Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Những "bà chúa" kinh doanh Đông Tây
24 | 10 | 2008
Họ chính là những "bà chúa" không ngai vàng nhưng có sức mạnh siêu việt bằng sự điều hành để sinh lợi bạc tỷ trong kinh doanh
Những người phụ nữ được giới thiệu trong bài viết này, có người vẫn còn sống, nhưng cũng có người đã khuất. Nhưng sự nghiệp của họ là bất hủ và đáng để cho thế hệ sau học tập. Quan niệm thâm căn cố đế của xã hội cho rằng, người đàn bà không có khả năng nhìn xa, hiểu rộng và tính toán sâu sắc và không thể làm những việc đại sự.

Thực tế đã chứng minh điều ngược lại, nhiều người phụ nữ ngày nay đã dám làm và đã cực kỳ thành công trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kinh doanh vốn trước kia chỉ cho rằng thuộc lĩnh vực của đàn ông. Nhiều người phụ nữ đã làm được những công việc có qui mô lớn lao mà ngay cả nhiều nhà tài phiệt cự phách thuộc phái nam còn e dè hay chưa nghĩ tới được.

1. Người đàn bà đánh sụp uy thế của một tổng thống

Trong cuộc đời tổng thống của mình, ông Richard Nixon, vốn là người đã từng hành nghề luật sư, phải đặc biệt thán phục một người đàn bà đầy tài năng, một người đã từng “châm thuốc nổ” tấn công địa vị của ông đến nỗi cuối cùng ông đã phải tuyên bố từ chức một cách bất đắc dĩ.

Katharine Meyer Graham, người đàn bà khiến tổng thống Mỹ Richard Nixon phải tuyên bố từ chức một cách bất đắc dĩ.
Katharine Meyer Graham, người đàn bà khiến tổng thống Mỹ Richard Nixon phải tuyên bố từ chức một cách bất đắc dĩ.

Người đàn bà đó chính là Katharine Meyer Graham, một doanh nhân của ngành báo chí Mỹ và cũng chính là người đã thay đổi số phận của tờ Washington Post.

Từ một trong những tờ báo ngày dặt dẹo, Washington Post, sau hai thập kỷ dưới quyền Graham, nay trở thành một tập đoàn truyền thông, báo, tạp chí và truyền hình.

Với trí óc nhạy bén, Katharine đã chỉ đạo tờ báo làm hàng loạt các phóng sự dài kỳ đặc sắc. Bà đã tạo nên được không khí sôi động cho nền báo chí và chính trường Mỹ vào những năm đầu của thập niên 70.

Chính Katharine đã cho thực hiện những loạt bài phanh phui các “báo cáo láo” của những tướng sỹ cao cấp Mỹ về chiến tranh Việt Nam rồi tiến tới vạch trần vụ “nghe lén” Watergate khiến làm sôi động chính trường Mỹ và sau cùng đưa tới tình trạng Tổng thống Richard Nixon phải từ chức.

Sau vụ việc này, tờ báo được trao giải Pulitzer, vì dám theo đuổi đến cùng vụ Waltergate. Bản thân Graham cũng giành được giải thưởng Pulitzer cho cuốn tự truyện “Lịch sử cá nhân” của mình năm 1998.

Bà thực sự là một người đầy quyền lực và có tiếng nói trong giới truyền thông. Vì thế, các tổng thống và nguyên thủ quốc gia đều nhờ bà cố vấn. Người ta ví bà như một nhân vật khổng lồ. Nhưng điều khiến Graham trở thành một người được yêu mến, chính là nhờ ý chí vượt qua được nỗi sợ hãi của bản thân bà.

Theo Newsweek: Katharine được nuôi dạy bởi một người mẹ thông minh nhưng thích tự huyễn hoặc, bà lớn lên nghi ngờ về cả ngoại hình, tính cách và trí tuệ của mình. Khi bà kết hôn với Philip Graham, một luật sư tốt nghiệp đại học Harvard và làm việc cho Toà án Tối cao, bà không thể tin được một người hấp dẫn đến thế lại muốn lấy bà làm vợ. Ông Philip sau đó đã tiếp quản tờ WashingtonPost từ tay cha vợ, Eugene Meyer, và bắt đầu đưa tờ báo lên đỉnh cao.

Sau khi chồng chết vì tự sát, bà gần như mất hết lòng tin. Bước vào một thế giới do đàn ông áp đảo, Katharine dần dần nhận thức những gì mình đang làm và thách thức trật tự xã hội truyền thống.

