Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tìm mía cho… nhà máy!
11 | 09 | 2008
Chưa đầy 20 ngày sau hội nghị tiêu thụ mía đường niên vụ 2008- 2009, ngày 9-9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT) lại tiếp tục tổ chức hội nghị “Phát triển sản xuất mía đường khu vực ĐBSCL” tại Sóc Trăng đề cập việc bảo đảm vùng nguyên liệu cho các nhà máy.
“Đúng là vùng ĐBSCL họp nhiều nhất về chuyện cây mía, có vụ phải họp 3- 4 lần”, ông Nguyễn Xuân Trình, Phó chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam thừa nhận. Và sự “lủng củng” từ vấn đề vùng nguyên liệu, theo ông Diệp Kỉnh Tần, Thứ trưởng Bộ NN & PTNT, là: “Quá phức tạp! Nông dân sản xuất mía mà không biết mình sẽ bán cho nhà máy nào. Trong khi ở miền Trung, Tây Nguyên… việc liên kết giữa nhà máy và nông dân thực hiện rất tốt”.

Theo thống kê sơ bộ của Cục Chế biến- Thương mại- Nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ NN & PTNT), chỉ tại bốn địa phương có vùng nguyên liệu mía lớn là Hậu Giang, Trà Vinh, Bến Tre và Sóc Trăng thì đã có đến gần 15.000 héc ta mía mà hàng năm nông dân không biết đã bán... cho ai. “Các nhà máy tranh mua, tranh bán, không có tổ chức và cũng không có trách nhiệm với nông dân. Cần phải chấn chỉnh tình trạng này, nếu không vài năm tới các nhà máy sẽ thiếu nguyên liệu trầm trọng”, ông Tần nói.

Chính vì không xây dựng vùng nguyên liệu riêng cho mình, nên các nhà máy không chú tâm đầu tư cho nông dân, dẫn đến vùng mía nguyên liệu thoái hóa, mía nguyên liệu không đạt chữ đường (CCS), có nơi chỉ đạt 7 chữ đường (các nhà máy thường tính giá mua mía theo chuẩn mía 10 CCS).

Đó cũng là nguyên nhân khiến giá thành sản xuất và chế biến tăng cao. “Một số nước như Thái Lan, giá thành một kg đường chưa tới 5.000 đồng, trong khi các nhà máy trong nước phải chấp nhận ở mức 7.000- 8.000 đồng”, ông Tần nói.

Theo ông Tần, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển mía đường (thuộc Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam) phải phát huy vai trò tương tự Viện lúa ĐBSCL đối với nông dân. “Nên kết hợp các địa phương, các nhà máy để chuyển giao khoa học kỹ thuật xuống tận nông dân. Phải đầu tư nâng chất lượng giống. Nếu để hơn 6 năm sau mới làm được điều này thì các nhà máy đường khó tồn tại”, ông nói.

Bên cạnh đó, các nhà máy đường cần chú tâm đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, hợp tác trong thu mua để giảm dần tình trạng tranh mua, tranh bán, qua nhiều trung gian dễ dẫn đến rủi ro về giá mà nông dân chính là người chịu thiệt.

Vị thứ trưởng Bộ NN & PTNT cho rằng, nếu trồng mía không còn lợi nhuận thì dĩ nhiên nông dân sẽ chuyển sang loại cây trồng khác, dẫn đến tình trạng thiếu nguyên liệu càng trầm trọng. “Niên vụ này, diện tích mía cả nước đã giảm 17.000- 18.000 héc ta. Dự đoán, những năm tới diện tích mía vẫn tiếp tục giảm”.

Niên vụ mía 2007- 2008, giá mía nguyên liệu chỉ dao động trên 450 đồng/kg, và mức giá ấy - theo ông Huỳnh Thành Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, nông dân thua lỗ nặng. Còn niên vụ 2008- 2009, các nhà máy đã cam kết sẽ mua mía 10 chữ đường tại nhà máy với giá 500 đồng/kg, nhưng nhiều chuyên gia dự đoán giá mua sẽ giảm khi vào vụ bởi giá đường nội địa hiện vẫn ở mức thấp và đang phải cạnh tranh gay gắt với đường nhập lậu.





Nguồn: thesaigontimes.vn
Báo cáo phân tích thị trường