Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chống nhập siêu: chưa giải quyết được gốc rễ của vấn đề
02 | 10 | 2008
Đến hết tháng 8/2008, tổng mức nhập siêu của Việt Nam đã tới con số 15,49 tỷ USD, cao gấp 1,24 lần cả năm 2007. Rất nhiều biện pháp đã được đưa ra và bước đầu đã có kết quả. Tuy nhiên, điều mà nhiều người lo ngại là các biện pháp áp dụng trong hoàn cảnh Việt Nam đã là thành viên WTO, độ mở của nền kinh tế lớn cần phải cẩn trọng hơn nếu không sẽ gặp phải những rủi ro.
Neo tỷ giá: nguy cơ cho lạm phát?

Để đẩy mạnh xuất khẩu và hạn chế nhập siêu, việc điều hành tỷ giá hối đoái có vai trò rất quan trọng. Và một trong những biện pháp mà các nước hay áp dụng, trong đó có Việt Nam là duy trì tỷ giá có lợi cho xuất khẩu. Thậm chí, Trung Quốc đã có một thời kỳ dài chấp nhận phá giá đồng nhân dân tệ để thúc đẩy xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu.

Tuy nhiên, theo GS Ngô Trí Long - Viện nghiên cứu thị trường giá cả - thị trường ngoại tệ Việt Nam còn một số mâu thuẫn. Việt Nam đang nhập siêu, thâm hụt cán cân thương mại và thường xuyên thâm hụt cán cân vãng lai nhưng nghịch lý là từ đầu năm 2007 đến nay cung ngoại tệ lại luôn tăng. Bên cạnh đó, trong khi lãi suất USD của FED giảm thì lãi suất cho vay USD của nước ta lại tăng và tăng cao hơn. Do đó, giá thành hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ cao hơn, nói cách khác là thu lợi nhuận thấp hơn. Hàng hoá xuất khẩu và dịch vụ của Việt Nam có nguyên nhiên vật liệu và máy móc thiết bị phải sử dụng vốn vay USD kém sức cạnh tranh hơn so với các đối tác trong khu vực.

TIN LIÊN QUAN
Đáng chú ý, theo ông Long, Việt Nam neo giữ tỷ giá VND/USD quá lâu, không đúng với diễn biến của thị trường hối đoái quốc tế, trong khi USD giảm giá mạnh trong hơn 2 năm qua là nguyên nhân quan trọng gây nên lạm phát cao hiện nay. Đồng thời việc neo ghìm tỷ giá VND/USD quá lâu làm cho hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam tăng giá, cũng góp phần gây nên lạm phát. Do vậy, theo ông Long, chính sách tỷ giá hối đoái của nước ta phải đặt trong bối cảnh cụ thể của thương mại đa phương hiện nay.

Có thể sẽ bị kiện

Theo Thạc sỹ Lương Hoàng Thái – Phó vụ trưởng Vụ Thương mại đa biên (Bộ Công Thương), cần phải “cân nhắc” việc ban hành các biện pháp hạn chế thương mại dựa vào lý do gặp khó khăn về cán cân thanh toán. “Trong thời gian qua với nỗ lực kiềm chế nhập siêu, Chính phủ đã ban hành hàng loạt các biện pháp hạn chế nhập khẩu và đã thu được kết quả đáng khích lệ"- ông Thái nói.

Theo ông Thái, trong tình hình hiện nay, việc ban hành thêm các biện pháp hạn chế thương mại với khả năng được WTO và IMF thông qua không cao, lại có khả năng tiềm ẩn những rủi ro nhất định. Rủi ro quan trọng nhất là sự phản ứng của các thành viên WTO nếu biện pháp đó không được WTO và IMF công nhận là hợp lệ. Sự phản ứng này tuỳ thuộc vào mức độ hạn chế, mặt hàng mà biện pháp hạn chế sẽ nhắm tới.

Vì thế, nhiều chuyên gia cảnh báo, nêu không xử lý một cách khôn khéo thì không những ta chưa thể đạt được hiệu quả kiềm chế nhập siêu như mong muốn mà còn có khả năng bị các thành viên WTO trả đũa thông qua các biện pháp hạn chế hàng xuất khẩu của nước ta.

Tuy nhiên, tất cả các biện pháp về tỷ giá, hạn chế nhập khẩu bằng các biện pháp hành chính kỹ thuật đều chỉ mang tính ngắn hạn. Về dài hạn cần có một cách làm bài bản, đó là tăng cường năng lực cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam.

Thực tế, hiện Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu máy móc, thiết bị và nguyên vật liệu (80% nhập khẩu). Bằng cách phát triển công nghiệp phụ trợ, Việt Nam sẽ tránh được sự phụ thuộc quá lớn vào nhập khẩu những hàng hoá trên, tránh những cú sốc khi giá nguyên vật liệu trên thị trường quốc tế tăng, đồng thời tiết kiệm được một nguồn ngoại tệ lớn.

Bên cạnh đó, qua phân tích về cơ cấu nhập khẩu, các chuyên gia cũng cảnh báo, Việt Nam nhập siêu chủ yếu từ các nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc với công nghệ, máy móc thiết bị ở trình độ trung bình. Do vậy, biện pháp tiếp theo được đề xuất là cần phải có biện pháp hỗ trợ chuyển hướng nhập khẩu công nghệ nguồn tiên tiến hơn từ các nước châu Âu và Mỹ. Với công nghệ nguồn như vậy, Việt Nam mới có thể có một nền kinh tế có khả năng cạnh tranh trong nước và hướng ra xuất khẩu.

Chính vì thế, theo nhiều chuyên gia, giảm nhập siêu như cách làm hiện nay mới có tính ngắn hạn mà chưa giải quyết được cái gốc của vấn đề. Vấn đề nhập siêu muốn được giải quyết một cách căn bản cần có những thay đổi từ chính sách đồng bộ và cả quan điểm về phát triển nền sản xuất của Việt Nam.



Nguồn: VietNamNet
Báo cáo phân tích thị trường