Katharine đã mất năm 2001, thọ 84 tuổi. Và theo như lời Arthur Sulzberger, chủ tịch danh dự tập đoàn New York Times, "trong suốt nửa sau thế kỷ 20, bà đã sử dụng sự thông minh, lòng can đảm và sự mưu trí của mình để thay đổi nền báo chí Mỹ, và tất cả những ai mong muốn một nền báo chí tự do và vô tư đều sẽ tưởng nhớ bà”.

2. Coco Chanel

Người ta nói rằng, chính cái tên Coco Chanel đã là một huyền thoại. Bà được xếp vào danh sách 100 người có tầm ảnh hưởng lớn nhất của thế kỷ 20. Những câu chuyện có gắn đến cái tên Coco Chanel chưa bao giờ trở nên mờ nhạt trước những người yêu thích thời trang, bởi bà chính là một trong những người đi đầu trong lĩnh vực thiết kế.

Coco Chanel - người đàn bà với tham vọng giải phóng phụ nữ khỏi những phục trang truyền thống của thế kỷ 20.
Coco Chanel - người đàn bà với tham vọng giải phóng phụ nữ khỏi những phục trang truyền thống của thế kỷ 20.

Phương châm thiết kế của Chanel có thể được tóm gọn trong những từ sau: Giản dị, thực tế, thoải mái, luôn luôn thanh lịch nhưng lại ẩn đằng sau đó một tinh thần nổi loạn. Tất cả những tính cách này luôn được thể hiện trong các thiết kế qua hơn 100 năm, kể từ ngày người sáng lập Gabrielle Chanel (thường được biết đến dưới tên Coco Chanel) bắt đầu đi vào lĩnh vực thiết kế mũ và áo váy.

Tham vọng của Coco Chanel là giải phóng phụ nữ khỏi những bộ váy áo “kín cổng cao tường” ngột ngạt của thế kỷ 20, và thoát ra ngoài những thứ mũ rộng vành to đùng hay búi tóc nặng chịch, ấy là chưa kể đến những bộ váy cứng đờ.

Coco tin rằng, trang phục sang trọng cũng là một nhu cầu tinh thần quan trọng không kém gì tình yêu đối với cuộc sống. Nhưng với bà, sự sang trọng thường được thể hiện một cách đằm thắm nhẹ nhàng và không hề lố lăng, kệch cỡm.

Coco ghét cay ghét đắng khi người ta tôn vinh bà là một thiên tài, bà chỉ muốn được nghĩ đến như nghệ nhân và là một người khiêm tốn. Với Coco, những gì người khác không nhìn thấy được cũng quan trọng không kém những gì họ thể hiện - “sự sang trọng là nét đẹp của cả bên trong lẫn bên ngoài” - do đó, bà sẵn sàng tháo bỏ những đường may không cần thiết trên áo ngay trước khi show diễn bắt đầu, và cũng chính bà là người sẵn sàng quỳ mọp xuống sàn để đảm bảo rằng các đường lai của váy được may thật sự hoàn hảo.

Hơn 100 cửa hiệu của Chanel gần đây đã được kiến trúc sư người Mỹ Peter Marino thiết kế lại theo cùng một quy luật: Trung thành nhưng không bị gò bó bởi tinh thần Chanel, tiếp nối sự hài hoà và độc đáo trong thiết kế, mang đến một không gian thoáng cho sản phẩm và khách hàng.

Và chắc hẳn rằng, ở trên thiên đường Coco Chanel sẽ rất hài lòng nếu bà biết được những người kế tục mình ngày nay đã tiếp thu và cải tiến những thiết kế của mình cho thế kỷ 21 nhưng vẫn giữ vững được phương châm cách tân để đi tìm sự thanh lịch đằm thắm của mình ngày nào.

3. Người phụ nữ kỳ diệu ở Wall Street

Đây chính là từ mà giới tài chính là phái nam cực kỳ lão luyện ở Phố Wall đã trân trọng dành cho bà, một người phụ nữ đến từ Phương Đông bí ẩn, đã đến và chinh phục được Wall Street, một trung tâm tài chính vốn được mệnh danh là Phong vũ biểu của nền kinh tế thế giới.

Lilia Clemente - người phụ nữ kỳ diệu ở Wall Street
Lilia Clemente - người phụ nữ kỳ diệu ở Wall Street

Bà chính là Lilia Clemente, một người phụ nữ Philippines kiều diễm và mặn mà sắc đẹp phương Đông.

