Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Trồng rau đón tết
03 | 12 | 2008
Chỉ còn chưa đầy hai tháng nữa là Tết Nguyên đán Kỷ Sửu. Cữ này hàng năm, người dân một số địa phương có truyền thống trồng các loại rau xanh cao cấp thường xuống giống để có lứa rau ngon kịp bán vào dịp Tết. Năm nay, người dân ở vùng lũ chuẩn bị cho lứa rau cuối năm chu đáo hơn bởi lẽ nhiều gia đình trông vào lứa rau này để ổn định cuộc sống, lo cho cái Tết.

Những ngày gần đây, những người chuyên ươm rau giống ở làng Hai Mươi, thị trấn Đồi Ngô, huyện Lục Nam tất bật hơn. Khách mua rau giống ra, vào thôn nườm nượp. Các loại rau giống như: su hào, súp lơ, bắp cải Nhật; cà chua Pháp, Mỹ; cải Trung Quốc… chuẩn bị tới tuổi xuất bán là khách đã đăng ký mua hết, giá bán cao hơn đầu vụ. Chị Nguyễn Thị Thuý, chủ vườn ươm rộng chừng hai sào kể: "Năm nay ươm rau giống vất vả lắm, thu nhập không cao. Đầu vụ mưa nhiều làm mấy lứa rau giống cải bắp, su hào chết gần hết, số còn lại chẳng có khách mua vì đất ướt không trồng được. Giữa vụ gặp bão số 6 làm ngập, úng thất thu, đến thời điểm này mới có lứa rau giống suôn sẻ, cho lãi". Khắp các nhà vườn, những luống rau xanh li ti chừng gần tháng tuổi được khách hàng từ Lục Ngạn và các xã trong huyện xếp hàng chờ mua. Rau giống được bứng cẩn thận từng cây, xếp thành bó được bảo quản bằng thúng, rổ, hộp giấy lót rơm và vận chuyển bằng xe đạp, xe máy toả đi khắp nơi tạo một màu xanh mới cho những cánh đồng. Giá giống rau tuỳ loại, tuổi cây nhưng đều tăng từ 20-40% so với đầu vụ hoặc cùng này năm ngoái. Ông Đỗ Văn Mạnh, người có thâm niên hàng chục năm trong nghề ươm rau cho biết: "Chưa bao giờ rau giống bán chạy như ở thời điểm này. Cải bắp NS của Nhật lên tới 20 nghìn đồng/ 100 cây, su hào 15 nghìn đồng/100 cây mà khách phải đặt tiền trước, hẹn ngày lấy mới có hàng đẹp. Bất kể loại rau nào, từ cải xanh, cải trắng, cải bao Trung Quốc đến su hào Pháp, su hào Nhật, cà chua Mỹ, cà rốt Pháp, súp lơ Thái Lan… đều "cháy" không có hàng"…

