Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thanh Hoá: Nhiều nỗ lực để duy trì và ổn định diện tích vùng nguyên liệu mía đường phía Bắc
17 | 09 | 2008
Niên vụ sản xuất năm 2007-2008 vùng nguyên liệu mía đường phía Bắc có 11.325 ha đạt năng suất gần 60 tấn cây/ha, tổng sản lượng 675.972 tấn. Trong đó riêng huyện Thạch Thành có 6.287 ha mía đứng, đạt sản lượng 343.000 tấn, chiếm 57% tổng sản lượng toàn vùng.
Đây là vụ sản xuất mà người trồng mía gặp rất nhiều khó khăn do thời tiết khắc nghiệt, giá nhiều loại vật tư hàng hóa chi phí “đầu vào” tăng cao nhưng cũng là vụ đạt năng suất và sản lượng mía cao nhất từ trước đến nay mà nguyên nhân chính là do sau lũ lụt, cây mía được bồi đắp một lượng phù sa phân bón đáng kể. Tuy nhiên, do giá thu mua mía nguyên liệu không tăng hoặc có mức tăng quá thấp do Công ty TNHH Đường mía Việt Nam - Đài Loan phụ thuộc vào giá đường trên thị trường thế giới, mà giá đường trong thời gian qua lại không tăng nên đã gây không ít khó khăn cho người sản xuất.

Đây quả là bài toán hóc búa cho các nhà máy đường trong đó có Công ty TNHH Đường mía Việt Nam - Đài Loan trong khâu thu mua nguyên liệu để hoạt động hết công suất thiết kế. Theo nhiều hộ dân trồng mía ở huyện Thạch Thành cho biết thì thời gian qua tình hình giá vật tư chi phí “đầu vào” cho việc trồng mới 1 ha mía nguyên liệu trong niên vụ 2008-2009 tăng rất cao, cụ thể như sau: công đoạn cày bừa, vạch rãnh giá từ 2,2 đến 2,4 triệu đồng/ha; giá phân bón chuyên dùng cho mía tăng 1,7 lần; giá phân NPK tăng gấp đôi; giá nhân công thuê mướn từ 30.000 đồng lên 50.000 đồng/ngày... dẫn đến bình quân chi phí “đầu vào” so với trước đây đã tăng 1,6 lần, trong khi giá mía chỉ tăng 5% vì thế người trồng mía thiếu mặn mà với cây mía.
Bước vào niên vụ sản xuất mía đường 2008-2009, các huyện trồng mía trong vùng nguyên liệu phía Bắc đã sớm triển khai và giao chỉ tiêu cụ thể. Tuy còn rất nhiều khó khăn về chi phí, nguồn vốn đầu tư tăng cao và những băn khoăn của người nông dân khi giá thu mua chưa được phù hợp nhưng hầu khắp các địa phương trong vùng đều cố gắng chỉ đạo để bảo đảm và duy trì diện tích vùng nguyên liệu với quyết tâm cao nhất. Theo báo cáo của Công ty Mía đường Thanh Hóa, đến hết tháng 8-2008 toàn vùng nguyên liệu mía đường phía Bắc đã trồng đạt trên 11.106 ha, trong đó Thạch Thành có gần 5.903 ha; các huyện Cẩm Thủy, Bá Thước, Hà Trung và thị xã Bỉm Sơn có 3.671 ha, còn lại là của các huyện Vĩnh Lộc, Yên Định và một số diện tích mía của các tỉnh lân cận như Ninh Bình, Hòa Bình. Như vậy, so với niên vụ mía 2007-2008, các đơn vị trồng mía nguyên liệu trong vùng vẫn cơ bản duy trì và ổn định diện tích, riêng vùng mía Vĩnh Lộc và Yên Định lại tăng gần 200 ha. Đây là điều kiện cơ bản để Công ty TNHH Mía đường Việt Nam - Đài Loan ổn định, phát triển sản xuất trong thời gian tới.

Để đạt được kết quả trên, biện pháp mà các đơn vị quan tâm chỉ đạo đó là bám sát diện tích quy hoạch vùng mía đã được UBND tỉnh phê duyệt; tạo điều kiện thuận lợi để người trồng mía ổn định diện tích như: tiến hành giám sát chặt chẽ việc thực hiện vùng quy hoạch theo phương châm “đất nào, cây ấy”; tăng cường quản lý, giám sát giá cả một số loại vật tư đầu vào; ổn định giá các giống mía mới du nhập để người trồng mía có điều kiện mở rộng diện tích; Công ty TNHH Đường mía Việt Nam - Đài Loan đã hỗ trợ lãi suất tiền vay mua máy cày và xây dựng đơn giá làm đất hợp lý... Một số địa phương trong vùng phát triển nguyên liệu đã tập trung chỉ đạo và có chính sách cho công tác đổi điền dồn thửa, tích tụ ruộng đất, tập trung thâm canh cao cho loại cây trồng này. Riêng đối với huyện Thạch Thành có 3 Nông trường Thạch Quảng, Thạch Thành và Vân Du đã chuyển giao cho Công ty Cao su Thanh Hóa quản lý nên một phần phương hướng sản xuất cũng thay đổi từ trồng mía sang phát triển cao su, khoảng trên 500 ha. Để bù đắp lại số diện tích mía giảm của các nông trường trên, tạo sự ổn định cho vùng nguyên liệu phục vụ nhà máy chế biến, các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã tập trung chỉ đạo mở rộng diện tích mía trên các chân đất vườn đồi, v.v...

Từ thực tế trên cho thấy, niên vụ mía 2008-2009 bằng rất nhiều nỗ lực, toàn vùng mía phía Bắc có thể bảo đảm việc duy trì về quy mô, diện tích mía nguyên liệu nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ bị “cỗi hóa” do diện tích mía trồng mới so với yêu cầu đạt thấp, diện tích mía lưu gốc cao. Điều đáng lưu ý là do giá các loại phân bón chuyên dùng tăng cao, nên việc đầu tư chăm bón sẽ hạn chế vì thế dự báo năng suất mía toàn vùng sẽ không cao. Do đó, lợi nhuận của người trồng mía sẽ không được bảo đảm và người nông dân sẽ khó có sự gắn bó lâu dài với loại cây trồng này? Đồng thời với việc triển khai các biện pháp nâng cao năng suất và sản lượng cây trồng, công tác hợp đồng thu hoạch và vận chuyển mía cần có sự phối hợp đồng bộ, tránh những thất thiệt và phiền phức cho nông dân. Đây là những điều cảnh báo, đồng thời là những nguyên nhân quan trọng để vùng mía đường phía Bắc ổn định diện tích, có điều kiện đầu tư thâm canh nâng cao năng suất, sản lượng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp chế biến bảo đảm đủ nguyên liệu trong điều kiện khó khăn như hiện nay.



Nguồn: http://vinanet.vn
Báo cáo phân tích thị trường