Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nuôi heo rừng, nghề triển vọng ở Bình Định
30 | 09 | 2008
Nghề nuôi heo (lợn) rừng đang rộ lên ở một số trang trại trên địa bàn tỉnh Bình Định, bước đầu mang lại hiệu quả cao. Với chi phí đầu tư trung bình, không tốn nhiều công chăm sóc, đây có thể là hướng đi mới cho nông dân vùng Nam Trung Bộ.
Trang trại chăn nuôi Phước Tấn ở Khu chăn nuôi tập trung xã Nhơn Tân (An Nhơn) là một trong những cơ sở đầu tiên nuôi heo rừng. Ông Đoàn Văn Bạo, chủ trang trại cho biết: “Trang trại của tôi bắt đầu nuôi heo rừng từ cuối năm 2007 với 10 con giống. Đến nay, tổng đàn heo đã lên đến 100 con. Heo rừng dễ nuôi, thức ăn đơn giản, ít bị dịch bệnh nên ai cũng có thể nuôi được”.

Ông Bạo cho biết thêm, heo rừng có thể nuôi nhốt như heo thuần nhưng điều kiện sống tốt nhất là môi trường thiên nhiên, có hồ nước tắm, nhà trú mưa nắng, “sân chơi” rộng. Heo rừng có trọng lượng tối đa 40 - 50kg (heo cái) và 60 - 70kg (heo đực). Ngoài thức ăn tinh là cám, gạo, có thể cho ăn thêm các loại củ mì (sắn), khoai lang, bắp khô, thân cây chuối, cỏ… Chuồng nuôi rất đơn giản, diện tích càng rộng càng tốt, xung quanh rào lưới B40, bên trong trồng cây ăn trái để tạo bóng mát.

Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ heo rừng rất lớn với giá khá cao. Trang trại Phước Tấn thường xuyên có người đến đặt mua thịt heo rừng và heo giống nhưng không đủ nguồn để cung ứng. Hiện giá heo đạt 60.000 - 70.000 đồng/kg, heo giống 150.000 đồng/kg hơi. Khi hiếm hàng, giá heo có thể đội lên gấp 2 - 3 lần.

Ông Bạo tâm sự: “Để có trang trại nuôi heo rừng hôm nay, chúng tôi đã dày công tham khảo các mô hình ở nhiều địa phương, đặc biệt tìm tài liệu học hỏi kỹ thuật. Sau một năm nuôi tôi đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm quý. Sắp tới, tôi sẽ mở rộng quy mô để đáp ứng cho nhu cầu thị trường”.

Trước nhu cầu ngày càng có nhiều nông dân muốn làm giàu từ nghề nuôi heo rừng, Trung tâm Khoa học Kỹ thuật vật nuôi tỉnh Bình Định đã thực hiện đề tài nghiên cứu, lai tạo giống heo rừng và heo dân tộc nhằm chuyển giao quy trình kỹ thuật nuôi và con giống cho nông dân. Ông Ngô Văn Thèo, Phó giám đốc Trung tâm cho biết: “Cuối năm 2007, Trung tâm đã nhập 15 con giống heo địa phương và heo của đồng bào dân tộc để tiến hành khảo nghiệm và lai tạo. Qua quá trình nuôi dưỡng, các giống heo đều tỏ ra thích nghi với điều kiện khí hậu ở địa phương, ít bị dịch bệnh, thức ăn đơn giản. Hiện, đàn heo mẹ đã bắt đầu đẻ lứa đầu tiên với tổng đàn gần 60 con. Chúng tôi đang tiến hành xây dựng chuồng trại để đàn heo phát triển. Dự kiến, đến cuối năm 2009, Trung tâm sẽ có quy trình kỹ thuật nuôi heo rừng lai và tiến hành nhân giống để chuyển giao cho nông dân”.

Cũng theo ông Thèo, với giá thịt như hiện nay thì nuôi heo rừng đang cho thu nhập khá cao. Tuy nhiên, việc phát triển đàn heo rừng cần có định hướng, bởi nếu chăn nuôi ồ ạt sẽ có nguy cơ “bí” đầu ra.




Nguồn: kinhtenongthon
Báo cáo phân tích thị trường