Được biết những ngày gần đây làng ươm rau giống nhộn nhịp khác thường là do nông dân nhiều địa phương vùng lũ khôi phục sản xuất vụ đông, lựa chọn thời điểm trồng rau kịp bán vào dịp trước Tết Nguyên đán tới nên nhu cầu mua cây giống tăng mạnh. Bà Hoàng Thị Lan, ở thôn Đầng, xã Huyền Sơn (Lục Nam) kể: "Gia đình tôi có sáu sào lúa mùa chuẩn bị thu hoạch thì đầu tháng Mười vừa qua lũ dữ cướp mất. Huyện có hỗ trợ gia đình ít gạo ăn; cho giống ngô, khoai lang, rau cải để trồng mấy sào ở vụ đông này. Những giống cây này chỉ trồng để phục vụ chăn nuôi tại nhà chứ khó bán sản phẩm, tôi phải trồng thêm hai sào cà chua, cải bắp để có tiền mua thóc cho tới khi được thu hoạch lúa xuân, trang trải trong dịp Tết tới". Mặc dù giá rau giống cao hơn đầu vụ nhưng nhiều người vẫn cố gắng dành dụm vốn đầu tư giống, phân bón trồng thêm một vài sào rau để đón Tết. Tính ra, người dân phải bỏ ra chừng 200-250 nghìn đồng mua giống rau cho mỗi sào đất canh tác, chưa kể tiền đầu tư phân bón, thuốc trừ sâu… Số tiền không nhỏ với người dân trồng rau ở vùng lũ còn nhiều khó khăn. Thời gian qua, mưa lũ làm hàng trăm ha rau xanh, cây vụ đông của nhiều xã trên địa bàn bị ảnh hưởng, hư hại khiến giá rau xanh trên thị trường trở nên đắt đỏ. Chưa bao giờ người dân vùng rau lại thiếu rau ăn. Rau xanh từ tỉnh ngoài, thậm chí được nhập từ Trung Quốc bày bán tại chợ thị trấn, thị tứ. Cũng do tâm lý năm nay thời tiết khắc nghiệt, giá rau xanh đắt nên thời điểm này nhiều người dân tập trung trồng rau quy mô lớn mong có nguồn thu lớn vào dịp Tết này. Ông Hoàng Văn Hoàn ở thôn Già Khê, xã Tiên Hưng nhận định: "Mọi năm cứ dịp giáp Tết, rau xanh Lục Nam lại được vận chuyển nhiều vào miền Trung bán rất "chạy". Năm nay úng, ngập ở nhiều nơi chắc chắn Tết này sẽ hiếm rau xanh. Nhà tôi cũng vừa kịp trồng bốn sào su hào, cải bắp, đậu cô ve để đón dịp Tết này nhưng chẳng biết có "gặp" không?". Những năm gần đây, chuyện giá rau bán Tết lên, xuống thất thường cũng là điều dễ hiểu bởi phần lớn rau xanh ở đây được vận chuyển cung cấp cho các tỉnh, thành phố miền Trung nhưng việc tiêu thụ lại phụ thuộc vào một số điểm cân hoặc đại lý tiêu thụ trên địa bàn. Hơn nữa nhiều vùng rau nổi tiếng như Đà Lạt (Lâm Đồng), Hà Tây cũ, Sa Pa (Lào Cai)… có nhiều sản phẩm chất lượng cao ngày càng mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước khiến rau xanh Lục Nam cũng như của tỉnh phải cạnh tranh gay gắt…

Trồng rau để bán vào dịp Tết Nguyên đán đang được nhiều người dân Lục Nam chú trọng. Nhiều hộ dân tập trung đầu tư giống, phân bón cũng như công lao động để mong chờ có vụ rau đông năng suất cao, được giá. Tuy nhiên việc trồng rau tập trung cùng thời điểm với quy mô lớn sẽ tiềm ẩn những khó khăn khi tiêu thụ nông sản sau này. Được biết để giảm bớt khó khăn cho nông dân vùng lũ, UBND tỉnh đã hỗ trợ nông dân ngô, khoai lang, một số giống rau cải để sản xuất trong vụ đông này nhưng với khối lượng hạt rau cải lớn (2,4 tấn), chưa kể phần diện tích bà con tự đầu tư thì chắc chắn việc sử dụng và tiêu thụ sản phẩm sau này trong phạm vi huyện là không thể. Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Hướng Dương, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện băn khoăn: "Chúng tôi chỉ có chức năng hướng dẫn bà con trồng rau màu theo đúng kỹ thuật còn việc tiêu thụ nông sản cho nông dân phải có sự "vào cuộc" của ngành khác, các doanh nghiệp liên kết bao tiêu sản phẩm. Để hạn chế tình trạng lượng rau xanh được thu hoạch lớn khó tiêu thụ, chúng tôi chỉ có cách hướng dẫn bà con trồng rải vụ…" Trồng lứa rau xanh đón Tết để có tiền trang trải cho cuộc sống gia đình còn bộn bề khó khăn sau lũ là niềm hi vọng lớn lao của nhiều người dân Lục Nam. Có lẽ để niềm hy vọng này trở thành hiện thực còn cần lắm sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền ngay từ bây giờ…



Nguồn: vietlinh.vn
Báo cáo phân tích thị trường