Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xúc tiến xuất khẩu gạo, hồ tiêu tại chỗ
27 | 11 | 2008
Trong khi hội nghị hồ tiêu quốc tế lần thứ 36 khai mạc tại khách sạn Rex vào sáng 25-11 thì gần đó, tại khách sạn Continental, cũng diễn ra hội nghị giữa các bên mua bán gạo thuộc các nước tiểu vùng sông Mê Kông và các quốc gia Tây và Trung Phi.
Giới kinh doanh xuất khẩu hồ tiêu và gạo cho rằng đây là những sự kiện xúc tiến xuất khẩu quan trọng trong bối cảnh xuất khẩu gạo của Việt Nam đang trầm lắng còn hồ tiêu cũng đang giảm giá mạnh. Hơn nữa, đây lại là chương trình xúc tiến xuất khẩu tại chỗ, tạo cơ hội để quảng bá gạo và hồ tiêu của Việt Nam thay vì phải ra nước ngoài tốn kém kinh phí.

Hướng đến mua bán gạo trực tiếp

Theo ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), các nước Trung và Tây Phi là thị trường xuất khẩu gạo quan trọng của Việt Nam trong vài năm gần đây, bình quân hàng năm chiếm 20-25% sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. Người tiêu dùng châu Phi đã quen thuộc với hạt gạo Việt Nam và nhu cầu tiêu dùng gạo của khu vực này ngày càng tăng.

Thống kê của VFA cho thấy tính từ đầu năm tới ngày 18-11, Việt Nam đã xuất khẩu sang châu Phi hơn 1 triệu tấn gạo, chiếm 25,6% tổng sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Năm ngoái, gạo Việt Nam xuất khẩu sang Tây Phi (Liên minh kinh tế tiền tệ Tây Phi - UEMOA) chỉ dừng ở mức 51 triệu đô la Mỹ thì chỉ trong 9 tháng đầu năm nay, con số này đã lên tới 121 triệu đô la Mỹ, chiếm 76% kim ngạch xuất khẩu gạo vào cả châu Phi. Xuất khẩu gạo sang các nước Trung Phi (Cộng đồng kinh tế và tiền tệ Trung Phi- CEMAC) cả năm ngoái chỉ đạt 27 triệu đô la Mỹ thì 9 tháng đầu năm nay đã vượt qua 30 triệu đô la.

Trong các năm qua, Việt Nam đã cử hàng trăm chuyên gia nông nghiệp sang giúp các nước châu Phi phát triển trồng trọt, chăn nuôi, xóa đói giảm nghèo trong chương trình hợp tác Nam-Nam do Tổ chức Lương nông Liên hiệp quốc khởi xướng.
Ông Lê Dương Quang, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết, tiềm năng tiêu thụ gạo ở thị trường này còn rất lớn nhưng sản lượng hạt gạo Việt Nam vào châu Phi vẫn còn hạn chế là do đường vận chuyển xa và khả năng tài chính của các đối tác.

Dưới góc độ đại diện các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam, ông Huỳnh Minh Huệ cho rằng, một trong những nguyên nhân chính khiến giao dịch gạo giữa Việt Nam và châu Phi chưa đáp ứng kỳ vọng của cả nhà xuất khẩu Việt Nam lẫn nhà nhập khẩu châu Phi chính là hai bên lâu nay mua bán hầu hết gián tiếp thông qua các thương nhân quốc tế.

“Chúng tôi biết châu Phi cần gạo của Việt Nam, phía bạn cũng biết Việt Nam có tiềm năng cung cấp gạo nhưng gần như chưa có sự tiếp cận trực tiếp giữa doanh nghiệp tại nơi cung cấp và tiêu thụ, nên tình hình cung cầu và giá cả thị trường chưa được phản ảnh trung thực, lợi ích của nhà cung cấp và nhà tiêu thụ cũng bị cắt giảm bởi trung gian”, ông Huệ giải thích.

Bà Tharcisee Urayeneza, giám đốc Ban phát triển bền vững, Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF), một trong những cơ quan tổ chức hội nghị, cũng cho rằng giải pháp hợp tác mua bán gạo giữa các nước tiểu vùng Mê Kông mà dẫn đầu là nhà cung cấp gạo Việt Nam với các nước châu Phi chính là trao đổi trực tiếp, nhằm tìm ra nhu cầu tiêu thụ và khả năng mua bán gạo có chất lượng tốt. Gặp gỡ trực tiếp là cách người tiêu dùng châu Phi mua được gạo ngon, giá rẻ, còn các nhà xuất khẩu Việt Nam thì bán được gạo với giá tốt hơn nhờ bớt qua trung gian.

