Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
ĐBSCL: Nông dân "dở khóc, dở cười" vì lúa gạo “bạc bụng”
07 | 10 | 2008
Giá lúa hè thu đã nhích lên khoảng 300-500đ/kg sau khoảng 2 tuần Chính phủ chỉ đạo các tổng công ty lương thực mua 400.000 tấn. Đây là dấu hiệu hồi phục khả quan sau gần một tháng giá lúa rơi xuống mức dưới 4.000 đ/kg. Tuy nhiên người nông dân lại đang khốn khổ bởi rất khó bán lúa giống IR 50404.
Nhiều nông hộ ở An Giang, Hậu Giang kêu bán lúa IR 50404 với giá 3.500 đ/kg nhưng không ai mua. Tình hình sẽ thêm khó khăn đối với những hộ sản xuất lúa IR 50404, vì gạo này đều bị thương lái chợ và thương lái mua cung ứng cho doanh nghiệp xuất khẩu chê.

Hầu hết lúa không bán được là giống lúa "bạc bụng"

Tại tỉnh “vùng xa” Hậu Giang, sau khi Công ty Lương thực triển khai thu mua 10.000 tấn lúa theo chỉ tiêu được giao, giá lúa cũng nhích lên mức 4.300 đ/kg. Giá lúa đã tăng trên diện rộng. Tại các tỉnh, thành gần các cảng biển và gần TP.HCM, giá lúa thường cao hơn 100đ–200đ/kg so với những địa phương “xa” như Hậu Giang.

“Hiện ghe lúa của thương lái tấp nập mua lúa vào những ngày thời tiết tốt. Thương lái mua lúa giống Hàm Trâu 90.000 đ/giạ (4.500 đ/kg), lúa Tài Nguyên 100.000 đ/gịa (5.000 đ/kg). Nông dân mừng ra mặt. Hy vọng, 10 ngày tới, khi thu hoạch lúa thu đông (lúa vụ 3) nông dân cũng sẽ bán lúa giá cao thế này” – anh Trần Văn Hết ở huyện Tam Bình – Vĩnh Long vui mừng cho biết. Tại Cần Thơ, hiện mỗi ngày các đầu mối của Công ty Cổ phần Gentraco mua khoảng 1.000 tấn lúa. Thị trường lúa gạo tại Thốt Nốt, Cái Răng (Cần Thơ) đã nhộn nhịp trở lại.

Thu hoạch lúa hè thu tại ĐBSCL - Ảnh: Hội Nông dân VN

Song, ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang cho biết: Hiện nông dân trong tỉnh còn trữ khoảng 100.000 tấn lúa hàng hóa. Cái khó cho nông dân là rất khó bán lúa hàng hóa giống IR 50404. Hầu hết thương lái mua lúa, xay xát bán gạo chợ hay cung ứng cho xuất khẩu đều không dám mua lúa giống IR 50404. Theo một số thương lái lúa ở Hậu Giang, giống lúa IR 50404 chất lượng kém do bị bạc bụng, hạt gạo không trong nên khách hàng không thích.

TIN LIÊN QUAN
“Chất lượng lúa hè thu là vấn đề nan giải trong nhiều năm qua chưa được cải thiện. Chủ yếu do thu hoạch vào mùa mưa, lúa thường bị đổ ngả, khâu phơi sấy gặp nhiều khó khăn, ẩm độ lúa thường cao, chất lượng lúa thường thấp. Đây là vấn đề đã được đặt ra nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa được cải thiện” – một doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở ĐBSCL phân tích.

Từ góc độ người sản xuất, anh Sáu Rồng, nông dân ở xã Long Bình, huyện Long Mỹ - Hậu Giang cho biết: "Do dễ trồng, lại thấy kháng được rầy nâu, năng suất cao nên nông dân ĐBSCL vẫn chọn IR 50404 để sản xuất. Những năm trước, giá có thấp hơn giống chất lượng cao chút ít. Nông dân tụi tôi cứ nghĩ lấy năng suất bù qua phần bán giá thấp… Không ngờ, năm nay kêu thương lái bán lúa IR 50404 chỉ có 70.000 đ/giạ (3.500 đ/kg), thấp hơn lúa Tài Nguyên 30.000 đ/giạ nhưng thương lái vẫn chê”

Theo tính toán sơ bộ từ Sở NN&PTNT các tỉnh, thành ĐBSCL, hiện nông dân trong vùng còn trữ và tồn đọng khoảng 700 ngàn tấn lúa. Trong đó, ít nhất có khoảng 30% là lúa IR 50404. Hiện các doanh nghiệp vẫn đang mua lúa chất lượng cao, lúa thơm – nhất là lúa từ vụ đông xuân trữ đến nay với giá 5.000 đ/kg, thậm chí 5.300 đ/kg. Nhưng rất khó “săn tìm” các loại lúa này trong vụ hè thu.

