Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Dự án trồng cao su liệu có khả thi?
13 | 11 | 2008
14 năm kể từ khi “đứng chân” trên đất Quảng Ngãi, cao su - loại cây được mệnh danh là “vàng trắng” - đã khẳng định hiệu quả kinh tế. Ngay từ những năm đầu tiên khi khi triển khai dự án, tỉnh đã quy hoạch diện tích trồng cao su lên đến 3.000ha. Tuy nhiên, đến nay Công ty Cao su Quảng Ngãi mới thực hiện được 42% so với dự kiến và đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc mở rộng diện tích.
Hiệu quả được khẳng định

Từ nguồn vốn của Chương trình 327, năm 1994, cao su được trồng ở Quảng Ngãi với diện tích khoảng 1.000ha. Khi ấy, trong suy nghĩ của nhiều người thì điều kiện thời tiết khắc nghiệt, đất đai cằn cỗi như đất Quảng làm sao “chiều” được loại cây “quý tộc” này. Vì vậy, sau thời gian ngắn, cây cao su phải chịu sự chỉ trích từ nhiều phía, sự phản đối càng gay gắt hơn khi đa số diện tích cao su mới trồng trở nên èo uột. Đây là nguyên nhân khiến hàng trăm hécta cao su trồng tại Nông trường 24/3 bị chặt bỏ sau đó.

Theo giải thích của cán bộ kĩ thuật Công ty Cao su Quảng Ngãi, vào thời điểm đó, do sử dụng giống không rõ nguồn gốc, chất lượng kém và trồng theo kiểu đại trà nên cây không thể phát triển tốt. Mặt khác, do cây chưa cho mủ nên không đánh giá được chính xác hiệu quả kinh tế. Vì vậy, sau nhiều lần nghiên cứu, khảo sát, một số cán bộ ngành lâm nghiệp và lãnh đạo chính quyền địa phương vẫn quyết tâm đeo đuổi. Tháng 7/1998, UBND tỉnh quyết định thành lập Công ty Cao su Quảng Ngãi trên cơ sở sáp nhập Nông trường Chè Bình Khương và Lâm trường tháng 10, đồng thời quy hoạch diện tích trồng cao su lên tới 3.000ha. Một năm sau, Công ty Cao su Quảng Ngãi tiến hành trồng 15ha đầu tiên tại xã Bình Hoà (Bình Sơn). Năm 1999, đơn vị này được Tổng công ty Cao su Việt Nam (nay là Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam) tiếp nhận và quản lý. Nhờ sự đầu tư của công ty mẹ, Công ty Cao su Quảng Ngãi dần mở rộng phạm vi trồng tại 7 xã ở Bình Sơn.

Năm 2003, 100ha cao su đầu tiên của Công ty đã cho mủ với độ đông đặc đạt 35%; năng suất bình quân 5,3 tạ/ha. Tổng sản lượng mủ là 53 tấn, doanh thu 2 tỉ đồng. Năm 2008, có thêm 112ha cho mủ. Dự kiến, sản lượng mủ sẽ vượt 20% so với kế hoạch Tập đoàn giao (110 tấn). Theo cán bộ chuyên môn, đến năm thứ 5 kể từ khi bắt đầu khai thác, sản lượng mủ của cây mới ổn định. Vốn đầu tư cho 1ha cao su từ khi trồng đến lúc khai thác khoảng 68 triệu đồng, trong khi đó năng suất cao su đạt khoảng 1,5 tấn/ha, với giá bán 40 triệu đồng/tấn, người trồng sẽ có thu 60 triệu đồng/ha. Trừ chi phí, lợi nhuận chắc chắn cao hơn nhiều so với các loại cây trồng khác.

Khó mở rộng diện tích

Một góc vườn cao su của Công ty Cao su Quảng Ngãi
tại xã Bình An.

Những năm qua, tuy Công ty Cao su Quảng Ngãi và lãnh đạo tỉnh đã nỗ lực đầu tư vốn nhưng diện tích cao su chỉ dừng lại ở con số 1.268ha, bằng 42% so với dự kiến ban đầu, mục tiêu 3.000ha vẫn còn... xa vời.

Toàn bộ diện tích trên đều được trồng ở huyện Bình Sơn. Riêng tại huyện Sơn Tịnh, mặc dù đã có kế hoạch trồng khoảng 700ha, lãnh đạo Công ty Cao su Quảng Ngãi cũng nhiều lần đặt vấn đề với chính quyền địa phương, nhưng đến nay kế hoạch vẫn nằm trên giấy. Ông Nguyễn Hùng, Phó giám đốc Công ty bày tỏ: “Với những gì đã và đang thu được, có thể khẳng định, cao su phát triển tốt tại Quảng Ngãi; hiệu quả kinh tế không thua kém gì so với trồng tại Đông Nam Bộ, Tây Nguyên. Tuy nhiên, việc mở rộng diện tích gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh sự hoài nghi về hiệu quả kinh tế thì rất nhiều hộ dân không muốn giao đất cho Công ty vì sợ mất đất canh tác. Hiện, 1.268ha cao su của Công ty đã được hợp đồng và giao cho 600 hộ dân chăm sóc, bảo vệ, với mức thu nhập bình quân 800.000 đồng/hộ/tháng”.

Về phía người dân, ông Phạm Ngọc Thạch ở xã Bình An, người nhận khoán 3ha cao su cho biết: “Mỗi năm chúng tôi chỉ bận chăm sóc khoảng 3 tháng, thời gian rảnh có thể làm những công việc khác”.

Để mở rộng diện tích cao su, Công ty đang trông chờ vào việc thu hồi đất của Nông trường 24/3 nằm trên địa bàn huyện Sơn Tịnh đã bị một số cá nhân lấn chiếm. Theo đó, giai đoạn đầu, Công ty sẽ được giao khoảng 343ha. Hiện đơn vị này đang hoàn tất một số thủ tục, phấn đấu đến năm 2009 có thể tiến hành trồng khoảng 280ha. Bên cạnh đó, nhằm khuyến khích người dân giao đất, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đang triển khai thí điểm cho dân tham gia bằng hình thức góp đất. Nếu mô hình này thành công, sẽ tháo gỡ được vướng mắc thiếu đất từ nhiều năm nay, để cây cao su trên đất Quảng phát triển xứng tầm.



Nguồn: www.kinhtenongthon.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường