Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Vì sao trúng mùa lúa, nông dân Bình Định không vui?
29 | 09 | 2008
Theo tính toán của nhiều nông dân, với giá lúa 4.400 - 5.200 đồng/kg, năng suất lúa 65 tạ/ha, thu nhập mỗi ha khoảng 32-35 triệu đồng. Trong khi đó, nông dân phải đầu tư từ 18-20 triệu đồng/ha cho phân bón, thuốc trừ sâu, giống, công làm đất, thu hoạch…
Theo Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định, đến nay nông dân trong tỉnh đã cơ bản thu hoạch xong lúa vụ Thu với diện tích 17.000 ha, với bình quân năng suất lúa đạt xấp xỉ 65 tạ/ha, cao hơn vụ Thu năm trước từ 5-7 tạ/ ha. Tuy nhiên nông dân vẫn không vui vì giá lúa hiện khá thấp, tiêu thụ lại khó khăn.

Lúa Thu được mùa

Đây cũng là vụ lúa thứ 3 liên tiếp trong năm nay ở Bình Định được mùa lớn, năng suất, sản lượng đều tăng cao. Tại một số địa phương, nhờ đưa các giống lúa lai, lúa năng suất cao vào sản xuất đã đẩy năng suất lúa tăng lên 75-80 tạ/ha; bà con nông dân rất phấn khởi, ngày càng tin tưởng ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất lúa.

Ông Nguyễn Bay, Trưởng Phòng Kinh tế huyện Tuy Phước, phấn khởi cho biết: “Hiện nay, nông dân trong huyện đã thu hoạch xong lúa vụ Thu với năng suất bình quân cả huyện đạt xấp xỉ 65 tạ/ha. Vụ Thu này toàn huyện đưa vào sản xuất 6.021 ha lúa, chủ yếu bằng các giống lúa lai và giống lúa mới như TBR1, DV5, DV6… Nhờ thời tiết thuận lợi, nguồn nước tưới dồi dào, công tác phòng trừ sâu bệnh được chú trọng, bà con nông dân nắm vững các quy trình kỹ thuật canh tác và tăng cường thâm canh nên năng suất lúa tăng đáng kể. Với năng suất lúa đạt 65 tạ/ha, có thể thấy rằng việc chuyển đổi mùa vụ từ 3 vụ/năm sang 2 vụ/năm trong sản xuất lúa đã thực hiện thành công, vừa tiết kiệm đáng kể lượng giống, phân bón, công lao động nhưng vẫn tăng năng suất, sản lượng và hiệu quả”.

Bà Nguyễn Thị Hai, một nông dân ở xã Phước Lộc, cho biết: “Vụ Thu này, tôi làm 3 sào ruộng bằng giống lúa lai Nhị ưu 838. Đây là năm đầu tiên tôi chuyển đổi từ 3 vụ sang 2 vụ theo khuyến cáo của địa phương, sản xuất bằng giống lúa lai, đáng mừng là năng suất lúa rất cao. Với diện tích 3 sào, tôi thu được 1,2 tấn lúa khô, tính ra mỗi sào (500m2) thu được 400 kg. Nếu so sánh với các giống lúa trước đây tôi làm thì năng suất cao hơn gần gấp đôi, trong khi sản xuất 2 vụ vừa tiết kiệm được nhiều khoản như giống, phân bón, công lao động…”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, tại xã Phước Lộc, vụ Thu năm nay có gần 90% số hộ đã thực hiện chuyển đổi từ 3 vụ sang 2 vụ với các giống lúa lai cho năng suất xấp xỉ gần 80 tạ/ha.

Còn tại huyện An Nhơn, đến nay bà con nông dân trong huyện đã cơ bản thu hoạch xong trên 4.700 ha lúa vụ Thu, năng suất đạt 65 tạ/ha, tăng 6 tạ/ha so với vụ Thu năm ngoái. Một số xã thuộc khu Đông của huyện như Nhơn Phong, Nhơn An, Nhơn Hạnh, thị trấn Đập Đá năng suất lúa đạt xấp xỉ từ 65-70 tạ/ha. Ông Nguyễn Thành Minh, Trưởng phòng NN-PTNT huyện An Nhơn, cho biết: “Lúa Thu năm nay đạt năng suất cao là nhờ bà con nông dân ứng dụng tốt các tiến bộ KHKT vào đồng ruộng, sử dụng các giống lúa chất lượng cao vào gieo sạ, đặc biệt là giống lúa lai Nhị ưu 838 phát triển rất tốt. Điều này trái ngược hoàn toàn với nhiều ý kiến trước đây cho rằng lúa lai chỉ thích hợp với điều kiện khí hậu trong vụ Đông Xuân. Ngoài ra, trong vụ sản xuất này, bà con nông dân thực hiện khá tốt lịch gieo sạ do ngành Nông nghiệp đề ra, không còn tình trạng “xé rào” gieo sạ không đúng lịch như các năm trước nên ít xảy ra sâu bệnh gây hại”...

Giá lúa “tuột dốc”, nông dân không vui

Mặc dù vụ Thu năm nay được mùa lớn nhưng niềm vui của nông dân không trọn vẹn do giá lúa thời gian gần đây giảm mạnh, trong khi giá các loại vật tư phân bón, xăng dầu, công lao động lại tăng đến chóng mặt. Thời điểm hiện nay, giá lúa tại các huyện Tuy Phước, An Nhơn, Phù Cát… dao động từ 4.400-5.200 đồng/kg, giảm từ 500 - 1.000 đồng/kg so với đầu vụ. Tại một số địa phương khác, mặc dù giá khá thấp nhưng thương lái vẫn không mua lúa vì đầu ra rất khó khăn.

Ông Trần Văn Năm, nông dân xã Nhơn Hòa, An Nhơn, cho biết: “Vụ Thu này, gia đình tôi làm 5 sào ruộng, thu hoạch gần 2 tấn lúa, hiện nay lúa đã khô nhưng kêu hoài mà thương lái không chịu đến cân lúa. Do vậy, lúa được mùa chất đầy nhà mà nhiều khoản nợ phân bón, vật tư nông nghiệp, công cày đất… đến hạn phải thanh toán mà vẫn chưa có tiền”. Ông Năm cho biết thêm, vụ Thu năm nay, nông dân phải sản xuất trong điều kiện vật tư nông nghiệp, giá thuê dịch vụ làm đất, thu hoạch lúa… tăng cao; riêng giá phân bón, thuốc trừ sâu tăng gấp đôi, gấp ba so với các vụ trước.

Theo tính toán của nhiều nông dân, với giá lúa 4.400 - 5.200 đồng/kg, năng suất lúa 65 tạ/ha, thu nhập mỗi ha khoảng 32-35 triệu đồng. Trong khi đó, nông dân phải đầu tư từ 18-20 triệu đồng/ha cho phân bón, thuốc trừ sâu, giống, công làm đất, thu hoạch… Mỗi ha lúa, sau 3 tháng sản xuất còn lãi từ 10-12 triệu đồng, thậm chí nếu các hộ nông dân không có công lao động phải thuê mướn nhân công thì chỉ lãi rất thấp./.



Nguồn: vovnews
Báo cáo phân tích thị trường