Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nông nghiệp, nông thôn trước những vấn đề bức xúc...
11 | 11 | 2008
Hôm nay, dự kiến Bộ trưởng Bộ NN - PTNT Cao Đức Phát sẽ trả lời chất vấn các ĐBQH. Trước đó, Bộ trưởng đã nhận được chất vấn của 25 ĐBQH với 31 câu hỏi tập trung vào các vấn đề: SX và tiêu thụ lúa gạo; Quản lý nuôi trồng thủy sản; Bảo vệ, phát triển rừng; Quản lý chất lượng VTNN (phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, bảo vệ thực vật…); Thuỷ lợi phí, xây dựng công trình thuỷ lợi, phòng chống thiên tai; Phát triển nông thôn. Bộ NN-PTNT đã có báo cáo về những vấn đề này. NNVN trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

>> Xem toàn văn trả lời chất vấn ĐBQH bằng văn bản của Bộ trưởng Cao Đức Phát

1. Vấn đề SX và tiêu thụ lúa gạo các ĐB chất vấn về lý do và trách nhiệm của Bộ về dự báo sản lượng lúa; tham mưu cho Chính phủ điều hành XK gạo trong các tháng 4,5/2008; biện pháp nâng cao hiệu quả tiêu thụ lúa gạo cho nông dân ĐBSCL trước mắt và lâu dài.

1) Về dự báo sản lượng lúa:

Tại thời điểm cuối tháng 3/2008, ở ĐBSCL sản lượng vụ mùa năm 2007 là 8,8 triệu tấn, sản lượng lúa ĐX ước khoảng 9,5 triệu tấn, sau khi trừ chi dùng nội địa, khả năng dành cho XK 6 tháng đầu năm khoảng 2,3 - 2,5 triệu tấn gạo. Trong khi đó, vụ ĐX ở các tỉnh miền Bắc bị rét đậm, rét hại lịch sử kéo dài 38 ngày làm 200 nghìn ha lúa đã cấy và 17,5 nghìn ha mạ đã gieo bị chết, phải gieo lại, vụ gieo cấy phải kéo dài đến 15/3/2008, chậm so với thời vụ bình thường 15 - 20 ngày. Lúc đó, đã có nhiều ý kiến nhận định khác nhau về triển vọng vụ ĐX ở các tỉnh miền Bắc. Bộ NN- PTNT dự báo hai khả năng: Nếu không có biến động lớn về thiên tai, sâu bệnh nặng, sản lượng lúa ĐX ở miền Bắc có thể đạt mức năm 2007. Nhưng nếu có biến động lớn về thời tiết, như mưa to ở cuối vụ, lúa trỗ gặp thời tiết nóng sẽ dẫn đến giảm mạnh năng suất như đã xảy ra năm 1986, 1991. Thực tế trong tháng 4 và tháng 5 đã có 500 ngàn ha lúa bị nhiễm sâu cuốn lá nhỏ, có nơi phải phun thuốc 2 - 3 lần mới hết dịch.

Việc dự báo sản lượng lúa theo các mùa vụ là trách nhiệm thuộc về Bộ NN- PTNT. Trước những diễn biến trong năm 2008, Bộ NN- PTNT nghiêm túc kiểm điểm rõ về công tác dự tính, dự báo mùa màng, phục vụ kịp thời cho lãnh đạo trong công tác chỉ đạo sản xuất của Bộ và Chính phủ.

2) Về điều hành xuất khẩu gạo:

Đầu năm 2008, Thủ tướng Chính phủ không chỉ đạo dừng XK gạo vào thời điểm giá lúa gạo thế giới lên cao, mà chỉ chỉ đạo tạm dừng ký hợp đồng mới từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 5/2008. Cơ sở chính của quyết định này như sau: Thực tế đến hết tháng 3/2008 tổng số hợp đồng XK gạo đã ký là 2,4 triệu tấn. Theo báo cáo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, XK gạo 3 tháng đầu năm 2008 mới đạt 800 ngàn tấn, còn phải giao tiếp 1,6 triệu tấn trong các tháng tiếp theo. Tại thời điểm này, tình hình kinh tế trong nước có khó khăn, lạm phát gia tăng, giá cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm tăng cao. Trước tình hình đó, Chính phủ chỉ đạo tạm dừng ký thêm các hợp đồng XK mới, tiếp tục XK lượng gạo còn lại trong tháng 4, 5, 6/2008 theo các hợp đồng đã ký.

