Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Rộn ràng làng cá cơm
23 | 10 | 2008
Năm nay làng cá cơm ở thị xã La Gi (Bình Thuận) bội thu, cộng với thị trường xuất khẩu "ăn" hàng mạnh nên cuộc sống của người dân khấm khá hơn.
Được mùa cá

“Hiếm có năm nào biển La Gi lại bội thu cá cơm như hiện nay. Nếu như trước đây mỗi chuyến ra khơi chỉ đánh bắt được vài ba tấn thì nay lên tới 6-7 tấn...” – ngư dân Hoàng Văn Chất cười giòn tan cho biết. Chỉ vào những con tàu nhỏ, đánh bắt ven bờ biển La Gi, Chất nói năm nay do được mùa cá nên bà con ngư dân cũng bớt nhọc nhằn, nhất là vào thời điểm giá dầu vẫn cao như hiện nay. Chúng tôi đi lang thang trên bến cá, gặp gỡ và cả “bù khú” vài ly rượu đế với món cá cơm hấp hoặc nướng sơ qua mới cảm được chất mộc mạc, chân tình của người dân vạn chài cũng như vị ngon, ngọt đến khó quên của món cá cơm dân dã.

Nhiều vạn chài cho biết: “Khó có mùa cá cơm nào đẹp như năm nay. Nếu như năm ngoái giá cá cơm tươi đánh bắt tại biển chỉ chừng 3.000- 4.000đ/kg thì nay đã lên tới 8.000- 9.500đ/kg, cùng với trữ lượng cá lớn đã khiến ngư dân có lời, còn lao động trong làng cũng có công ăn việc làm theo mùa với thu nhập ngất ngưởng từ 100.000 – 120.000đ/ngày. Mức thu nhập này có thể với nhiều người chưa “nhằm nhò” gì, nhưng với người vạn chài nơi đây quả thực không phải cứ mơ là thấy”. Chính vì thế, hiện ngư dân đang đổ xô ra biển, mỗi ngày có đến hàng trăm ghe thuyền cập bến, chiếc nào chiếc nấy đầy ắp từ 6-7 tấn cá cơm. Ước tính tổng sản lượng cá cơm vào bờ tại bến cá này ngày cao điểm lên tới vài trăm tấn.

Theo giới thiệu, vùng La Gi này khó ai có nghề đánh bắt cá cơm qua mặt được chú Ba Hoành. Trao đổi với chúng tôi, chú Ba cho biết đã có nhiều đời gắn bó với con cá cơm, và nhà cũng có lò hấp cá chuyên bán cho du khách mỗi khi ghé biển La Gi hoặc bán cho thương lái xuất khẩu đi Trung Quốc. Thế nhưng năm nay luồng cá rất lớn, sản lượng đánh bắt khá khiến lò hấp cá của chú từ đầu mùa cá đến nay hoạt động hết công suất. Theo tìm hiểu của chúng tôi, niềm vui được mùa cá cơm không chỉ riêng gì ở La Gi mà ngư dân ở bến cá Mũi Né, Phú Hài, Phan Rí Cửa, Phú Hải (TP Phan Thiết) cũng như ở các xã Phước Diêm, Đông Hải (Ninh Thuận) cũng trúng lớn.

Cực nhưng vui

UBND thị xã La Gi cho biết, tính đến hết tháng 9 sản lượng cá cơm đánh bắt riêng tại thị xã đạt khoảng 11.000 tấn, cao nhất tính từ trước đến nay. Các vựa đầu mối cá ở Bình Thuận huy động lao động nhàn rỗi ở địa phương để phơi cá, sấy khô và chế biến tại chỗ. Nhiều người dân địa phương còn mua thêm lu, khạp về để làm nước mắm cá cơm bán, đây là loại nước mắm vốn có vị ngon rất đậm đà và đặc trưng, khó có loại nào khác sánh bằng. Được biết, vùng biển Việt Nam và Thái Lan chiếm tới 80% trữ lượng cá cơm trên thế giới, trong đó Việt Nam chiếm 2/3, tập trung nhiều nhất ở vùng biển Phan Thiết, Phú Quốc, Nha Trang...

Chính vì được mùa, được giá nên những ngày này vùng đất La Gi có đến hàng ngàn lao động hối hả với nghề hấp cá cơm từ sáng đến tối mịt. Tại lò hấp của ông Trần Thanh Tám, khi chúng tôi đến đây đã quá ngọ, thế nhưng hàng chục người vẫn hối hả, thoăn thoắt đổ cá cơm từ sọt cá còn tươi roi rói mới đánh bắt được vào những khung lưới vuông xếp thành hàng cao khoảng 20 khung/mẻ. Những người có sức khỏe thì khiêng khung chứa đầy ắp cá nhúng vào bồn nước đang sôi sùng sục thơm phức. Anh Ngô Công Quang cho biết “Công đoạn nhúng cá cũng là một nghệ thuật mà không phải lò cá nào cũng biết. Thông thường, muốn cá cơm được ngon, dai, thơm, ngọt và không bị mất chất thì chỉ nên nhúng vào chừng 4- 5 phút vừa đủ chín tới, nếu ngâm quá lâu thì cá sẽ nát hoặc quá nhanh thì cá chưa chín khi phơi sẽ có mùi tanh, thậm chí khó bảo quản".

Sau khi cá nhúng xong, các phên cá được nhanh chóng đưa ra ngoài và cho lên những xe kéo 2 bánh (nhỏ hơn xe cải tiến ở miền Bắc) và chở đi phơi. Muốn cá ngon, đủ nắng, địa điểm phơi phải là những nơi thoáng, không có tán cây và phên phơi phải được làm sạch bằng nứa (mung)…Theo anh Quang, làm nghề cá cơm tuy rất cực nhưng được cái tiền công khá cao nên sau mỗi vụ cá khoảng 4 tháng sẽ tích cóp được một số vốn kha khá dư sức trang trải nợ nần, cho con cái đi học cũng như sắm sửa được một số vật dụng. Chị Hoàng Thị Thanh cho biết, làm nghề cá cơm phải tranh thủ làm lúc thật nắng thì cá mới ngon, thơm và cho màu trắng. Nếu phơi vào những lúc trời âm u thì cá mềm, lâu khô và mùi cũng như màu không đạt. Chính vì phải ra đồng lúc nắng vào nhà khi trời mát nên những người tinh ý thì rất dễ dàng nhận ra đâu là…thợ cá chuyên nghiệp. Bởi họ có màu da đen dòn, mặt có tái đến mấy cũng chuyển thành màu hồng hoặc đỏ mọng do nắng.

Hiện nay, một lò hấp cá quy mô trung bình ở La Gi mỗi ngày hấp được khoảng 5.000 – 8.000kg cá cơm. Sau khi cá hấp, hầu hết các cơ sở đều bán cho thương lái để bán cho khách du lịch hoặc xuất khẩu qua Trung Quốc. Tính đến thời điểm hiện nay, mặc dù nguồn cung khá dồi dào nhưng nhu cầu vẫn mạnh khiến giá cá cơm vẫn liên tục “nhích” lên. Nghề cá cơm tuy cơ cực nhưng đã đem lại “vị ngọt” cho người dân vùng biển.




Nguồn: Kinh tế nông thôn
Báo cáo phân tích thị trường