Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Quảng Bình: công trình nuôi tôm 22 tỷ... bỏ hoang
05 | 12 | 2008
Năm 2002, hàng trăm cán bộ, công nhân Công ty Sông Gianh hoan hỷ khánh thành xí nghiệp nuôi tôm vào loại lớn nhất khu vực. Với số vốn được đầu tư hàng chục tỷ đồng, xí nghiệp nuôi tôm rộng 120 ha với đầy đủ hệ thống kênh, hồ, điện, nước trở thành niềm tự hào của ngành thuỷ sản Quảng Bình trong các hội nghị. Nhưng trên thực tế, sau lễ khánh thành đến nay, đại công trình nuôi tôm hàng chục tỷ đồng này đã bỏ hoang.

Ánh hào quang chớp nhoáng

Những năm đầu thế kỷ 21, Công ty Sông Gianh (Cty Sông Gianh) trở thành niềm tự hào của người dân Quảng Bình. Mặt hàng chủ yếu của Cty là phân bón nông nghiệp, bên cạnh đó cũng kinh doanh một số lĩnh vực trong ngành thuỷ sản. Lúc đó, Cty Sông Gianh trở thành đơn vị chủ lực trong việc thúc đẩy nền kinh tế Quảng Bình. Vì vậy, Cty Sông Gianh cũng được lãnh đạo tỉnh quan tâm, tạo mọi điều kiện để sản xuất, kinh doanh. Hơn thế nữa, hầu hết đề xuất của đơn vị này bao giờ cũng được tỉnh đồng ý phê duyệt. Năm 2002, Cty Sông Gianh đầu tư 22 tỷ đồng xây dựng xí nghiệp nuôi tôm như một đại công trình rộng 120 ha ở xã Phú Trạch, huyện Bố Trạch.

Có thể nói, đây là một trong những công trình được đầu tư lớn nhất khu vực của ngành thuỷ sản. Để xây dựng xí nghiệp nuôi tôm, người ta đã phải làm một con sông tự tạo dài gần 1 km, xây dựng trạm bơm để bơm nước từ sông Ly Hoà lên để nuôi tôm, hàng chục hồ tôm rộng mêng mông được xây kè, lát đá, một dãy tường rào thép B40 dài gần 10km được bao quanh khu vực hồ tôm. Đêm đến, khu vực nuôi tôm với hàng ngàn bóng điện được thắp sáng giống như một thành phố bất ngờ mọc lên giữa cánh đồng chiêm trũng. Sau khi xây dựng xong, đại công trình nuôi tôm của Cty Sông Gianh trở thành nơi bất khả xâm phạm. Để tiếp cận được với các hồ tôm, bất kể là ai đều phải qua 2 cửa chốt của bảo vệ, đồng thời phải thay áo quần, đi tất, phun thuốc... để tránh lây bệnh cho tôm. Mỗi khi có lãnh đạo các bộ, ban, ngành của Trung ương về làm việc với tỉnh, đều được mời tham quan hồ tôm như để minh chứng cho sự phát triển của tỉnh nhà.

Song, những ánh hào quang chớp nhoáng đó chỉ diễn ra đúng trong một vụ tôm, bởi đến mùa thu hoạch, tôm chết trắng hồ và nuôi không lớn. Sản lượng và chất lượng đều không đạt. Rút kinh nghiệm, vào vụ thứ hai, cán bộ kỹ thuật đêm ngày trực tại hồ, nhưng cũng như lần đầu, vụ tôm thứ hai càng... lỗ nặng! Sau nhiều lần đi tìm nguyên nhân, người ta mới biết, đại công trình nuôi tôm của Cty Sông Gianh chỉ là một cái ao tù nước đọng khổng lồ, tất cả các hạng mục đều không thể phát huy hiệu quả. Mặt khác, Cty Sông Gianh không thể đủ khả năng đáp ứng với yêu cầu của một chủ dự án nuôi tôm về kỹ thuật cũng như kinh nghiệm.

Từ đó đến nay, đại công trình nuôi tôm này đóng cửa, “trơ gan” cùng mưa nắng. Hàng chục tỷ đồng của nhà nước mà Cty Sông Gianh vay ngân hàng để đầu tư vào công trình có nguy cơ mất trắng... 120 ha đất mà tỉnh ưu ái cấp cho Cty Sông Gianh làm hồ tôm nguyên thuỷ là đất canh tác của người dân xã Phú Trạch, huyện Bố Trạch. Ngày Cty Sông Gianh triển khai xây dựng đại công trình nuôi tôm, người dân Phú Trạch vui vẻ để tỉnh tịch thu đất và họ hy vọng: một ngày không xa con em Phú Trạch sẽ trở thành những công nhân trên công trình nuôi tôm. Song, giờ thì nỗi thất vọng đã bao trùm làng quê nghèo khó này khi nói đến các hồ tôm. Một phần họ nghèo cũng vì thiếu đất sản xuất khi Cty Sông Gianh lấy đất của họ làm hồ tôm rồi bỏ không. Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quang Phú - Chủ tịch xã Phú Trạch cho biết: “Toàn xã có gần 4.500 khẩu nhưng diện tích đất sản xuất chỉ có hơn 200 ha, trong số đó đất có thể trồng lúa chẳng là bao mà chủ yếu đất nhiễm phèn, mặn... Tỷ lệ hộ nghèo của xã vẫn còn hơn 16%. Để tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, thoát nghèo, xã đã nhiều lần làm tờ trình gửi lãnh đạo huyện, tỉnh xin được lấy lại 120 ha đất trước đây tỉnh cấp cho Cty Sông Gianh để giao cho người dân. Song nguyện vọng chính đáng đó của người dân Phú Trạch vẫn chưa được đáp ứng. Bởi, theo lý giải của tỉnh và lãnh đạo Cty Sông Gianh, trên 120 ha đất làm hồ tôm, Cty Sông Gianh đã đầu tư 22 tỷ đồng, giờ kiểm toán cũng còn hơn 10 tỷ nên xã muốn lấy lại đất thì phải trả cho Cty Sông Gianh số tiền đó”. Phú Trạch nghèo nên không có tiền, vì vậy công trình nuôi tôm của Cty Sông Gianh vẫn bỏ không cho mưa nắng năm này qua năm khác. Vì bỏ không nên hiện nay nhiều hạng mục công trình tiền tỷ này đang bị hư hỏng dần, hệ thống máy bơm đã ngừng hoạt động, đường dây điện gãy, đổ, tường rào đã bị kẻ gian cắt trộm hàng trăm mét để bán phế liệu, bờ kè các hồ sụt, lún...

Hàng ngày phải chứng kiến cảnh hàng trăm ha đất mà Cty Sông Gianh xậy dựng hồ tôm để bỏ hoang, không ít người dân địa phương Bố Trạch đã phàn nàn bởi chính người dân nơi đây đang thiếu đất sản xuất. Thiết nghĩ, việc tỉnh Quảng Bình để Cty Sông Gianh đầu tư hàng chục tỷ đồng vào hồ tôm là một sai lầm, giờ đây tỉnh phải sớm có biện pháp giải quyết.



Nguồn: Thuỷ sản Việt Nam
Báo cáo phân tích thị trường