Từ đầu tháng 4/2008, giá gạo thế giới tăng mạnh có lô hàng đạt giá 1.200 USD/tấn. Trước tình hình đó có dư luận đề xuất cho ký và XK thêm để tận dụng cơ hội thị trường. Một số DN đã tiến hành mua gom gạo, kết hợp với tin đồn thất thiệt nên giá gạo trong nước đã bị đẩy lên cao, đỉnh điểm là vào cuối tháng 4/2008 tại TPHCM, Hà Nội và nhiều nơi khác, kể cả ở ĐBSCL có nơi, có lúc lên tới 18.000 - 20.000đ/kg, gây tâm lý hoang mang trong một bộ phận người dân. Trước tình hình đó, nếu tiếp tục cho phép ký tiếp hợp đồng XK, sẽ xảy ra tình trạng gom hàng, giá sẽ tăng mạnh. Một số DN và nông dân có thể có lợi, nhưng hàng chục triệu người tiêu dùng, kể cả nông dân ĐBSCL đã bán lúa tại ruộng trước đó và mua gạo ăn hàng ngày sẽ bị ảnh hưởng mạnh. Hậu quả về xã hội rất nghiêm trọng, khó lường.

Thực tế với cách điều hành như trên, giá gạo bán cho người tiêu dùng không quá cao mà an ninh lương thực trong nước được đảm bảo, đồng thời nông dân vẫn tiêu thụ được lúa ĐX với giá cao.

3) Việc tiêu thụ lúa gạo ở ĐBSCL gần đây có khó khăn do nhiều nguyên nhân. Trước tình hình trên, Chính phủ đã chỉ đạo hệ thống ngân hàng giãn nợ cho nông dân và cho DN thu mua lúa gạo; đồng thời cho nông dân và DN vay tiếp với thời hạn kéo dài theo mức lãi suất đã được điều chỉnh giảm; xem xét, cho các hộ gia đình chính sách được vay ưu đãi để tiếp tục đầu tư sản xuất. Chính phủ đã giao TCty Lương thực miền Nam và TCty Lương thực miền Bắc đẩy mạnh thu mua lúa cho nông dân, ký kết hợp đồng XK. Đến nay, ngoài các hợp đồng XK đã có, một số hợp đồng với khối lượng lớn đang được ký kết tạo điều kiện đẩy mạnh việc tiêu thụ lúa gạo trong thời gian tới.

Bộ NN- PTNT cũng đã tổ chức họp với các tỉnh vùng ĐBSCL bàn biện pháp triển khai vụ sản xuất lúa ĐX 2008-2009, thống nhất với các địa phương để chỉ đạo và hướng dẫn nông dân sử dụng cơ cấu giống lúa thích hợp với chất lượng gạo cao, đáp ứng cho XK và tiêu dùng trong nước. Về lâu dài, Bộ đang chỉ đạo xây dựng Đề án đảm bảo an ninh lương thực quốc gia trình Chính phủ vào tháng 12/2008, trong đó đề xuất các biện pháp đồng bộ nâng cao hiệu quả SXKD lúa gạo, đảm bảo lợi ích của người trồng lúa làm cơ sở duy trì sản xuất lúa gạo bền vững trong nước.

2. Vấn đề Quản lý nuôi trồng thuỷ sản, ĐB chất vấn về biện pháp đảm bảo sản xuất và tiêu thụ cá tra bền vững ở ĐBSCL.

Thu hoạch cá tra ở ĐBSCLĐể việc nuôi cá tra phát triển cân đối, bền vững, đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm, Bộ đã xây dựng và ban hành “Quy hoạch sản xuất và tiêu thụ cá tra vùng ĐBSCL đến 2010 và định hướng đến năm 2020” và đang hướng dẫn thực hiện quy hoạch phát triển nuôi cá tra của từng địa phương. Bộ cũng đã ban hành Quy chế quản lý cơ sở/vùng nuôi cá tra. Tiếp theo, Bộ sẽ ban hành Quy định điều kiện nuôi cá tra, Quy chế cấp phép và công nhận cơ sở/vùng nuôi cá tra.

Ngày 6/8/2008, Bộ đã ban hành Quyết định số 85/2008/QĐ-BNN ban hành Quy chế quản lý sản xuất kinh doanh giống thủy sản, trong đó quy định việc sản xuất giống cá tra phải được sản xuất từ đàn bố mẹ chất lượng cao đã được chọn lọc. Bộ ủng hộ thành lập Hiệp hội nghề nuôi cá tra vùng ĐBSCL để trao đổi, cung cấp các thông tin về thị trường cho người nuôi và các DN chế biến, khuyến khích gắn kết giữa các DN và người nuôi.