Theo bà Urayeneza, OIF là đơn vị tạo tác động để các đối tác khác hợp tác với nhau sao cho các bên cùng có lợi trong giao thương gạo.

Trong chương trình hội nghị, ngoài các báo cáo về khả năng cung cấp gạo của Việt Nam, Lào, Campuchia, còn có đại diện các nước Trung và Tây Phi tổng hợp tình hình nhu cầu tiêu thụ gạo của các vùng này. Doanh nghiệp hai bên sẽ gặp gỡ trực tiếp trong 2 ngày tới.

Ông Huỳnh Minh Huệ thừa nhận, tuy nói là hội nghị nhưng thực ra đây là cuộc trao đổi, giao thương gạo mà trọng tâm chính vẫn là gặp gỡ, giới thiệu giữa các doanh nghiệp mua và bán gạo.

Cơ hội bay xa cho hồ tiêu Việt Nam

Vừa tham dự hội nghị quốc tế lần thứ 36 của Hiệp hội hồ tiêu quốc tế (IPC), ông Nguyễn Xuân Hàn, Tổng giám đốc Công ty Maseco, vừa tranh thủ mời các nhà nhập khẩu tiêu nước ngoài ghé thăm gian hàng giới thiệu các sản phẩm tiêu của Maseco ngay trong khách sạn Rex.

“Tôi đã nhiều lần tham dự các hội nghị quốc tế về hồ tiêu tổ chức ở nước ngoài nhưng đây là lần mà tôi cho là có số đại biểu đông nhất, nhất là khách nước ngoài”, ông nói.

Theo nhà tổ chức IPC và Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam, có đến hơn 400 đại biểu mua bán tiêu tham dự.

Ông Trần Tuyên Huấn, Giám đốc điều hành ACC, một nhà xuất khẩu hạt tiêu, cho rằng trong tình hình giá tiêu thế giới đang giảm thì việc có một sự kiện thu hút hàng trăm nhà mua bán tiêu thế giới tới Việt Nam tham quan hàng hóa và đi thăm thực địa là cách quảng bá tốt nhất, hiệu quả nhất cho hồ tiêu Việt Nam.

Ông Diệp Kỉnh Tần, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đồng thời là chủ tịch luân phiên của IPC, cho biết sự kiện hội nghị hồ tiêu quốc tế lần thức 36 được Chính phủ đưa vào chương trình xúc tiến thương mại quốc gia năm nay.

“Bỏ một đống tiền ra nước ngoài khảo sát thị trường, xúc tiến xuất khẩu chưa chắc đã gặp được nhiều nhà nhập khẩu cũng như tìm hiểu nhu cầu của họ ra sao bằng sự kiện này”, ông Nguyễn Xuân Hàn nói. Hàng năm Maseco xuất khẩu 5.000-6.000 tấn hạt tiêu với kim ngạch khoảng 15 triệu đô la Mỹ, hạt tiêu của công ty được chế biến tại nhà máy Maseco ở huyện Chư Sê, Gia Lai.

Việt Nam gia nhập IPC từ tháng 3-2005 trong tư thế là quốc gia chiếm 30% sản lượng hạt tiêu toàn cầu và 50% sản lương hạt tiêu xuất khẩu trên thị trường thế giới. Đây là hội nghị quốc tế về hồ tiêu tổ chức lần đầu tiên ở Việt Nam.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Phước cũng không bỏ lỡ dịp quảng bá tỉnh mình có diện tích và sản lượng hồ tiêu lớn nhất Việt Nam, với hơn 10.000 héc ta và 22.000 tấn mỗi năm, chiếm hơn 20% tổng sản lượng hồ tiêu cả nước. Trong khi đó, video clip nói về thương hiệu tiêu Chư Sê ở Gia Lai cũng liên tục được chiếu trên màn hình trong giờ giải lao của hội nghị.

Những đồng bào dân tộc trồng tiêu ở Chư Sê có mặt tại hội nghị cũng có cơ hội giải thích với các nhà nhập khẩu nước ngoài tại sao tiêu Chư Sê có hương vị ngon hơn tiêu các nơi khác. Tháng 8 năm ngoái, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, đã cấp chứng nhận đăng ký độc quyền nhãn hiệu tập thể thương hiệu tiêu Chư Sê.





Nguồn: kinhte24h
Báo cáo phân tích thị trường