Khởi nghiệp bằng một công việc hết sức khiêm nhường là làm quản trị viên cho một cơ sở sản xuất xe hơi Mỹ - công ty Ford. Lần hồi, bà đã xâm nhập vào “thế giới của thị trường tài chính Wall Street” và bà quyết định sẽ chinh phục nó bằng tất cả khả năng và ý chí của mình.

Trong qúa trình làm việc ở Wall Street, Lilia Clemente nhận thấy có rất nhiều người đàn bà giàu có ở Mỹ. Họ là những người có sẵn tiền của do thừa hưởng của gia đình hoặc di sản của chồng sau khi chết hoặc li dị mà không biết cách sử dụng tiền để sinh lời.

Dù không có sẵn tiền bạc trong tay nhưng bà vẫn cảm thấy tiền bạc trong túi của những người làm ăn cùng giới đó đang “nhảy múa” gọi mời “cung hiến” trước mắt bà. Vì thế, bà đã làm cầu phao nối liền giữa bên cần tiền và bên dư tiền muốn đầu tư. Hai bên sẽ kết hợp với nhau hợp tác làm ăn.

Đây là một sáng kiến tuyệt vời trong doanh nghiệp mà thực tế đã vận dụng tới một số vốn lớn lao có tính cách trực tiếp không qua sự đảm bảo của ngân hàng nào.

Để tiến hành chương trình đầu tư ở quy mô lớn, bà đã cho thành lập ở Wall Street một Quỹ quản trị đầu tư có tên gọi WAM mà bà là chủ tịch hội đồng quản trị. Quỹ này thuộc công ty Clememte Capital cũng do bà sáng lập.

Không bao lâu sao, bà đạt được những kết quả sáng chói, trở thành một khuôn mặt đáng nể trọng trong giới tài chính.

Có thể nói, Lilia Clememte là điển hình cho giới phụ nữ châu Á thành công lớn trên đất Mỹ. Nhìn vào cung cách làm ăn chắc chắn và hiệu quả của bà, nhiều nhà đầu tư Tây phương đã nhắm vào đầu tư vào các nước châu Á.

4. Indra Nooyi: Người phụ nữ quyền lực nhất thế giới

Đây chính là danh hiệu mà giới kinh doanh trên toàn thế giới đã đặt cho bà khi bà đứng đầu danh sách Top 50 doanh nhân quyền lực nhất thế giới năm 2006 do Fortune bình chọn.

Indra Nooyi: Người phụ nữ quyền lực nhất thế giới
Indra Nooyi: Người phụ nữ quyền lực nhất thế giới

Bà Indra K. Nooyi là một phụ nữ gốc Ấn, sinh ra ở phía Nam Ấn Độ trong một gia đình theo đạo Hindu mang nặng phong kiến. Cha làm việc tại một ngân hàng, mẹ ở nhà chăm sóc con cái. Những tham vọng trong sự nghiệp của Indra K. Nooyi được nuôi dưỡng từ thuở bé.

Năm 1978, bà đến Mỹ theo học Thạc sĩ quản trị kinh doanh tại trường Đại học danh tiếng Yale. Để trả tiền học phí rất cao tại đây, cô gái Ấn Độ 23 tuổi này chịu khó làm thêm từ khuya cho đến 5 giờ sáng. Bà giải thích cho sự thành công của mình: “Vì là phụ nữ, lại đến từ một nước khác, ngoài sự thông minh, tôi cần phải làm việc chăm chỉ gấp đôi người khác để thành công”.

Indra Nooyi đầu quân vào PepsiCo năm 1994 sau thời gian giữ vai trò quan trọng tại một số công ty lớn như Hãng Johnson & Johnson, Motorola, Asea Brown Boveri (năng lượng). Vào thời điểm đó, PepsiCo đang gặp khó khăn vì thất thoát tài chính. Trong vai trò là giám đốc tài chính mới, bà cùng Steve S. Reinemund - Chủ tịch PepsiCo lúc bấy giờ và cộng sự nghiên cứu đưa ra nhiều hoạt động kinh doanh mang lại lợi nhuận lớn cho công ty. Nhận thấy người tiêu dùng ngày càng chuộng các sản phẩm ít calorie, bà đưa ra chiến lược hạn chế sản xuất các sản phẩm nước ngọt có gas - sản phẩm chính của Pepsi lúc đó - đang ngày càng ít được ưa chuộng trên thị trường và đa dạng hóa sản phẩm bằng cách mua lại nhãn hiệu thức ăn từ ngũ cốc Quaker Foods, nước trái cây Tropicana, tung ra sản phẩm nước tinh khiết Aquafina.

Chính chiến lược đó đã tạo ra bước ngoặt cho Pepsi đưa hãng này trở thành hãng chế biến thực phẩm từ năm 2001. Từ đó, Pepsi thoát khỏi tình trạng khó khăn và đạt giá trị thị trường 99,2 tỉ USD vào đầu năm 2007, chỉ kém hãng sản xuất nước uống có gas hàng đầu thế giới Coca Cola khoảng 2 tỉ USD. Với những thành công đó, Indra Nooyi được mệnh danh là kiến trúc sư cho những chuyển đổi ở PepsiCo.

Năm 2007, Indra K. Nooyi đã trở thành 1 trong số ít những nữ lãnh đạo quyền lực nhất cộng đồng doanh nghiệp Mỹ khi toàn thể Hội đồng quản trị PepsiCo chính thức bổ nhiệm nữ CEO vào vị trí Chủ tịch tập đoàn.

Người phụ nữ quyền lực nhất trong “đế chế” PepsiCo đã tiết lộ bí quyết thành công của mình. Bí quyết ấy được bà gọi là 5C, gồm 5 từ tiếng Anh bắt đầu bằng chữ C, gồm competence (nghĩa là "năng lực"), courage (dũng khí), communication (sự giao tiếp), compass (cái la bàn, ý nói là làm việc có định hướng nhất quán) và conscience (lương tâm).

Trở thành Chủ tịch tập đoàn, Nooyi cam kết sẽ luôn nghiên cứu và suy nghĩ về chữ C thứ 6 là... Coca-Cola.

5. Người nữ doanh nhân “gan góc” nhất thế giới

Đó chính là lời mọi người dành Yoshiko Shinohara, một người phụ nữ thành công trong thế giới đàn ông. Với cương vị chủ tịch và cũng là cổ đông lớn nhất khi nắm trong tay số lượng cổ phiếu lên đến 85% của tập đoàn TempStaff, một tập đoàn cung ứng nhân sự lớn nhất Nhật Bản, Yoshiko Shinohara là một trong số rất ít những nữ doanh nhân thành công tại Nhật Bản, quốc gia từ lâu nay vẫn chưa coi trọng giới nữ tham gia vào các hoạt động kinh doanh.

Yoshiko Shinohara: Người phụ nữ thành công trong thế giới đàn ông.
Yoshiko Shinohara: Người phụ nữ thành công trong thế giới đàn ông.

Ở Yoshiko Shinohara, người ta tìm thấy phong thái dịu dàng và vẻ khiêm tốn của người phụ nữ Nhật Bản truyền thống, nhưng cũng đồng thời thấy được sự năng động và quyết đoán của phương Tây.

Yoshiko Shinohara tâm sự: “Thành công trong thế giới kinh doanh mà nam giới thống trị quả không dễ dàng chút nào. Bạn cần có quyết tâm và nỗ lực hơn nhiều lần. Sự thành công của tôi có được là do làm việc chăm chỉ, tập trung cao độ và … hiểu được phụ nữ”.

Trong thời gian dài “bôn ba” tại châu Âu và Australia, những nơi mà mọi người không còn xa lạ với các nữ doanh nhân thành đạt, Yoshiko đã học hỏi được rất nhiều thứ, đặc biệt là làm quen với hoạt động cung ứng lao động theo hợp đồng ngắn hạn.

Yoshiko Shinohara quyết định mang ý tưởng này về Nhật thực hiện. Với số tiền tiết kiệm 4.000 USD, bà đã thành lập công ty TempStaff vào năm 1973.


Lúc đầu, Yoshiko phải vừa điều hành vừa đi dạy tiếng Anh vào buổi tối để kiếm thêm tiền trang trải các chi phí của công ty. Và rồi ngày nay, Yoshiko Shinohara chính thức điều hành một Tempstaff lớn mạnh có trụ sở ở một khu vực sang trọng trung tâm Tokyo.

TempStaff của Yoshiko Shinohara hàng năm cung cấp khoảng 25.000 nhân viên làm việc theo hợp đồng ngắn hạn cho 35.000 công ty ở Nhật và các nước khác.



Nguồn: VTCNews
Báo cáo phân tích thị trường