giữa tháng 10.2008, một chính sách hợp lý về tín dụng cho các nhà máy đường sẽ được ban hành sau khi Bộ NN - PTNT làm việc thống nhất với ngành ngân hàng. "Phải phấn đấu làm sao để nông dân bán 1 tấn mía bằng được 1 bao urê!" - ông Xuân đặt "chỉ tiêu".




Nguồn: vietlinh.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường