Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tạo môi trường, kích thích doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam phát triển
14 | 10 | 2008
“Việc gia nhập WTO đem lại rất nhiều cơ hội cho Việt Nam mà một trong những cơ hội và cũng là thách thức lớn là việc Việt Nam phải thực hiện cam kết WTO về mở cửa thị trường dịch vụ phân phối bán lẻ“.

Ông Nguyễn Thành Biên, Thứ trưởng Bộ Công Thương đã nhận định như vậy tại Hội thảo "Việt Nam- WTO: Mở cửa thị trường trong lĩnh vực dịch vụ phân phối và bán lẻ" do Ủy ban hợp tác kinh tế quốc tế phối hợp với Hiệp hội bán lẻ Việt Nam tổ chức ngày 13-10 tại Hà Nội.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên, hoạt động dịch vụ phân phối, bán lẻ có tầm quan trọng với nền kinh tế Việt Nam bởi lĩnh vực này đóng góp tới trên 15% vào GDP hàng năm. Sau khi gia nhập WTO, hệ thống phân phối và bán lẻ của Việt Nam đã có những thay đổi mạnh mẽ và căn bản với việc xuất hiện những nhà phân phối, bán lẻ chuyên nghiệp cùng hệ thống bán hàng tiện lợi, đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Tổng thư ký Hiệp hội bán lẻ Việt Nam cho biết: Thời gian qua, đã có nhiều tập đoàn, doanh nghiệp phân phối và bán lẻ Việt Nam vươn lên và phát triển mạnh mẽ. Bên cạnh đó, sự có mặt và kinh doanh thành công của một số doanh nghiệp phân phối và bán lẻ nước ngoài tại thị trường Việt Nam cũng đã tạo ra một môi trường kinh doanh hấp dẫn, kích thích các doanh nghiệp Việt Nam phát triển trong một môi trường kinh doanh bình đẳng tất cả cùng có lợi. Hơn nữa, hoạt động phân phối, bán lẻ trên thị trường Việt Nam chưa bao giờ phát triển sôi động như vào thời điểm này góp phần to lớn vào việc đẩy nhanh lưu thông, phân phối các loại hàng hoá, sản phẩm của doanh nghiệp và nông dân trong cả nước.

Theo cam kết gia nhập WTO, Việt Nam sẽ cho phép thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài trong lĩnh vực phân phối và bán lẻ hoạt động trên thị trường Việt Nam. Xu hướng đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ phân phối đang tăng nhanh với sự lớn mạnh của các nhà phân phối nội địa cũng như sự hiện diện nhiều hơn các nhà phân phối và bán lẻ nước ngoài.

Cùng đó, cạnh tranh trên thị trường phân phối bán lẻ Việt Nam tăng cao khi xuất hiện nhiều tập đoàn quốc tế. Hiện, các tập đoàn bán lẻ lớn như Metro của Đức, Casino của Pháp, Parkson...đều đã có mặt tại Việt Nam. Tuy nhiên, sự hiện diện của nhiều doanh nghiệp phân phối và bán lẻ nước ngoài đang đặt ra nhiều thách thức như sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn yếu kém; sự thu hẹp thị phần của nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể ảnh hưởng đến công việc làm ăn của hàng vạn người buôn bán nhỏ, xu hướng tiêu dùng hàng ngoại và sức ép nhập siêu gia tăng...

Nhìn nhận dưới góc độ quản lý doanh nghiệp, ông Nguyễn Chí Linh, Tổng giám đốc công ty TNHH Nhật Linh cho rằng: điểm yếu của nhiều doanh nghiệp trong nước tồn tại lâu nay là thiếu một hệ thống phân phối đủ mạnh, yếu về khả năng tài chính, không thiết lập được mạng lưới kinh doanh, lực lượng công nghiệp thiếu, không có công nghệ quản lý và điều hành phù hợp với xu thế hiện đại hoá và chuyên nghiệp hoá tương xứng với các đối tác quốc tế trong quá trình hội nhập và mở cửa thị trường trong nước với nước ngoài.

Trong khi đó có quá nhiều loại hình tổ chức mua bán và thương nhân nhỏ lẻ không được hình thành và phát triển, không được tổ chức thành đối tượng của quản lý nhà nước, hoạt động manh mún và lợi ích của người tiêu dùng không được tôn trọng. Đây cũng là một trong những câu trả lời vì sao giữa nhà sản xuất và nhà cung cấp dịch vụ thiếu sự phối hợp chặt chẽ.

Tại Hội thảo, các doanh nghiệp đã cùng các chuyên gia thảo luận các giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển và tăng cường quản lý nhà nước đối với các hệ thống phân phối trên thị trường bán lẻ hiện nay và những năm tiếp theo. Theo họ, chính những nhà phân phối, bán lẻ là những người làm tốt nhất công tác "bốn nhà" và sự thành công của họ tạo điều kiện cho các nhà khoa học phát huy khả năng và áp dụng phát minh, tiến bộ khoa học vào sản xuất làm gia tăng chất lượng và số lượng hàng hoá sản phẩm, nâng tầm hàng hoá của Việt Nam lên đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế.



Nguồn: TTXVN
Báo cáo phân tích thị trường