Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Người chăn nuôi kiệt sức vì thua lỗ
25 | 10 | 2008
Trong lúc người chăn nuôi trong nước rơi vào cảnh điêu đứng và nhiều hộ phá sản, trên thị trường, thịt ngoại nhập vẫn mặc sức tiêu thụ.
Hiện, giá cám đậm đặc đã lên tới 11.000 đồng một kg, cám hỗn hợp 8.000-8.500 đồng (tăng trên dưới 50% so với đầu năm). Tiền thú y, điện nước, công chăm sóc cũng tăng 30 - 50%. Trong khi đó, giá thịt lợn lại giảm hơn 1/3 (từ 42.000 xuống 28.000 đồng một kg). Trước tình hình này, người nuôi heo đang gặp quá nhiều khó khăn.

Suốt mấy tháng nay, anh Nguyễn Văn Phú, chủ trại nuôi gần 100 con heo thịt tại Phường Trảng Dài, Thành phố Biên Hòa, Đồng Nai lo lắng không yên vì giá heo hơi tụt dốc, trong khi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao ngất ngưởng.

“Đã đến ngày xuất chuồng nhưng thương lái chỉ trả 28.000 đồng một kg. Tôi ngần ngại chưa bán vì như thế sẽ lỗ 20 triệu đồng”, anh Phú nói.

Người nuôi heo đang gặp nhiều khó khăn. Ảnh: T.K

Ông Trần Tuấn Minh (xã Bình Minh, huyện Trảng Bom, Đồng Nai) vừa xuất chuồng hơn 30 con heo thịt với giá 29.000 đồng một kg. Ông Minh cho biết: “Tính ra thì một con heo mất trên 100.000 đồng, chưa kể công cán. Vậy là, khoảng 6 tháng nuôi heo, chỉ toàn thấy lỗ”.

Đồng Nai hiện là nơi có tổng đàn heo lớn nhất nước với trên 1,2 triệu con. Hàng ngàn hộ gia đình, cơ sở chăn nuôi tại đây đang kiệt sức vì thua lỗ.

Nông dân nuôi gà còn hẩm hiu hơn. Trang trại của ông Lý Văn Hoàng (xã Tân Hiệp, huyện Tân Uyên, Bình Dương) trước đây nuôi hàng trăm con gà đẻ trứng, giờ đã ngưng hoạt động vì càng nuôi càng lỗ. “Giá thức ăn chăn nuôi tăng quá cao, trong khi giá gà và trứng lại tăng chậm. Đó là chưa kể dịch bệnh đe dọa, đầu ra bấp bênh khiến gia đình tôi không chịu nổi vì thua lỗ”, ông Hoàng lo lắng.

Theo tính toán của người chăn nuôi, hiện chi phí nuôi gà thấp nhất là 25.000 đồng một kg. Trong khi đó, giá gà bán ra chỉ khoảng 24.000 đồng. Hàng loạt trại gà đã phải ngừng nuôi, hoặc chỉ nuôi cầm chừng. Điều này khiến nhiều trung tâm cung cấp giống “méo mặt”.

Chi nhánh giống gia cầm miền Trung của Công ty cổ phần Giống gia cầm Lương Mỹ tồn hàng chục nghìn con giống vì đến kỳ thanh lý nhưng không thấy khách mua. Một cán bộ ở đây cho biết, mỗi tháng, đơn vị xuất bản trên 200 nghìn con gà nhưng giờ số lượng bán đã giảm 4/5, mặc dù giá giảm tới 50%, từ 9.000 đồng xuống 4.500 đồng một con.

Thịt ngoại “đè bẹp” thịt nội

Trong khi ngành chăn nuôi trong nước lao đao thì nguồn thịt gia súc, gia cầm ngoại vẫn ung dung có mặt tại khắp các chợ, siêu thị. Theo Tiến sĩ Lã Văn Kính, Viện phó Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam, hiện lượng thịt gia súc và gia cầm nhập khẩu vào Việt Nam tăng rất mạnh. Năm trước, TP HCM nhập khẩu chưa tới 100.000 tấn thịt gà. Nhưng trong 8 tháng đầu năm nay, đã lên 113.000 tấn.

Điều đáng nói, dù phải mất thêm tiền vận chuyển, thuế nhập khẩu, nhưng thịt ngoại lại rẻ hơn rất nhiều so với thịt trong nước. Cụ thể, giá thịt gà công nghiệp bán ở các chợ khoảng 80.000 - 85.000 đồng một kg. Trong khi đó, gà nhập khẩu bán trong siêu thị chỉ 65.000 - 72.000 đồng một kg gà nguyên con. Thịt heo và một số sản phẩm thịt nhập khác cũng thấp hơn tương tự.
Trước tình hình này, đầu tháng 10/2008, Bộ Tài chính đã tăng thuế nhập khẩu thịt, trong đó, riêng mặt hàng thịt gà thuế từ 15% tăng lên 40%. Tuy nhiên, theo khảo sát của Đất Việt, sau gần ba tuần áp dụng thuế mới, mặt hàng thịt gà ngoại vẫn được ưa chuộng do giá bán thấp hơn thịt gà trong nước khoảng 20%.

Một nghịch lý là khi giá thức ăn chăn nuôi thế giới đang giảm từng ngày thì trong nước, các doanh nghiệp dứt khoát… làm ngơ. Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam vừa kêu gọi doanh nghiệp giảm ngay giá bán xuống mức hợp lý.

Theo Hiệp hội này, giá khô đỗ tương tháng 8 và 9/2008 đã hạ 20%, bột thịt và bột xương giảm 10%, dicanxi photphat giảm 30%...Vì thế, không có lý do gì các doanh nghiệp lại chây ì trong việc giảm giá. Ông Phạm Đức Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội, nhận định, sự chậm trễ này hoàn toàn ngược với xu hướng điều chỉnh tăng giá bán liên tục, thậm chí tăng giá đến ba lần trong vòng một tháng (tháng 6/2008) khi giá nguyên liệu thế giới tăng mạnh.

Ông Bình cho biết, giá nguyên liệu thế giới giảm khoảng 30% nhưng các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước chỉ giảm giá bán 2 - 3%.

Ông Phan Trọng Hổ, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Bình Định, cho rằng, Việt Nam là nước đứng hàng đầu thế giới về xuất khẩu nông sản. Nhưng cây trồng làm nguyên liệu chế biến thức ăn gia súc (bắp, đậu tương…) vẫn phải nhập khẩu với khối lượng lớn. Đây là một nghịch lý và là nguyên nhân quan trọng khiến giá thức ăn chăn nuôi của Việt Nam hiện cao nhất khu vực Đông Nam Á.



Nguồn: Pháp Luật TPHCM Online
Báo cáo phân tích thị trường