Cần hỗ trợ nông dân sản xuất lúa chất lượng cao

Nhiều nhà khoa học gọi “hiện tượng IR 50404” là “nghịch lý”. An Giang được xem là đi tiên phong trong việc hình thành hệ thống sản xuất lúa giống bài bản nhất ở ĐBSCL. Tuy nhiên, chuyện tỉnh này có gần 50% diện tích sản xuất lúa sử dụng giống IR 50400 là một điều đáng suy nghĩ. Đáng buồn hơn, có tỉnh diện tích gieo sạ giống lúa IR 50404 lên đến 70%!

Theo các nhà khoa học, trước đây IR 50404 là giống kháng rầy, dù tỷ lệ bạc bụng cao, hạt ngắn… nhưng dễ sản xuất ở các vùng sinh thái khác nhau nên được nông dân ưa chuộng.

Nông dân cần quan tâm hơn đến việc chọn giống lúa chất lượng cao hơn là chạy theo năng suất . Ảnh: Nông nghiệp VN

Nông dân nên chuẩn bị hạt giống chất lượng cao

Theo Viện Lúa ĐBSCL, ngay từ thời điểm này (tháng 9/2008 ), các chủ trang trại và bà con nông dân nên chuẩn bị hạt giống chất lượng cao (cấp xác nhận hoặc tương đương cấp xác nhận) với những tên giống phù hợp cho vụ đông xuân theo sự khuyến cáo của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghịêp & PTNT ) và Sở NN&PTNT các tỉnh nơi mình tổ chức sản xuất. . Các giống đó là : OM 4900, OM 6073, OM 6162 , OM 4661, OM 5930, OM 5981, OM 3315, OM 2395, OM 2512-12, OM 4191, OM 5464, OM 6071.

(PGS.TS Dương Văn Chín, Phó Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL).

Bộ NN&PTNT đã chính thức cảnh báo: “Nông dân cần hạn chế tối đa việc sử dụng giống IR 50404”. Cảnh báo là thế nhưng chính quyền các địa phương không thể “cấm” nông dân sản xuất giống lúa này. Giá thành sản xuất lúa hè thu hiện nay khoảng (3.500đ–3.700 đ/kg), cao hơn vụ đông xuân khoảng 500 đ/kg.

Tuy nhiên, giá bán thường thấp hơn vụ đông xuân. Đây là vấn đề mà doanh nghiệp xuất khẩu và ngành nông nghiệp đều biết. Các doanh nghiệp thường chỉ mua lúa – gạo vụ đông xuân làm nguồn nguyên liệu chính để xuất khẩu cho cả năm. Lợi thế của lúa đông xuân là thu hoạch trong mùa khô (lúa trữ được lâu), chất lượng lúa – gạo cao hơn vụ hè thu.

Tuy nhiên, năm 2008, do sự khan hiếm nguồn lương thực “cục bộ” trên thế giới, không ít nông dân ĐBSCL đã bỏ qua “yếu tố” chất lượng, mà chạy theo giống “cao sản” như IR 50404 nên bị “dính” vào gạo bạc bụng.

Đây cũng là bài học “xương máu” cho nông dân và ngành nông nghiệp trong vùng. Trong đó, cần phải nhìn lại trách nhiệm, vai trò của ngành nông nghiệp trong việc chuyển giao, hỗ trợ nông dân sản xuất các giống lúa chất lượng cao, cung ứng cho xuất khẩu. Việc tuyên truyền kèm theo hướng dẫn, hỗ trợ các giống lúa chất lượng cao cho nông dân trong vụ sản xuất đông xuân tới đây là rất cần thiết để tránh cho nông dân “dở khóc, dở cười” vì IR 50404 như hiện nay.


Xem tin gốc tại đây:

http://www.vietnamnet.vn/kinhte/2008/10/807318/



Báo cáo phân tích thị trường