Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Vốn ODA sẽ tăng hay giảm?
08 | 12 | 2008
Sự suy giảm của các nền kinh tế chủ chốt vốn là những nước tài trợ chính cho Việt Nam có thể sẽ khiến nguồn cung ODA trong hai năm tới giảm sút.
Vết gợn PCI

Bên lề Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ 2008 (CG) diễn ra sáng nay (4/12) tại Hà Nội, nhà tài trợ lớn là Nhật Bản đã cho biết sẽ tạm dừng các dự án ODA cho Việt Nam sau sự cố PCI (doanh nghiệp Nhật Bản đã hối lộ một quan chức Việt Nam trong dự án Hành lang Đông Tây). Đây sẽ là một thách thức không nhỏ tới tổng lượng ODA cam kết của các nhà tài trợ trong hai năm tới.

Theo ông Mitsuo Sakaba, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, nước này chưa thể công bố các nguồn viện trợ mới cho tới khi Uỷ ban hỗn hợp phòng chống tham nhũng giữa hai nước xem xét lại việc thực hiện vốn ODA của Nhật Bản tại Việt Nam. Trong khi trước đó, hồi đầu năm 2008, Chính phủ Nhật đã tuyên bố ý định mở rộng khoản vay ODA cho Việt Nam lên 700 triệu USD cho các dự án cơ sở hạ tầng. Song tất cả các dự án này đã tạm dừng sau vụ án tham nhũng PCI. Cũng theo vị đại sứ này, dù Chính phủ đã nỗ lực rất lớn trong việc thể hiện quyết tâm mạnh mẽ chống tham nhũng, song rất khó để lấy lại sự ủng hộ của công chúng Nhật Bản thúc đẩy viện trợ thêm cho Việt Nam.

Nếu những vụ tham nhũng tương tự sẽ xảy ra với các nhà tài trợ khác, lòng tin và cam kết ODA dành cho Việt Nam sẽ còn chịu ảnh hưởng như thế nào?

Tin tốt cho cam kết ODA

Song tín hiệu vui là các nhà tài trợ chủ chốt khác vẫn cam kết duy trì nguồn vốn ODA như ở mức hiện nay, thậm chí có thể tăng nhẹ do một số nhà tài trợ mở rộng kênh tín dụng mới cho Việt Nam như IBRD (Worldbank), OCR (ADB)…

WorldBank và Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) vẫn cam kết sẽ duy trì mức tài trợ cho Việt Nam.

Trước thềm hội nghị CG, Giám đốc WB tại Việt Nam ông Martin Rama cho hay, WB vẫn muốn duy trì mức cam kết 1 tỷ USD vốn ODA một năm cho Việt Nam. Ngoài ra là khoản tín dụng trị giá 1,5 tỷ USD lãi suất thấp trong vòng 3 năm tới. Được biết, Chính phủ và WB cũng đang xem xét các thủ tục để ký các hiệp định lớn trong năm 2009 tới như: dự án phát triển thuỷ điện trị giá 100 triệu USD, dự án phát triển năng lượng tái tạo trị giá 150 triệu USD…

Về phía ADB, nhà tài trợ này cũng khá lạc quan về mức cam kết ODA với hàng loạt dự án khả thi như dự án sản xuất điện Cà Mau (400 triệu USD), dự án đường vành đai 2 tại Tp Hồ Chí Minh trị giá 300 triệu USD.

Có khá nhiều cơ sở để lạc quan vào nguồn viện trợ ODA dành cho Việt Nam trong hai năm tới trước khi bước vào ngưỡng nước có thu nhập trung bình vào năm 2010. Tuy nhiên, theo một chuyên gia để các cam kết này biến thành sự thật, Việt Nam phải giữ được niềm tin của nhà tài trợ sau những tổn thất từ sự cố tham nhũng.

Tại Hội nghị CG, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã khẳng định quyết tâm cao của Chính phủ ngăn chặn tham nhũng trong sử dụng vốn ODA cũng như rà soát lại cơ chế, đẩy nhanh tiến độ thực hiện vốn ODA. Ngoài ra, Chính phủ cũng quyết tâm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì tăng trưởng bền vững của nền kinh tế trong năm tới.

Căn cứ vào vốn ODA đã được ký kết và cam kết từ nay đến hết năm 2008, dự báo tổng vốn ODA trong 2 năm còn lại có thể sẽ đạt 6 tỷ USD. Nếu hiện thực hoá được dự báo này thì tổng vốn ODA cam kết cho cả thời kỳ 2006-2010 sẽ đạt khoảng 16,73 tỷ USD, đủ để thực hiện nhiệm vụ giải ngân 11,9 tỷ USD.

Tính từ khi quốc tế khởi động chương trình tài trợ ODA cho Việt Nam từ năm 1993 đến nay, đã có 22 tỷ USD được giải ngân trong tổng số 42,5 tỷ USD vốn cam kết. Việt Nam cũng được đánh giá là một trong những nước sử dụng hiệu quả vốn ODA nhất trên thế giới.



Nguồn: www.toquoc.gov.vn
Báo cáo phân tích thị trường