Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Doanh nghiệp đau đầu với "cú sốc" về giá
04 | 12 | 2008
Giá nguyên liệu toàn cầu sụt giảm nhanh khiến một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và thương mại lao đao. Không những chẳng được hưởng lợi gì từ toàn bộ giá đầu vào giảm, mà họ đang gánh chịu việc giảm lợi nhuận, thậm chí lỗ khá nặng khi lâm cảnh mua đắt, bán rẻ.
Nhà phân phối rút kinh nghiệm

Cú sốc giá mà hầu hết các nhà phân phối hàng tiêu dùng thiết yếu đều bị “vấp” là với sản phẩm dầu ăn. Tùy theo lượng vốn mua hàng trữ mà mức lỗ cao hoặc thấp. Liên tục tăng giá trong 8 tháng liền, cộng thêm dự báo giá dầu ăn còn có thể tăng nữa, nhiều chủ hàng đã bỏ vốn để mua vào. Thế nhưng đến đầu tháng 9/2008 giá lại đảo chiều. Vì vậy, các công ty nhiều lần giảm giá bằng cách khuyến mãi, tăng thêm chiết khấu nhà bán lẻ, giảm giá bán trực tiếp…, mỗi lần giảm 1.000- 3.000đ/chai, khiến nhà phân phối lỗ nhẹ thì mất khoảng 5%, nặng hơn mất đến gần 20%.

Bài học từ dầu ăn được các doanh nghiệp bán lẻ áp dụng với đợt hàng tết. Ông Phan Văn Thiện, Phó tổng giám đốc Công ty Bibica nhìn nhận: “Có thông tin giá nguyên liệu đầu vào giảm, hầu hết các nhà bán lẻ đều chần chừ không muốn ôm hàng vào kho như mọi năm trước”.

Tương tự như vậy là với nhóm hàng sữa. Ông Lê Hữu Bình, Phó tổng giám đốc Công ty 3A- nhà phân phối sữa Abbott tại Việt Nam cho biết, hầu hết những người bán lẻ ở trong tình trạng chờ giá giảm, nên không mặn mà với việc mua hàng chạy doanh số để hưởng chiết khấu cao. Với kinh nghiệm của nhà bán lẻ lâu năm, bà Nguyễn Thị Thu, chủ phân phối hàng bách hoá thực phẩm ở Tân Bình nói: “Do thị trường cạnh tranh cao, nên nếu “được” thì mỗi hộp bánh chỉ lãi 1.000- 2.000đ, nhưng hiện nay hàng ngoại đang chào giá khá thấp, xu hướng dự báo còn giảm giá nữa, lỡ mà “mất” thì có khi mỗi hộp lỗ 4.000 - 5.000đ”.

Cũng theo bà Thu, đã có công ty công bố sang đầu năm tới giảm giá sữa, nên tốt nhất là bán đến đâu kêu hàng đến đó. “Đã mất mấy chục triệu trong đợt dầu ăn, nên không chỉ tôi, mà nhiều đại lý khác cũng đều cẩn thận hơn trong dự trữ hàng bán tết”, bà Thu nói.

donhua.jpg
Lỡ ôm nguyên liệu giá cao, doanh nghiệp lớn buộc phải bán lỗ để giữ thị phần.
Doanh nghiệp níu nhau

Trong nhóm nguyên liệu đầu vào, giảm giá mạnh nhất phải kể đến bao bì nhãn mác bằng chất liệu nhựa và giấy, nguyên liệu xăng dầu. Theo nguồn tin từ doanh nghiệp có thâm niên lâu năm trong ngành nhựa, hiện đang có trên 200 công ty lớn trong ngành nhựa lỗ nặng, mà công ty K.L ở TP.HCM là một ví dụ điển hình. Chỉ trong vòng một tháng nguyên liệu nhựa xuống giá, giá trị hàng dự trữ của đơn vị này đã bị mất đến gần 15 tỉ đồng.

Ông Phạm Thanh Hùng, phụ trách kinh doanh tiếp thị của Công ty nhựa Đại Đồng Tiến cho biết: “Hầu như tất cả các công ty lớn, có khả năng mua nguyên liệu trữ cho sản xuất từ ba đến sáu tháng trở lên đều đang trong tình trạng mua giá cao, bán giá rẻ”. Chịu lỗ, nhưng theo lời ông Hùng, “phải làm vậy thì mới giữ được thị trường và thị phần”. Phản ứng giảm giá khá nhanh của các công ty nhỏ có ít dự trữ nguyên liệu buộc các công ty lớn phải theo.

Đáng chú ý ở đây là kỹ thuật cắt giảm lỗ của các doanh nghiệp lớn được thực hiện khá khôn khéo. Ông Nguyễn Đăng Hiến, Giám đốc Công ty thực phẩm Tân Quang Minh cho biết: “Giá nguyên liệu xuống chỉ còn 40% so với trước, nhưng công ty cung cấp nắp nhựa cho tôi vẫn giữ giá cũ. Tôi yêu cầu giảm giá họ bảo lấy đợt hàng cũ giá không giảm, còn đợt hàng mới thì phải chờ. Sau đó nhà cung cấp bao bì trì hoãn giao hàng giá mới với lý do máy hư”. Ông Hiến cho rằng, dường như có sự liên thông với nhau, các doanh nghiệp ngành nhựa đều giảm giá rất chậm, giảm chưa đúng mức giá nguyên liệu đã xuống.

Giám đốc điều hành của một công ty nhựa có doanh thu thuộc loại cao tại TP.HCM nhìn nhận: “Nếu giảm giá bán ra tương ứng với mức giảm giá nguyên liệu thì một số doanh nghiệp có thể lâm vào cảnh phá sản”. Hiện các công ty đều cùng nhau giảm từ 10%, tối đa 20% so với giá trước đây.

Lãi vay ngân hàng từ lúc ở mức trên 21%, mua nguyên liệu từ mức giá đỉnh, nay tất cả đều xuống, khoản chênh lệch này đang làm mất đi không chỉ phần lãi, phần vốn mà phần cơ nghiệp của khá nhiều người.



Nguồn: Sài Gòn tiếp thị
Báo cáo phân tích thị trường