Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thợ thủ công quay lại đồng ruộng
09 | 12 | 2008
Hàng loạt khó khăn như: mất thị trường, mất giá, thiếu nguyên liệu đầu vào, thiếu vốn làm cho bức tranh làng nghề đang ngày một tối đi
Nguyên liệu cho các làng nghề hầu hết có nguồn gốc từ nông nghiệp. Tuy vậy, một nghịch lý đang diễn ra là phần lớn làng nghề ở một đất nước nông nghiệp như VN lại đang bị thiếu nguyên liệu trầm trọng.

Phải nhập song, mây, tre của nước ngoài

Theo Cục Hợp tác xã và Phát triển nông thôn (Bộ NN - PTNT), cùng với sự mở rộng quá nhanh thị trường xuất khẩu hàng thủ công, sự phát triển của nhiều ngành công nghiệp sử dụng cùng loại nguyên liệu với khối lượng lớn và nạn bán nguyên liệu thô ra nước ngoài, nguồn nguyên liệu thiên nhiên trong nước đã cạn kiệt nhanh chóng. Thậm chí một số loại cây gần như không còn để khai thác như song, gỗ quý. Những vùng trồng cây nguyên liệu như cói cũng ít được quan tâm đầu tư. Tất cả những điều này dẫn đến các làng nghề gặp nhiều khó khăn về nguyên liệu. Những năm qua, nhiều làng nghề đã phải mua nguyên liệu từ nước ngoài, như song, mây, tre, gỗ...

Theo ông Nguyễn Trọng Bền, chủ doanh nghiệp mây tre đan Hiền Dương (làng nghề mây tre đan xuất khẩu Phú Vinh, Phú Nghĩa, Chương Mỹ, Hà Nội), bức xúc trước việc cứ đến vụ sản xuất, nhiều đơn hàng phải chậm tiến độ chỉ vì thiếu song, mây. Còn theo Chủ tịch Hiệp hội Mây tre đan xuất khẩu Hà Tây, ông Phạm Quốc Khánh, các đầu mối cung cấp song, mây ở Quảng Nam, Đà Nẵng (cung cấp 90% nguyên liệu song, mây ở VN) nhiều thời điểm đã thừa nước đục thả câu, đẩy giá nguyên liệu lên cao, làm lao đao nhiều cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu. Ông Khánh nhận xét cần có sự điều tiết tầm vĩ mô đối với nguyên liệu đầu vào cho các làng nghề thủ công mới mong xóa được tình trạng thiếu nguyên liệu ảo theo kiểu “chưa mưa đã úng, chưa nắng đã hạn”.

Phá sản vì thiếu vốn

Một khó khăn dễ nhận biết nhất đối với các làng nghề hiện nay là hầu hết cơ sở sản xuất đều thiếu vốn trong khi mọi chi phí sản xuất đều tăng. Vì vậy, trong tình thế hiện nay, duy trì sản xuất đã là chuyện quá sức đối với các cơ sở.

“Trong tình cảnh khó khăn như hiện nay, các doanh nghiệp Nhà nước thì có Nhà nước dang tay cứu, trong khi các doanh nghiệp làng nghề thì phải tự bơi. Nếu để các làng nghề tự lèo lái sợ rằng khó khăn sẽ càng lún sâu”. Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề VN Lưu Duy Dần

Phó Chủ tịch UBND phường Đồng Quang (thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh) Phan Đình Lượng cho hay trong tổng số 193 doanh nghiệp và hàng ngàn cơ sở sản xuất gỗ ở làng Đồng Kỵ trên địa bàn thị xã, chỉ có hơn 30 cơ sở và vài doanh nghiệp là được vay vốn mới từ ngân hàng, số còn lại không được vay mới mà chỉ thực hiện đáo nợ. Chủ một xưởng gỗ ở Đồng Kỵ lo ngại : “Hàng không bán được, số tiền tích góp được trong thời gian qua đã cạn, nay đáo nợ ngân hàng, chắc phá sản mất”.

Hàng mây tre đan ở Chương Mỹ không xuất khẩu được đồng nghĩa với việc hàng vạn lao động mất việc làm thường xuyên. Cả tỉnh Hà Tây cũ có khoảng chục làng nghề làm nghề mây tre đan giải quyết việc làm cho 200.000 lao động trên địa bàn, lương thợ từ 1,2 triệu đến 3 triệu đồng/tháng, tùy thuộc tay nghề. Chỉ một xưởng sản xuất nhỏ của chị Nguyễn Thị Thúy ở Chương Mỹ cũng tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 20 người nay không bán được hàng, số lao động này phải quay về quê. “Không có việc làm, gia đình tôi cũng như nhiều hộ gia đình khác đành phải cho thợ quay lại làm công việc đồng áng, có người phải lên TP làm thuê” – chị Thúy kể.

Ở làng mộc Đồng Kỵ, có tới 70% là lao động từ nơi khác đến như Chờ (Yên Phong, Bắc Ninh), Đông Xuyên (Bắc Ninh), Phú Bình (Thái Nguyên), Hiệp Hòa (Bắc Giang), Niên Hà (Đông Anh, Hà Nội), Hải Dương... với con số lên đến hàng trăm người, chưa kể hàng ngàn thợ cả tay nghề cao ở địa phương. Ông Dương Thế Vinh, Chủ nhiệm HTX Đồ gỗ mỹ nghệ Thành Vinh (phường Đồng Quang, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh), tỏ vẻ tiếc nuối khi nhớ lại: “Năm ngoái, có lúc đơn đặt hàng dồn dập, 40 nhân công không lúc nào ngơi tay. Có thời điểm phải tăng cường, làm ngày làm đêm cho kịp. Thế mà bây giờ cắt giảm chỉ còn 20 người mà thấy việc vẫn nhàn”. Đồ gỗ ế ẩm, các xưởng mộc chỉ có thể duy trì trả lương cho thợ cả còn thợ phổ thông đành phải cho về quê.

Một đồng nghiệp khác của ông Vinh là Giám đốc DNTN Tốn Hoài (làng Đồng Kỵ, phường Đồng Quang, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh) Vũ Đức Tốn tâm sự: “Nhiều người đã gắn bó cả chục năm với xưởng, một mặt tình nghĩa, một mặt để giữ thợ cả nên tôi phải cố gắng cầm cự, chỉ cố bán hàng hòa vốn để đủ nuôi quân”.

Kế bên, làng thép Đa Hội mỗi ngày có khoảng 5.000 lao động làm việc. Nhưng gần đây, nhiều cơ sở sản xuất gặp khó khăn nên đành nhắm mắt cho thợ phổ thông nghỉ việc. Số thợ phải nghỉ việc trong những tháng gần đây ở Đa Hội đã lên tới 2.000 người...



Nguồn: www.nld.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường