Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Hỗ trợ DNNVV từ các doanh nghiệp lớn
19 | 11 | 2008
Hôm qua (18-11), Diễn đàn doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) với chủ đề “Liên kết, hội nhập cùng phát triển” trong khuôn khổ “Tuần lễ quốc gia DNNVV 2008” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội. Diễn đàn đã thu hút sự quan tâm của các bộ, ngành cùng hàng trăm doanh nghiệp và sinh viên các trường đại học trên địa bàn Hà Nội.

Theo ông Phạm Viết Muôn, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, từ năm 2000 đến nay, Chính phủ đã có hàng loạt các cải cách về thể chế, chính sách nhằm hỗ trợ sự phát triển của DNNVV. Và từ đó đến nay, đã có hơn 315.000 doanh nghiệp đăng ký mới, với số vốn đăng ký bình quân 7,6 tỷ đồng/doanh nghiệp... Trong số này, DNNVV chiếm đến 96,5%, làm ra 40% GDP… Tuy nhiên, ông Muôn cũng cho rằng, dù có sự phát triển mạnh trong thời gian qua nhưng đa số DNNVV có quy mô sản xuất nhỏ, manh mún, quản trị yếu, mối liên kết hạn chế nên hiệu quả hoạt động chưa cao.

Để hỗ trợ doanh nghiệp nói chung, DNNVV nói riêng, theo ông Trương Văn Đoan, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT, cơ quan này đang cùng Bộ Tài chính nghiên cứu, xây dựng quỹ hỗ trợ DNNVV trên cơ sở tham khảo mô hình của các nước phát triển và các nước trong khu vực nhằm tìm ra phương thức hỗ trợ doanh DNNVV một cách có hiệu quả, bổ sung các chính sách hỗ trợ công nghệ, kỹ thuật cho DNNVV.

Đánh giá về 7 nhóm giải pháp hỗ trợ sự phát triển của DNNVV thời gian qua, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, các giải pháp đó đã phát huy hiệu quả nhưng trong một số giải pháp cũng còn bộc lộ những hạn chế. Chẳng hạn như nhóm giải pháp liên quan đến việc tạo điều kiện tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất cho các DNNVV dù đã được triển khai mạnh mẽ thông qua việc hình thành các cụm công nghiệp (tính đến ngày 1-7-2007, cả nước đã có 577 khu/cụm công nghiệp) nhưng vẫn còn có rất nhiều DNNVV không thể vào được khu/cụm công nghiệp do những lô đất ở đây được quy hoạch quá lớn so với nhu cầu hiện tại của DNNVV. Trong khi đó, để có được mặt bằng sản xuất, các doanh nghiệp ngoài hàng rào khu công nghiệp phải xoay xở trên thị trường thứ cấp. Ngoài chi phí cao, các doanh nghiệp này còn tốn rất nhiều thời gian cho việc tìm kiếm đất xây dựng nhà xưởng.

Nhìn nhận về những hạn chế trong việc hỗ trợ DNNVV phát triển, ông Hà Văn Thắm, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đại Dương cho rằng, Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp lớn để từ đó thúc đẩy hoạt động của các DNNVV vì như vậy Nhà nước sẽ đỡ tốn các chi phí. Chẳng hạn như ở Anh, chính phủ yêu cầu các ngân hàng dành 20% tổng dư nợ để cho các DNNVV vay vốn, bù lại chính phủ sẽ có chính sách về thuế, ưu đãi cho các doanh nghiệp lớn trong việc này. Cụ thể hơn, theo ông Thắm, Chính phủ nên có chính sách ưu đãi về thuế để các doanh nghiệp đầu tư khu công nghiệp dành những diện tích nhất định để cho các DNNVV thuê. Bởi với cơ chế hiện nay, các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng khu công nghiệp chỉ đầu tư để cho doanh nghiệp lớn thuê vì tốn ít chi phí hơn.



Nguồn: www.sggp.org.vn
Báo cáo phân tích thị trường