Vào WTO, cần thấy cơ hội nhiều hơn thách thức. Nắm bắt trúng xu thế và nhu cầu của nền kinh tế, chính chúng ta đã chủ động chọn con đường hội nhập này chứ không phải ai bắt ép hay xui khiến. Đã là chủ động, ta chọn con đường đẹp, con đường có nhiều lợi ích để đi; không ai thấy đường tối tăm vẫn lao vào.
Các phương án đàm phán cũng do ta chủ động tính toán rất kỹ chứ không phải là bị các đối tác “ép buộc”, “vắt kiệt”. Chúng ta chủ động đưa ra các bản chào, trong đó có chỗ “nói thách”, có “mặc cả”, có thương lượng và giải pháp cuối cùng đạt được là hai bên cùng thắng (“win-win”).
Tôi phải nhấn mạnh tinh thần chủ động hội nhập bởi vì nhiều nhận định gây hoang mang kiểu như “ta sẽ thua trên sân nhà”, “hàng hóa nước ngoài tràn ngập”. Những nhận định đó chưa xác đáng. Phân tích như thế mới chỉ nghĩ tới đầu vào, chưa nghĩ đến đầu ra. Từ nay, thuế suất nhập khẩu trung bình của ta giảm từ khoảng hơn 17% xuống còn 13,6%, nhưng thuế suất bình quân vào Mỹ chỉ khoảng 3,7%, châu Âu 4,2%, Nhật Bản 3,4%, Trung Quốc hơn 10%.
Một sự chủ động nữa là chưa hội nhập song ta đã chủ động chuyển theo chuẩn mực làm ăn của thế giới. Ta xây dựng hệ thống pháp luật, đổi mới doanh nghiệp nhà nước là đều có tính toán, có ghé mắt nhìn tới WTO.
Ngoài ra, trên báo chí hoặc trong một vài phát biểu về vấn đề trợ cấp nông nghiệp có sự nhầm lẫn có thể gây hoang mang cho bà con nông dân. Vào WTO không phải là xóa bỏ hoàn toàn trợ cấp nông nghiệp mà là phải trợ cấp đúng kiểu WTO.
Theo qui định, các nước đang phát triển có quyền trợ cấp nông nghiệp song không quá 10% tổng thu nhập từ ngành nông nghiệp của nước mình. Chính vì vậy, nỗi lo ngành nông nghiệp sẽ chết, nhà nông sẽ điêu đứng ngay sau khi VN gia nhập WTO là không đúng. Nên nhớ rằng mọi chính sách của ta trước hết là lo cho người nghèo, cho bà con nông dân.
Chúng ta nên tự tin vào dân tộc và ta có quyền tự tin.