3. Vấn đề Quản lý chất lượng VTNN ( phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, bảo vệ thực vật…).

Lợi dụng tình hình giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao, công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp còn nhiều bất cập, một số tổ chức cá nhân, DN đã đưa ra thị trường phân bón, thuốc bảo vệ thực vật kém chất lượng, hàng giả gây thiệt hại cho nông dân và bức xúc trong dư luận xã hội.

Để khắc phục tình trạng trên, Bộ NN- PTNT phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương đã và đang tập trung triển khai quyết liệt một số biện pháp sau:

Nhập khẩu phân bón- Ban hành Chỉ thị (số 2551/CT-BNN ngày 22/8/2008) về việc tăng cường quản lý chất lượng và giải pháp tăng hiệu quả sử dụng phân bón; Chỉ thị (số 3246/CT-BNN-PC ngày 31/10/2008) về tăng cường quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật. Theo đó, yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo và uỷ quyền cho UBND cấp huyện phối hợp với các Sở chuyên ngành tổ chức kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh và việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, kiên quyết xử lý những trường hợp sai phạm theo quy định của pháp luật.

- Phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương thường xuyên chỉ đạo kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và tăng cường kiểm soát chất lượng. Từ đầu năm đến nay, Bộ đã tiến hành 6 đợt kiểm tra tình hình sản xuất kinh doanh và chất lượng phân bón, nhiều đợt kiểm tra thuốc bảo vệ thực vật. Từ nay tới cuối năm mở một đợt tổng kiểm tra trong phạm vi cả nước.

- Tổ chức tuyên truyền phổ biến các quy định pháp luật có liên quan, nhất là các quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân , doanh nghiệp; quy định về xử lý vi phạm hành chính, hình sự trong sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật; đấu tranh chống hàng giả, hàng kém chất lượng.

- Chỉ đạo rà soát, xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn; đề xuất điều chỉnh một số văn bản pháp lý cho phù hợp, nhất là về xử phạt vi phạm hành chính.

4. Vấn đề Bảo vệ phát triển rừng, ĐB chất vấn về biện pháp ngăn chặn tình trạng phá rừng, vi phạm lâm luật.

Khai thác rừng tràmDo các địa phương đã coi trọng công tác quản lý, bảo vệ rừng nên tình hình phá rừng trái phép trong những năm gần đây đã giảm. Diện tích rừng bị cháy, bị phá trái phép trong các năm 2005-2007 giảm 36% so với giai đoạn 2000-2004. Tuy nhiên, tại một số địa phương tình hình còn diễn biến phức tạp, nhất là ở khu vực Tây Nguyên, một số tỉnh ở miền Trung và tỉnh Bình Phước. Để ngăn chặn tình trạng phá rừng, Bộ NN- PTNT đã có nhiều biện pháp, trong đó có việc: Đẩy mạnh giao đất, giao rừng, đổi mới lâm trường quốc doanh, tăng cường quản lý nương rẫy; tổ chức các hoạt động lâm nghiệp xã hội khác để thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia quản lý, bảo vệ và hưởng lợi từ rừng. Củng cố tổ chức lực lượng kiểm lâm, đưa trên 40% cán bộ kiểm lâm về hoạt động tại địa bàn; chỉ đạo lực lượng kiểm lâm tăng cường phối hợp với các ngành Công an, Quân đội, Bộ đội Biên phòng và chính quyền địa phương các cấp để kiểm tra, ngăn chặn, xử lý vi phạm.

Tuy nhiên, để bảo vệ rừng có hiệu quả hơn cùng với các biện pháp nêu trên cần đẩy mạnh công tác xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của nhân dân, trước hết hỗ trợ giải quyết vấn đề lương thực ở các vùng có rừng.

Ngoài ra các ĐBQH còn chất vấn về phòng chống thiên tai, xây dựng công trình thuỷ lợi, thuỷ lợi phí, phương châm “ 4 tại chỗ” trong phòng chống lụt bão; Các biện pháp thực hiện chủ trương của ĐH X về CNH- HĐH nông nghiệp, nông thôn...



Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam
Báo cáo phân tích thị trường