Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Bầm dập với thị trường
23 | 09 | 2008
Ra đời hơn 6 năm nay, song chương trình phát triển rau an toàn ở TPHCM đang gặp khó: Nông dân bỏ đất, các HTX lâm cảnh rệu rã do không thể đối phó với làn sóng thị trường. Nguy cơ đi vào vết xe đổ như cây dứa cayene đang dần lộ rõ.
“Từ đầu năm nay, giá giống, phân... đều tăng. Nếu trước kia rau muống thành phẩm giá 2.700 đồng/kg, nay đã tăng lên 3.200 đồng nhưng siêu thị vẫn đặt giá 3.000 đồng, chưa kể tiền vận chuyển, lại phải bỏ 20% - 25% gốc rau nên bán càng nhiều thì càng lỗ”. Ông Trần Quang Chánh, Chủ nhiệm HTX Phước An (Bình Chánh- TPHCM), than thở. Đây là thực tế mà nông dân trồng rau an toàn ở các huyện ngoại thành TPHCM đang phải đối mặt.



Bán trôi nổi hoặc thành... rác

Đối tác chủ yếu của các HTX sản xuất rau an toàn là các siêu thị. Song, do giá thành sản xuất cao nên rau an toàn không thể cạnh tranh với rau thường và bị đánh bật khỏi hệ thống các siêu thị. Người trồng rau an toàn còn cạnh tranh lẫn nhau từ khi các siêu thị áp dụng hình thức đấu giá. Sản lượng hằng ngày tại các HTX được tính bằng tấn, trong khi con số xuất cho các siêu thị chưa quá 500 kg/ngày nên rau an toàn cũng phải trôi nổi, đành đem bán ở các chợ.
Đầu ra không có, các HTX không thể bao tiêu sản phẩm nên xã viên phải tự “bơi”. Hàng tấn rau an toàn đổ đi như rác. Anh Hậu, xã viên HTX Ngã Ba Giồng (Hóc Môn- TPHCM), kể: Vợ chồng anh thuê 2.000 m2 đất trồng rau an toàn với giá 15 triệu đồng/năm; tính cả giống, phân bón... chi phí lên đến 30 triệu đồng, lỗ nặng nhưng vẫn bấm bụng chịu, vì bao nhiêu vốn liếng đã đổ vào đây. “Một liếp rau bán 300.000 đồng mới thu được vốn, giờ chỉ 80.000 đồng mà chẳng ai mua. Vợ chồng tôi cứ đến 22 giờ là phải vội vã chở ra chợ, bán đến 6 giờ hôm sau mới được vài trăm ký, hôm nào không bán được phải đổ đi”- anh Hậu than thở. Chị Mười, xã viên HTX Thành Trung (Bình Chánh- TPHCM), ngán ngẩm: “Cứ tưởng vô HTX thì được bao tiêu sản phẩm, không bị thương lái chèn ép, ai dè không ai chèn cũng chết!”.

Đất bỏ hoang cho cỏ mọc

Theo kế hoạch của Sở NN-PTNT TPHCM, trong năm 2008 phấn đấu tăng diện tích trồng rau an toàn của TP hơn 12.000 ha (năm 2007: 8.785 ha). Tuy nhiên, theo điều tra của chúng tôi, diện tích canh tác rau an toàn của các HTX ngày càng giảm. Diện tích đất quy hoạch của các HTX vẫn còn rất khiêm tốn nhưng diện tích đất thực trồng rau an toàn lại ít hơn nhiều, do phần lớn đang bị bỏ hoang. HTX Nhuận Đức (Củ Chi- TPHCM) có 45 ha thực trồng/56 ha được công nhận là đất trồng rau, nhưng số đất này cũng không sử dụng hết. Tương tự, HTX Phước An (Bình Chánh- TPHCM) có 10 ha thực trồng/45 ha được công nhận. Các HTX còn lại có diện tích đất canh tác chưa đến 10 ha, thậm chí HTX Trung Lập (Củ Chi) chỉ 0,3 ha.

Từ đầu năm 2008, diện tích thực trồng rau an toàn tiếp tục giảm: HTX Nhuận Đức từ 45 ha còn 40 ha, HTX Tân Phú Trung (Củ Chi) từ 7 ha xuống 2 ha... Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Chủ nhiệm HTX Tân Phú Trung, hầu hết các xã viên đã chuyển sang trồng lúa hoặc bỏ đất trống cho cỏ mọc. Ngay ông Toản cũng chỉ trồng khoảng 0,3/0,5 ha quy hoạch trồng rau của gia đình. Chủ nhiệm HTX Thành Trung, ông Nguyễn Văn Xướng, cũng chỉ còn trồng trên 100/500 m2 đất trước đây...

Diện tích sản xuất thu hẹp, sản lượng rau an toàn cũng giảm hơn phân nửa. HTX Phước An giảm từ 2 tấn xuống còn 1,2 tấn/ngày. Ngay như Nhuận Đức, HTX đầu tiên được công nhận đạt tiêu chuẩn HCMC GAP về thực hành sản xuất tốt (mô hình được TP đầu tư hơn 650 triệu đồng), cũng chỉ sản xuất cầm chừng, sản lượng từ 6 tấn (vụ đông xuân có thể lên đến 15 tấn) đã giảm còn 2 tấn/ngày.


Đạt HCMC GAP, song phải bán giá... chợ! Vùng trồng rau an toàn của HTX Nhuận Đức (Củ Chi) được công nhận đạt tiêu chuẩn HCMC GAP, song vẫn phải bán giá như rau thường. Theo ông Ngô Văn Tấn, Chủ nhiệm HTX Nhuận Đức, giá thành sản xuất 1 kg rau an toàn theo tiêu chuẩn này cao hơn bình thường 15%-20%, nhưng do chưa có đầu mối bao tiêu nên phải bán ở chợ đầu mối và tất nhiên giá cũng tùy ở chợ. “Trồng được rau nhưng người trồng không thể làm chủ cây rau của mình”- ông Tấn cay đắng.



Nguồn: www.nld.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường