Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Mùa mía đắng ở Khánh Hoà
29 | 09 | 2008
Thời tiết thuận lợi, mía đạt năng suất cao, nhưng người nông dân Khánh Hòa phải ngậm ngùi đốt bỏ và bán đổ bán tháo mía cho tư thương với giá rẻ mạt, vì không được nhà máy thu mua như hợp đồng đã ký…
Năm nay, gia đình anh Nguyễn Phương Tuấn, thôn Trung, xã Ninh Tân, huyện Ninh Hòa trồng 3,5 ha mía, nhờ năng suất cao nên sản lượng đạt gần 200 tấn, tuy nhiên anh chỉ được nhà máy đường Cam Ranh thu mua 100 tấn trên tổng số 180 tấn theo hợp đồng, còn lại gần 100 tấn phải đốt bỏ vì không biết bán cho ai, tiếp tục thu hoạch thì lỗ tiền công.

Anh Nguyễn Phương Tuấn cho biết: "Năm nay nhà máy cho lịch chặt mía vô cùng tùy tiện, lại còn tiêu cực, chạy chọt mới được chặt… Để lâu mía khô đi, 10 kg chỉ còn 7-8 kg, trữ lượng đường giảm thì giá thấp, nên chúng tôi đành đốt bỏ”.

Anh Tuấn cho biết thêm: nếu bán được hết số mía đã thu hoạch sau khi trừ chi phí, may ra còn lời chút ít tiếp tục đầu tư vào vụ sau, còn không là trắng tay, lại phải đối mặt với khoản nợ không nhỏ đến kỳ phải thanh toán.

Cũng như gia đình anh Tuấn, hàng chục hộ dân xã Ninh Tân đốt mía, rồi vớt vát bằng cách trung chuyển mía ra ngoài đường lộ để bán, nhưng không bán được lại đành để mía phơi khô bên vệ đường.

Ông Nguyễn Ngọc Hoàng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Tân, huyện Ninh Hòa cho biết: Ngày 7/6, nhà máy đường Cam Ranh chấm dứt thu mua nguyên liệu, số mía của riêng xã Ninh Tân tồn đọng trên 2.000 tấn. Nhà máy đường Cam Ranh thông báo bà con chuyển mía về bán cho nhà máy đường Ninh Hòa, vì giữa 2 nhà máy đã có thỏa thuận. Nhưng nhà máy đường Ninh Hòa từ chối không thu mua vì lý do công suất nhỏ và đã có thu mua nguyên liệu, sản xuất đến hết vụ”.

Lãnh đạo huyện Ninh Hòa cho biết, nhà máy đường Ninh Hòa chỉ thu mua được gần 1.000 tấn mía cho bà con nhưng chữ đường chỉ đạt từ 4-5 trữ đường, bên cạnh đó, người dân còn bị trừ 10% do mía khô.

Không có nhà máy nào thu mua, nên gần 800 tấn mía đã thu hoạch phải bán cho tư thương với giá chưa đầy 100.000 đồng/tấn, với giá này không đủ chi phí trả công chặt, thu gom mía.

Người dân trắng tay sau một năm đổ bao công sức, tiền bạc còn chính quyền địa phương cũng gặp không ít khó khăn trong việc vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Ông Hoành Văn Oanh – Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Tân, huyện Ninh Hòa phân bua: Lãnh đạo địa phương cũng đã làm việc với giám đốc nhà máy đường nhưng không tháo gỡ được, cuối cùng để lại lượng mía tồn lớn. Sắp tới, việc vận động nhân dân phát triển cây mía gặp rất nhiều khó khăn, chủ trương phát triển cây mía để xóa đói giảm nghèo bị ảnh hưởng rất nhiều”.

Thiết nghĩ tỉnh Khánh Hòa cần nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm, bàn các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho nông dân sau sự việc này. Tuy nhiên, về lâu dài, cần giải quyết thấu đáo mối quan hệ kinh doanh giữa nông dân với các nhà máy đường./.



Nguồn: doanh nghiep 24g
Báo cáo phân tích thị trường