Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nông dân Bình Định bỏ mía trồng mì
18 | 09 | 2008
Công ty cổ phần Đường Bình Định (Bisuco) vừa họp dân để triển khai trồng nguyên liệu cho vụ mía 2008-2009. Thế nhưng, Bisuco khó đạt được mục tiêu là đưa cây mía trở lại vị trí “thống trị” bởi sự canh tranh gay gắt từ các loại nông sản khác.
Loại cây trồng mà Bisuco lo ngại nhất hiện nay chính là cây mì (sắn). Những năm gần đây, do thị trường có nhiều biến động, nhiều người dân trồng mía gặp khó khăn bởi sự lên xuống thất thường về nhu cầu cũng như giá cả của cây mía nên đã chuyển sang trồng mì.

Theo thống kê của UBND huyện Vĩnh Thạnh, một trong những địa phương nằm trong quy hoạch vùng nguyên liệu mía của Bisuco, thì năm 2007, toàn huyện có 452 héc ta mía nhưng đến năm nay chỉ còn 313 héc ta. Trong khi đó, diện tích mì tăng từ 518 héc ta năm 2007 lên 601 héc ta đầu vụ 2008.

Các huyện khác như Vân Canh, Vĩnh Thạnh, An Nhơn, Tây Sơn của tỉnh Bình Định và các xã thuộc thị trấn An Khê của tỉnh Gia Lai cũng gặp tình trạng tương tự. Ông Mai Quốc Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tây Sơn, cho biết: "Lúc cao điểm toàn huyện có đến 4.000 héc ta mía nhưng 3 năm trở lại đây, diện tích cây mía giảm mạnh, hiện chỉ còn 869 héc ta. Nhưng diện tích trồng mì lại tăng đáng kể, nếu năm 2006 chỉ có 2.122 héc ta thì hiện đã lên đến 2.971 héc ta".

Hiện diện tích mía nguyên liệu tại tỉnh Bình Định chỉ còn khoảng 2.200 héc ta, giảm gần 1.000 héc ta so với năm 2007. Nếu vụ mía 2008 - 2009 tới đây, cây mía không thể cạnh tranh với các loại cây trồng khác như mì, lúa… thì diện tích đất trồng mía sẽ còn tiếp tục giảm mạnh.

Anh Trần Đình Phụng (thôn Thượng Sơn, xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn), một nông dân trồng mía lâu năm, cho biết, bốn năm trước gia đình anh trồng 1,5 héc ta mía nguyên liệu cung cấp cho Bisuco nhưng từ cuối năm 2007, anh quyết chuyển sang trồng mì toàn bộ diện tích trên.

“Với giá thu mua 370.000 đồng/tấn mía cây, nếu trồng một héc ta mía, sau 8 tháng đầu tư chăm sóc, trừ mọi chi phí nông dân chỉ còn lãi 2 triệu đồng. Đã vậy, khi mía tới kỳ thu hoạch, chúng tôi phải chờ công ty đến thu mua mới có tiền đầu tư tái sản xuất cho kịp thời vụ, mà công tác thu mua lại thường xuyên trễ, có khi không mua. Trong khi đó, nếu trồng mì, sau khi trừ mọi chi phí, một héc ta mì cho lãi 4-5 triệu đồng mà ít nhọc công hơn nhiều”, anh Tuấn nói.

Nhu cầu nguyên liệu mía của Bisuco đang tăng do công suất hoạt động của nhà máy được nâng lên, vụ mía 2008-2009 sẽ đạt năng suất 3.000-3.500 tấn/ngày (năm 2006 là 2.000 tấn mía/ngày). Theo tính toán của phòng nguyên liệu Bisuco, trong vụ mía năm nay, diện tích trồng mía tại vùng nguyên liệu Bình Định phải đạt 6.000 héc ta.

Để vực dậy vùng nguyên liệu mía, thời gian gần đây Bisuco đã nâng cao chính sách ưu đãi với nông dân. Theo kế hoạch, trong vụ mía tới, Bisuco sẽ đầu tư vốn trồng mía mới cho nông dân Bình Định là 12 triệu đồng/héc ta (mức cũ là 4 triệu đồng), đầu tư công chăm sóc mía 7 triệu đồng/héc ta (mức cũ là 3 triệu đồng) và số tiền này sẽ không tính lãi suất. Với những diện tích chuyển đổi từ cây lúa sang cây mía, công ty hỗ trợ không hoàn lại 4 triệu đồng/héc ta, các loại cây trồng khác là 2 triệu đồng/héc ta và phá gốc trồng lại sẽ là 1 triệu đồng/héc ta. Giá trần thu mua mía trong vụ đến cũng đã được nâng lên 450.000 đồng/tấn mía…

Tuy nhiên, Biscuco vẫn chưa thuyết phục được nông dân trở về với cây mía. Bởi họ cho rằng giá thu mua 450.000 đồng/tấn mía vẫn thấp hơn rất nhiều so với giá thu mua mì.





Nguồn: thesaigontimes.vn
Báo cáo phân tích thị trường