Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
“Khóc ròng” trên rẫy cà phê
28 | 11 | 2008
Tại Tây nguyên - nơi được xem là đại bản doanh của cây cà phê, dù năm nay được mùa nhưng nông dân vẫn gần như tay trắng, rơi vào nợ nần chồng chất.
Do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng tài chính, thị trường nông sản thế giới bước vào thời kỳ mất giá nghiêm trọng. Tình hình trên đã tác động trực tiếp đến nhiều mặt hàng nông sản trong nước. “Nếu giữ được giá như dạo trước (thời kỳ giá cà phê nhân thu mua dao động khoảng 40.000 đồng/kg), vụ này chúng tôi chắc thắng. Nhưng mấy tuần qua, giá đã rớt chỉ còn 24.000-25.000 đồng/kg” - anh Trần Văn Khánh (TP Buôn Ma Thuột, Đắc Lắc) ngồi nhìn đống cà phê chất giữa sân nhà, buồn rầu nói.

Tiền đâu trả nợ?

Vẫn loay hoay bài toán quy hoạch

Các chuyên gia trong ngành cà phê cho rằng dù đợt rớt giá lần này chủ yếu do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, nhưng cũng phần nào phản ánh sự lúng túng trong quy hoạch và phát triển không bền vững của ngành cà phê. Bởi theo tính toán, với mức giá hiện nay nông dân dù không lời được đồng nào cũng sẽ hòa vốn nếu không phải vay vốn với lãi suất ”cắt cổ” bên ngoài.

Dốc hết số vốn dành dụm từ hai năm làm thuê tại Đà Lạt và vay mượn người thân, anh Khánh và vợ (quê Vĩnh Phúc) lên Đắc Lắc thuê được 3ha đất trồng cà phê từ ba năm nay. Vụ này, cây cà phê được mùa, bình quân mỗi hecta thu hoạch 6-7 tấn. Anh Khánh cho biết chỉ riêng tiền thuê đất mỗi năm phải trả 18 triệu đồng (6 triệu đồng/ha), chưa kể chủ đất bắt trả tiền trước hai năm. Rồi tiền phân bón cũng ngốn một số vốn lớn.

Do không thuê được đất tốt, anh phải bón phân tới sáu đợt, tổng cộng hơn 60 triệu đồng và trên 30 triệu đồng mua phân hữu cơ... “Ngay cả việc tưới nước, chăm bón và nay là thu hoạch, tôi cũng phải thuê người làm, giá 60.000 đồng/ngày công. Đó là chưa tính nhiều khoản chi không tên khác” - anh Khánh cho biết. Tuy nhiên, với mức giá cà phê hiện nay, số tiền bán cà phê đã thu hoạch và còn tại vườn chỉ hơn 200 triệu đồng, nhưng số tiền chi ra (gồm cả lãi suất vay vốn) lên gần 300 triệu đồng.

Một số hộ trồng cà phê ở Đắc Lắc cũng cho biết để có tiền cải tạo đất, đầu tư, chăm bón, họ phải vay vốn bên ngoài với lãi suất khá cao, gấp 2-3 lần lãi suất ngân hàng nên bị lỗ nặng.

Đáng lo ngại hơn, do những năm gần đây cà phê được giá, nhiều hộ nông dân tại Mang Yang, Gia Lai kỳ vọng năm nay giá cà phê sẽ trên 40.000 đồng/kg nên đã tính toán thu - chi, chấp nhận vay vốn với lãi suất tới 6-7%/tháng để đầu tư. Nhưng nay giá rớt phân nửa, nợ nần chồng chất, nguy cơ bị xiết nợ rất khó tránh khỏi. Đặc biệt, dù hiện mới vào vụ thu hoạch nhưng tại Gia Lai, Đắc Lắc, nhiều nông dân gần như hoàn tất việc thu hái. Một số hộ nông dân tranh thủ hái cà phê tươi để bán, chấp nhận “xanh nhà hơn già đồng” do lo ngại giá cà phê sẽ tiếp tục rớt.

Tránh bán ồ ạt

Theo ông Nguyễn Phước Hiếu - phó phòng kế hoạch Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đắc Lắc, do hiện nay mới đầu vụ thu hoạch nên sở chưa thể thống kê cụ thể về sản lượng nông dân đã thu hoạch. Tuy nhiên, sở đã khuyến cáo nông dân không nên hái xanh. Ông cho rằng việc thu hoạch xanh chủ yếu là của đồng bào dân tộc, những người phải vay nợ nhiều, thu hoạch sớm để lấy tiền trả nợ.

Theo TS Đoàn Triệu Nhạn - phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê - ca cao VN, trước mắt giá cà phê sẽ lên - xuống thất thường. Để tránh bị thua thiệt, nông dân không nên hấp tấp trong việc thu hoạch và bán ra, tránh bán vào thời điểm giá thấp hoặc giá vừa lên, bán ra ồ ạt lại đẩy giá xuống sâu. Hiện một số nước đã quyết định cắt giảm sản lượng cà phê, Indonesia quyết định sẽ dự trữ một số lượng lớn, trong khi dự báo năm nay Brazil sẽ bị mất mùa. Nguồn cung trên thị trường không nhiều. Mặc dù sức tiêu thụ giảm nhưng lượng cầu trên thị trường vẫn có. Vì thế, nhìn về dài hạn giá cà phê sẽ vẫn lên.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là nếu không thu hoạch và bán ra, nông dân sẽ càng khó khăn trong việc trả nợ. Theo TS Đoàn Triệu Nhạn, để gỡ khó Nhà nước cần tăng cường hỗ trợ nông dân về vốn. Giám đốc một công ty xuất khẩu nông sản cũng cho rằng về lâu dài Nhà nước cần tiếp tục bơm vốn cho người đã trồng cà phê, chỉ nên hạn chế đối với những trường hợp trồng mới, để đảm bảo không xảy ra tình trạng phát triển ồ ạt khi cà phê tăng giá và những diện tích cà phê cũ không bị vạ lây.

Đổ xô trồng cà phê vì giá

Theo Hiệp hội Cà phê-ca cao VN (Vicofa), niên vụ 2007-2008 là vụ thứ ba liên tiếp ngành cà phê lập kỷ lục về giá trị xuất khẩu với kim ngạch đạt 2,08 tỉ USD. Nếu tính theo niên vụ cà phê bắt đầu từ tháng mười năm trước đến hết tháng chín năm sau thì niên vụ cà phê 2007-2008 vừa qua là niên vụ xuất khẩu thành công nhất của VN từ trước đến nay.

Tại thời điểm đó, khi giá cà phê ở mức 42.000 đồng/kg, hầu hết nông dân trồng cà phê đều vay vốn để tăng diện tích tập trung cho niên vụ cà phê năm 2008-2009. Trong đó Đắc Lắc có khoảng 173.700ha, Đắc Nông 60.000ha, Gia Lai hơn 70.000ha, nhưng chỉ sau vài tháng giá cà phê rớt còn 24.000 đồng/kg thì hàng vạn nông dân, hàng vạn gia đình đứng trước thảm kịch chồng chất nợ nần...



Nguồn: Tuổi trẻ
Báo cáo phân tích thị trường