Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Điều tra 20 doanh nghiệp bảo hiểm liên kết nâng phí
27 | 11 | 2008
Hôm qua (25-11), Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) Bạch Văn Mừng cho biết vừa quyết định điều tra việc 20 doanh nghiệp (DN) bảo hiểm bắt tay nâng phí bảo hiểm vật chất xe ôtô lên cao, có dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh.
Bắt tay nâng giá để... cạnh tranh bình đẳng?

Vụ việc bắt đầu nổi lên từ đầu tháng 10-2008 khi 20 DN đã cùng nhau ký một bản thỏa thuận về mức phí bảo hiểm tiêu chuẩn xe ôtô. Theo đó, mức phí tối thiểu đã tăng từ 1,3% lên 1,56%/năm. Những DN tham gia ký mà không thu đúng sẽ bị Hiệp hội Bảo hiểm xử phạt 10% số phí bảo hiểm thu được của hợp đồng vi phạm nhưng tối thiểu 10 triệu đồng với bảo hiểm tàu biển và năm triệu đồng với hàng hóa. Ông Phùng Đắc Lộc - Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho rằng mục đích của việc hợp tác giá này là để cạnh tranh bình đẳng với nhau.

Việc doanh nghiệp bắt tay tăng giá đã bị các đơn vị vận tải, nhất là Hiệp hội Taxi Hà Nội phản ứng quyết liệt do đây chính là hình thức liên kết độc quyền, gây khó khăn cho các khách hàng vì triệt tiêu sự cạnh tranh.

Có thể bị phạt 10% doanh thu?

Chiều 25-11, trao đổi với PV Báo Pháp Luật TP.HCM, ông Bạch Văn Mừng cho biết: Cục đã quyết định điều tra việc Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam ký thỏa thuận với các DN bảo hiểm cùng thống nhất biểu phí chuẩn bảo hiểm vật chất xe ôtô với mức phí cao có dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh. Ông Mừng cho biết thêm, quá trình điều tra sơ bộ có thời hạn 30 ngày. Nếu kết quả điều tra sơ bộ có dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh tranh và kiến nghị của điều tra viên, có thể Cục sẽ ra quyết định chuyển vụ việc sang điều tra chính thức. Thời hạn điều tra chính thức đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh là sáu tháng và có thể được gia hạn thêm nếu vụ việc diễn biến phức tạp.

Các nội dung sẽ được Cục xác minh là thị trường, thị phần của các DN bảo hiểm, chứng cứ về hành vi vi phạm. Trước mắt, Cục sẽ làm việc với 20 DN bảo hiểm đầu tiên đã ký kết thỏa thuận. Tuy nhiên, do quy định của Luật Cạnh tranh nên quá trình điều tra phải bí mật. Nhưng theo Luật Cạnh tranh, hành vi thương lượng, thỏa thuận mức giá sẽ bị phạt khoản tiền bằng 10% doanh thu của năm trước thuế.

Luật sư Trần Đình Triển - Trưởng Văn phòng luật sư Vì Dân cho rằng việc Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đưa ra quy định mức phí bảo hiểm và bắt các hội viên thực hiện là một văn bản trái pháp luật. Trong Luật Kinh doanh bảo hiểm, chỉ có Thủ tướng quy định mức phí bảo hiểm, nếu Thủ tướng ủy quyền thì chỉ có bộ trưởng Bộ Tài chính chứ hiệp hội không thể đưa ra mức phí và yêu cầu các hội viên thực hiện. Ngoài ra, việc Hiệp hội Bảo hiểm cho rằng các DN bảo hiểm không thực hiện mức phí mà hiệp hội đưa ra mà lại xử phạt họ thì việc xử lý đó là trái thẩm quyền.



Nguồn: Pháp Luật TPHCM Online
Báo cáo phân tích thị trường