Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Hướng đi mới cho rau an toàn
03 | 11 | 2008
Trong tháng 11-2008, Chi cục Bảo vệ thực vật Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp (thuộc Sở NN-PTNT TPHCM) sẽ triển khai thí điểm mô hình kinh doanh sạp rau an toàn (RAT) tại 3 chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn và Thủ Đức. Đây được xem như một hướng đi mới cho việc tiêu thụ RAT của TPHCM, đồng thời giúp người tiêu dùng an tâm hơn khi lựa chọn sản phẩm RAT không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
TPHCM: Nhập hơn 70% lượng rau tiêu thụ

Tính đến tháng 9-2008, toàn TP có 102 xã, phường sản xuất rau với diện tích gieo trồng gần 11.000ha, tập trung chủ yếu ở các huyện Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn và quận 12, Thủ Đức... Năng suất bình quân đạt khoảng 22,2 tấn/ha. Bình quân mỗi năm TP tiêu thụ khoảng 720.000 tấn rau các loại, trong khi sản lượng rau bình quân của TP sản xuất là 240.000 tấn/năm. Như vậy, 70% lượng rau tiêu thụ ở TPHCM được nhập từ Lâm Đồng, Tiền Giang, Long An, Tây Ninh…

Chương trình RAT của TPHCM bắt đầu thực hiện từ năm 1999 nhưng sản lượng RAT của các hợp tác xã (HTX) tiêu thụ qua 9 tháng đầu năm 2008 chỉ đạt khoảng 6.500 tấn, chiếm 1,3% so với tổng sản lượng rau tiêu thụ tại các chợ đầu mối.

Theo Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp TPHCM Từ Minh Thiện, có nhiều nguyên nhân gây ra những bất ổn trong việc thúc đẩy phát triển RAT thời gian qua. Đó là: Việc điều phối sản xuất và cung ứng RAT còn yếu, thiếu sự liên kết, chưa theo sát nhu cầu của thị trường; các HTX RAT chưa chủ động trong việc tìm khách hàng, chưa chú trọng đến việc xây dựng thương hiệu và bao bì sản phẩm…

Bên cạnh đó, hệ thống phân phối và cửa hàng bán RAT chưa nhiều, chủ yếu tập trung ở siêu thị, chưa tiện cho người tiêu dùng. Ngoài ra, còn do giá cả vật tư đầu vào liên tục tăng, trong khi giá bán lại không tăng, chưa có sự chênh lệch nhiều về giá giữa RAT và rau sản xuất theo cách thông thường, cộng với sự cạnh tranh trong các hệ thống phân phối.

Rau an toàn ra chợ: Hướng đi mới!

Như đã nói ở trên, dự kiến trong tháng 11-2008, mô hình sạp RAT sẽ được triển khai thí điểm tại 3 chợ đầu mối. Mục tiêu của mô hình này là từng bước hướng đến một thị trường cung cấp RAT cho toàn TP, giúp người tiêu dùng an tâm khi lựa chọn RAT không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước trong việc kiểm soát chặt chẽ dư lượng chất độc trong rau, ngăn chặn và xử lý kịp thời hành vi vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP).

Theo đó, các sạp RAT phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP do Sở Y tế TPHCM cấp, cũng như được cơ quan chức năng và ban quản lý chợ dán logo RAT lên sạp và trên các sản phẩm. Qua những đợt kiểm tra đột xuất, nếu phát hiện các sạp RAT không đạt các điều kiện bắt buộc, giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP sẽ bị thu hồi.

Theo Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp TPHCM, hiện nay toàn TP có hơn 30 doanh nghiệp tiêu thụ và công bố tiêu chuẩn chất lượng RAT. Ngoài các siêu thị, cửa hàng nông sản bán RAT, thì tới đây những sạp RAT tại chợ sẽ giúp người tiêu dùng có điều kiện mua được RAT một cách nhanh chóng, đẩy mạnh việc tiêu thụ RAT. Một số doanh nghiệp đã tham gia ký kết hợp đồng tiêu thụ RAT gồm: Công ty Metro Cash & Carry, Saigon Co.opMart, Vissan, HTX Kim Sơn, HTX Thuận Phát…

Ngoài ra, hơn 10 công ty sản xuất và cung cấp giống RAT tại TP được công nhận đủ điều kiện theo tiêu chuẩn VietGap cho RAT. Diện tích RAT áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP ở TP đạt khoảng 38,3 ha, trong đó HTX Ngã Ba Giòng (huyện Hóc Môn) khoảng 5ha, HTX Nhuận Đức (huyện Củ Chi) khoảng 23,6ha đã được công nhận theo tiêu chuẩn HCMC GAP và sắp tới sẽ được công nhận theo tiêu chuẩn VietGap.




Nguồn: sggp
Báo cáo phân tích thị trường