Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
5 năm phát triển kinh tế thuỷ sản Móng Cái: Thắng lợi lớn, trăn trở nhiều
02 | 12 | 2008
Sau 5 năm thực hiện NQ 13 của BTV Thị uỷ Móng Cái (nay là Thành uỷ Móng Cái) về phát triển kinh tế thuỷ sản, Móng Cái hiện đã đạt giá trị kinh tế 703,8 tỷ đồng từ nghề này, chiếm 7,8% tỷ trọng GDP của thành phố; đây là mức cao nhất so với các địa phương trong tỉnh...

Kiểm tra tôm trước khi thu hoạch ở Công ty CP Thành Nam, Móng Cái.

Năng suất tăng nhanh, đa dạng hoá vật nuôi...

Là địa phương có tiềm năng nuôi trồng, đánh bắt thuỷ sản lớn, sát thị trường Trung Quốc, nên nhiều hộ dân của Móng Cái nhanh chóng nắm bắt và phát triển nghề này. Sau nhiều năm nuôi trồng tự phát, với không ít thất bát, rủi ro, thậm chí nhiều hộ trắng tay, cuối năm 2003, BTV Thị uỷ Móng Cái ban hành nghị quyết chuyên đề, nhằm tạo cơ chế, chính sách, khuyến khích phát triển nuôi trồng, đánh bắt thuỷ sản, mục tiêu đưa kinh tế thuỷ sản thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Sau khi nghị quyết ban hành, sự quan tâm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, cơ quan chức năng được nâng cao hơn, biểu hiện cụ thể bằng sự ra đời của nhiều chủ trương, chính sách tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân tham gia phát triển kinh tế thuỷ sản. Đáng kể nhất là công tác quy hoạch tổng thể phát triển ngành thuỷ sản được xây dựng và điều chỉnh kịp thời; công tác giao đất nuôi thuỷ sản được tăng cường (trong 5 năm nhân dân đã nhận hơn 1.700 ha); xúc tiến đẩy mạnh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tăng cường chỉ đạo kỹ thuật và chọn giống nuôi phù hợp với thuỷ văn... Đầu tư xây dựng hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế thuỷ sản được quan tâm; với trên 12 tỷ đồng, Móng Cái đã hỗ trợ cải tạo vùng nuôi tôm tập trung, hỗ trợ xây dựng đường, điện, kênh dẫn nước xuống vùng nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh (ở các xã: Vạn Ninh, Bình Ngọc, Vĩnh Thực, Vĩnh Trung, Quảng Nghĩa)... Từ đó, mặc dù diện tích nuôi không tăng cao (năm 2004: 1.588 ha; năm 2007: 1.706 ha), nhưng năng suất, sản lượng tăng gần 3 lần (năm 2004: 1.330 tấn; năm 2002: 3.562,8 tấn). Từ chỗ con tôm chiếm vị trí độc tôn trong nuôi thuỷ sản, sau nhiều cố gắng, đến nay Móng Cái đã bước đầu thí điểm và đưa nhiều loại thuỷ sản có giá trị kinh tế cao, ít rủi ro để nuôi, như cá song (20,1ha), cá vược, cá bớp, vẹm xanh, ngao, sò, cua, cá tráp, vạng... Bên cạnh nuôi trồng, việc đánh bắt hải sản cũng có bước khởi động mới với dấu ấn là có đội tàu đánh bắt xa bờ, cho sản lượng bình quân từ 300-350 tấn/năm/ tàu và đã có 2 tàu đánh bắt công suất máy 400CV/tàu...

Nhưng vẫn còn nhiều trăn trở...

Đó là việc chưa chủ động kiểm soát được dịch bệnh và nguồn giống thuỷ sản. Những năm 2000-2004, có nhiều hộ nuôi tôm của Móng Cái liêu xiêu vì thua lỗ nặng. Nguyên nhân bởi muốn làm giàu từ nuôi tôm, nhưng ít vốn, chưa có kinh nghiệm đối phó bệnh dịch; từ đó nhiều hộ dân không đủ sức vực dậy kinh tế gia đình khi gặp phải mấy mùa tôm chết. Thực tế cũng cho thấy, nhiều hộ nuôi tôm trụ vững và phát triển cho tới nay phần nhiều rơi vào những gia đình có tiềm lực kinh tế, có điều kiện vay vốn ngân hàng, hoặc qui mô sản xuất rộng, đầm nọ gánh đỡ cho đầm kia. Theo một báo cáo của UBND TX Móng Cái (cũ), diện tích nuôi tôm bị rủi ro vụ xuân hè thường hơn 20%, còn vụ thu đông tới trên 30%. Rủi ro thường rơi vào 3 trường hợp: dịch bệnh, thời tiết thất thường và thiếu hiểu biết kỹ thuật. Trong khi đó, cũng theo báo cáo này, việc kiểm tra chất lượng con giống trước khi thả mới chỉ vỏn vẹn từ 3-5% tổng số nuôi. Riêng năm 2007, chỉ có 22/1.033, triệu con tôm giống mua về được nhân dân tình nguyện mang đến. Trạm Kiểm ngư Móng Cái đề nghị kiểm tra chất lượng con giống (chỉ chiếm 2,1%). Mặc dù có nhiều cố gắng trong việc chủ động sản xuất con giống tôm, nhưng đến nay nguồn giống mà các hộ chủ động sản xuất được trên địa bàn mới chỉ được khoảng 30%, số còn lại phải nhập khẩu từ Trung Quốc về cùng cả nguồn thức ăn cho tôm. Bởi vậy, việc khống chế dịch bệnh trên địa bàn còn nhiều khó khăn, trong vài năm tới khó khăn này chưa hẳn đã khắc phục được triệt để.

Được biết, thời gian tới, trong 6 giải pháp đề ra để kinh tế thuỷ sản phát triển bền vững, là ngành mũi nhọn cho nhiều gia đình nông dân vươn lên làm giàu, TP Móng Cái đặc biệt chú trọng tới khâu kỹ thuật nuôi, trong đó tăng cường tập huấn kỹ thuật, liên kết với chuyên gia nuôi trồng thuỷ sản để chuyển giao kinh nghiệm, xác định và lựa chọn đối tượng nuôi cho phù hợp từng địa bàn. Ông Nguyễn Thế Căn, Phó phòng Kinh tế UBND thành phố Móng Cái cho biết: Thành phố sẽ có cơ chế trích ngân sách để đầu tư hạ tầng, trong đó chú trọng vào những dự án cải tạo, quy hoạch và đầu tư hạ tầng vùng nuôi tập trung; thậm chí có thể sẽ trích ổn định khoảng 7% tổng chi đầu tư XDCB để giải quyết những nhiệm vụ đó...

 



Nguồn: vietlinh.vn
Báo cáo phân tích thị trường