Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nông dân “ra rìa” trên đất của mình
03 | 12 | 2008
Thật vô lý khi bán đất, nông dân không được định đoạt giá đất. Đến khi mua đất, họ cũng không có quyền định giá!
Nhiều vấn đề liên quan đến cuộc sống mưu sinh sau tái định cư của nông dân bị thu hồi đất làm khu công nghiệp đã được đưa ra tại hội thảo về đời sống nông dân do Hội Nông dân Việt Nam tổ chức diễn ra hôm qua (2-12) tại TP.HCM. Kinh tế phát triển nhưng nông dân thiệt thòi Thừa nhận quá trình phát triển khu công nghiệp góp phần làm thay đổi bộ mặt của tỉnh nhưng bà Dương Thị Ruộng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Long An, bức xúc: Việc phát triển các cụm khu công nghiệp, khu đô thị khiến diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp, kéo theo một bộ phận không nhỏ nông dân không có đất sản xuất. Tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm trong nông dân vẫn là vấn đề nổi cộm nhất của Long An. Qua khảo sát 1.115 hộ nông dân tái định cư ở năm huyện có diện tích đất bị thu hồi nhiều nhất, chỉ có 2,15% hộ dân xây nhà trên nền tái định cư, còn hơn 97% số hộ dân bán, mua nền khác hoặc ở trọ. Kết quả khảo sát còn cho thấy chỉ có 29% số hộ lấy tiền đầu tư vào sản xuất, số còn lại chỉ cất nhà hoặc lấy tiền làm việc khác; 51% số hộ nông dân cho rằng chính sách bồi thường chưa thỏa đáng; chỉ có hơn 6% số con em hộ dân tái định cư được làm việc tại các khu công nghiệp của tỉnh. Đáng chú ý là có hơn 20% hộ dân được khảo sát cho rằng sau khi bị giải tỏa, tái định cư, cuộc sống của họ còn vất vả hơn trước. Bà Ruộng còn làm cả hội trường bất ngờ khi cho biết không một vị cán bộ nào của 18 xã mà Hội Nông dân tỉnh lấy ý kiến nắm được tình hình cuộc sống của nông dân sau khi bị thu hồi đất. Đáng chú ý là có 15% số cán bộ cho rằng cuộc sống nông dân sau khi bị thu hồi đất vất vả hơn trước và con số này sẽ tăng lên 25% sau năm năm nữa. Bà Ruộng khẳng định cuộc sống ngày càng kém của nông dân bị lấy đất làm khu công nghiệp rõ ràng đang đi ngược lại chủ trương của Đảng và nhà nước trong quá trình phát triển khu công nghiệp. Công nghiệp hỗ trợ lại nông dân: Bao giờ? Ông Lê Quang Khải, đại diện Hội Nông dân quận 9 (TP.HCM), cho rằng khu công nghiệp, khu chế xuất chỉ làm lợi cho doanh nghiệp, cho chủ đầu tư chứ chưa đem lại lợi lộc gì cho nông dân. Ông Khải dẫn chứng: “1 m2 đất giá thị trường là mấy triệu đồng, nếu trồng hoa màu một năm cho lợi mấy trăm ngàn đồng nhưng khi quy hoạch khu công nghiệp thì chỉ bồi thường 150 ngàn đồng”. “Điều bất hợp lý là nhà nước đề ra chính sách bồi thường theo hạn điền nhưng khi bồi thường chỉ “áp” một giá mà không tuân thủ quy luật thị trường. Cứ đà này thì nông dân bị lấy đất làm khu công nghiệp có cuộc sống khó khăn phải chiếm tới 70% chứ không phải 50% như báo cáo nêu” - ông Khải nói. Ông Phạm Hữu Văn, Phó Trưởng ban Kinh tế-Xã hội (Hội Nông dân Việt Nam), đã tóm tắt một số vấn đề mà nông dân gặp phải khi bị thu hồi đất để phát triển các khu công nghiệp và đô thị. Theo đó, giá bồi thường thấp; tái định cư còn chậm; thiếu việc làm cho nông dân; vướng nhiều dự án treo; ô nhiễm môi trường cộng với nhiều tệ nạn xã hội phát sinh. “Thêm nữa, việc bồi thường giải tỏa còn thiếu dân chủ. Nếu có cuộc họp thì cũng chỉ mang tính chất thông báo cho nông dân chứ không phải mời họ đến để bàn bạc, giải quyết vấn đề” - ông Văn nói. Đồng tình với ý kiến trên, bà Dương Thị Ruộng bức xúc: “Thật vô lý khi bán đất, nông dân không được định đoạt giá đất. Đến khi mua đất, họ cũng không có quyền định giá. Từ việc quy hoạch đến khi bồi thường giải tỏa, nông dân và cả hội nông dân luôn đứng ngoài rìa”. Ông Nguyễn Văn Rảnh - Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM đề nghị: “Các chủ dự án ngay từ đầu khi lập dự án đầu tư phải làm tốt công tác khảo sát, điều tra thực tế, đo vẽ nhà đất trong phạm vi giải phóng mặt bằng với sự chứng kiến đồng tình của hội, của đa số nông dân”. Ông Rảnh cũng đề nghị Hội Nông dân cần có đề án phối hợp với ngành giáo dục, ngành lao động để có cuộc khảo sát đánh giá tiềm năng nguồn nhân lực nông thôn. Hội phải hoàn thiện chương trình bồi dưỡng kỹ năng sống trong điều kiện nông dân thiếu đất sản xuất, chưa có phương án sử dụng tiền bồi thường hỗ trợ từ đất bị thu hồi, đồng thời xây dựng các đội hình tình nguyện từ nông dân sản xuất giỏi, sinh viên, trí thức của ngành nông, lâm, ngư nghiệp. Cuối cùng, ông Rảnh đề xuất: “Hội Nông dân kiến nghị nhà nước nên tập trung xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất phục vụ riêng cho ngành nông nghiệp và có chính sách thật ưu đãi để phát triển”.



Nguồn: Pháp Luật TPHCM Online
Báo cáo phân tích thị trường