Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chăn nuôi nhỏ sẽ khó tồn tại
04 | 11 | 2008
Chưa bao giờ ngành chăn nuôi nước ta lại gặp nhiều khó khăn như năm nay. Dịch bệnh liên tiếp xảy ra, giá thức ăn chăn nuôi “phi mã”, lãi suất ngân hàng cao, trong khi giá thịt xuống thấp, thực phẩm nhập ngoại tràn vào... khiến nông dân trở tay không kịp. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu vẫn tiếp diễn tình trạng này, ngành chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ bị phá sản. Chúng tôi xin ghi lại ý kiến của một số nhà quản lý, doanh nghiệp và nông dân xung quanh vấn đề này.
Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam:

Người chăn nuôi chưa hết khó khăn

Có thể nói, 2008 là năm “đại hạn” của người chăn nuôi, giá nguyên liệu đầu vào tăng như vũ bão, các doanh nghiệp trong nước chưa chủ động được nguồn nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi (TĂCN). Trong khi đó, giá nguyên liệu chế biến TĂCN ngoại nhập đắt hơn nhiều so với mọi năm. Mặc dù những tháng gần đây giá nguyên liệu nhập đã giảm song không đáng kể, nên người chăn nuôi chưa được hưởng lợi nhiều. Trong tháng 8, giá khô dầu đậu tương là 550USD/tấn thì tới giữa tháng 10 chỉ còn 360 – 310USD/tấn, giá ngô còn 245 – 285USD/tấn, bột xương 380USD/tấn... Theo đó, giá TĂCN tổng hợp cũng giảm 300 – 400 đồng/kg. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều người, mức giảm này chẳng thấm tháp gì.

Hiện, nhiều đơn đặt hàng nguyên liệu TĂCN của các doanh nghiệp ký trong tháng 10 với giá thấp đã và đang trên đường về tới cảng Hải Phòng. Vì vậy, người chăn nuôi có thể hi vọng tháng 11 – 12, giá TĂCN sẽ giảm 15 – 20%, thậm chí có thể tới 25%. Mặc dù tăng trưởng của ngành chăn nuôi đang có dấu hiệu chững lại nhưng từ nay đến Tết, nước ta vẫn có thể đảm bảo nhu cầu thực phẩm cho tiêu dùng.

Tuy nhiên, ngành chăn nuôi vẫn chưa hết khó khăn bởi còn nhiều yếu tố khác tác động như dịch bệnh diễn biến bất thường, chất lượng con giống không đảm bảo, kỹ thuật phòng chữa bệnh của người nuôi hạn chế, lãi suất ngân hàng cao, thương lái ép giá, phải cạnh tranh với thực phẩm nhập ngoại giá rẻ... Nhằm góp phần giảm bớt gánh nặng cho bà con cũng như đảm bảo lợi ích hài hoà của doanh nghiệp, Hiệp hội TĂCN Việt Nam đang kêu gọi các doanh nghiệp tiếp tục hạ giá bán TĂCN.

Ông Đoàn Xuân Trúc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam:

Cần lập quỹ dự phòng rủi ro cho chăn nuôi

Đến thời điểm này, giá lợn giống và lợn thịt đang có xu hướng tăng, nhưng chưa nhiều. Giá TĂCN còn cao và chưa hợp lý so với mặt bằng giá chung của thế giới. Là doanh nghiệp liên quan trực tiếp, chúng tôi cũng như nông dân không thể chấp nhận giá TĂCN ở một nước nông nghiệp như chúng ta lại cao hơn 20 - 30% so với các nước trong khu vực.

Về nguyên tắc, người chăn nuôi chỉ có lãi khi giá bán sản phẩm chăn nuôi cao hơn giá thành chăn nuôi, trong khi giá thành chăn nuôi được hình thành từ rất nhiều yếu tố (trình độ quản lý, áp dụng khoa học kỹ thuật, năng suất lao động, dịch bệnh, chi phí đầu vào...). Vì thế, muốn tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm, chúng ta phải tìm cách tăng năng suất, giảm chi phí, đảm bảo an toàn dịch bệnh và chú trọng bảo vệ môi trường. Ngoài ra, cần tăng cường mối liên kết, hợp tác giữa người chăn nuôi với các nhà máy sản xuất TĂCN, hệ thống giết mổ, chế biến, tiêu thụ. Hạn chế và tiến tới chấm dứt kiểu hoạt động cắt khúc, ai cũng muốn mình lãi cao, không quan tâm tới sự phát triển bền vững của ngành. Tôi cho rằng, giá TĂCN phải thấp hơn khoảng 20% so với hiện nay.

Thời gian qua, giữa nhà sản xuất TĂCN và nông dân chưa có sự cảm thông và chia sẻ lợi ích hợp lý. Phần thua thiệt hầu như người chăn nuôi phải gánh chịu. Trước mắt, ngành cần vận động các nhà sản xuất thức ăn giành một phần lợi nhuận để thiết lập quỹ dự phòng rủi ro cho chăn nuôi; thường xuyên kết hợp với Hiệp hội TĂCN để can thiệp vào mặt bằng giá TĂCN mỗi khi có sự biến động của thị trường. Các nhà máy TăCN nên thành lập kênh bán hàng trực tiếp để giảm chi phí trung gian.

Dự báo, năm 2009 ngành chăn nuôi sẽ không có những biến động quá lớn về giá TĂCN do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới, nhưng vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn do phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập ngoại, sản xuất manh mún, khó kiểm soát nguy cơ dịch bệnh. Vì thế, chúng ta cần chủ động tổ chức lại ngành chăn nuôi, tăng cường công tác dự báo, quy hoạch và quản lý, kiểm soát.

Anh Bùi Lương Việt, chủ trang trại ở Khu chăn nuôi công nghiệp Gò Mé, xã Thanh Vân (Tam Dương – Vĩnh Phúc):

Chăn nuôi lớn mới bù được chi phí

Hiện, tôi đang nuôi 3.000 con gà mái giống Isawaren nhập từ Pháp, 5.000 gà mái Ai Cập và 30.000 gà thương phẩm trên tổng diện tích 2ha. Với số lượng lớn như thế, tôi không thể chủ động được nguồn thức ăn mà phải mua TĂCN công nghiệp. Tuy nhiên, mấy tháng qua, giá TĂCN trong nước cao hơn so với các nước trong khu vực tới 20%. Điều đáng nói là một số quốc gia cũng phải nhập nguyên liệu TĂCN nhiều hơn nước ta mà họ vẫn điều chỉnh được mức giá phù hợp.

Theo tôi, xu thế ngành chăn nuôi tới đây sẽ phát triển theo hướng tập trung quy mô lớn. Chăn nuôi nhỏ sẽ bị triệt tiêu, nhường hướng cho chăn nuôi công nghiệp phát triển. Hiện, tỉnh Vĩnh Phúc đang có chủ trương ưu tiên phát triển chăn nuôi công nghiệp thông qua việc hình thành những khu chăn nuôi tập trung.

Theo kinh nghiệm của tôi, dù là chăn nuôi công nghiệp hay nhỏ lẻ, người nuôi cũng cần chủ động nguồn giống, thức ăn bằng cách tìm đến những nơi sản xuất giống có uy tín, an toàn dịch bệnh; mua trực tiếp thức ăn của các công ty chế biến để được hưởng ưu đãi về giá; thường xuyên kiểm tra, tiêm phòng dịch bệnh để hạn chế tối đa mức thiệt hại.




Nguồn: Kinh tế nông thôn
Báo cáo phân tích thị trường