Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ngành gỗ Việt Nam: Thoát hiểm, “cửa” nào ?
11 | 12 | 2008
Xuất khẩu khó khăn, tiêu thụ tại thị trường nội địa cũng không được, ngành gỗ và thủ công mỹ nghệ đang đình trệ sản xuất, làm ăn thua lỗ, đặc biệt nhiều DN đang đứng bên vực phá sản trong những tháng cuối năm này.
Kế hoạch xuất khẩu hàng trị giá 3 tỷ USD của ngành gỗ trong năm 2008 cũng nhiều khả năng không trở thành hiện thực. Vậy phải giải bài toán này như thế nào khi ngay cả kim ngạch xuất khẩu năm sau (2009) của ngành gỗ cũng không thể ước tính nổi?

Mục tiêu 3 tỷ USD trở nên... xa vời

Kế hoạch xuất khẩu 3 tỷ USD của ngành gỗ có nhiều khả năng không đạt được bởi những bất lợi của kinh tế thế giới nói chung và cả những yếu kém lâu nay vẫn tồn tại trong ngành. Ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh (HAWA) cho biết, tính đến tháng 10-2008, xuất khẩu gỗ đạt được 2,2 tỷ USD. Gỗ Việt Nam hiện đang có mặt tại 120 thị trường trên thế giới, trong đó thị trường chính là Mỹ (20%), EU (28%) và Nhật Bản (24%). Tuy nhiên, do 3 thị trường này đang bị khủng hoảng tài chính nên hiện sức mua xuống rất thấp, giảm đến 30%. Còn theo ông Hoàng Cảnh, Phó Chủ tịch Hội Lâm sản và Chế biến gỗ Việt Nam, tình trạng chung của xuất khẩu gỗ là nếu nhà nhập khẩu có đơn đặt hàng rồi thì rút đơn; còn nếu đã nhận hàng rồi thì hoãn thanh toán. Khoảng 95% doanh nghiệp gỗ đang có nguy cơ đình trệ sản xuất và thua lỗ do những tình huống này. Dự đoán, xuất khẩu gỗ năm nay sẽ chỉ đạt được khoảng 2,7 tỷ USD.

Đánh giá thị trường năm 2009, nhiều ý kiến cho rằng sẽ khó khăn hơn bởi các thị trường Mỹ, EU và Nhật chưa thể phục hồi. Nếu như trước đây, các nhà nhập khẩu đều ký hợp đồng trước từ 6 đến 7 tháng thì nay chỉ ký trước chừng 1 đến 2 tháng, vì vậy các doanh nghiệp gỗ cũng không thể ước tính được kim ngạch xuất khẩu trong năm sau.

Nỗi lo lớn nhất: nguyên liệu

80% nguồn nguyên liệu gỗ của Việt Nam phải nhập khẩu. Theo ông Trịnh Minh Anh, Phó vụ trưởng, Phó văn phòng Ủy ban quốc gia Hợp tác kinh tế quốc tế, nguyên liệu chiếm đến 60% giá sản phẩm, trong khi đó giá nguyên liệu nhập khẩu đắt hơn từ 30% đến 50% so với gỗ của Việt Nam. Đây là điểm yếu nhất của ngành gỗ, làm giảm rất nhiều sức cạnh tranh bởi giá thành cao mà lợi nhuận lại đạt thấp.

Tuy nhiên, nỗi lo lớn hơn là cả nguồn nguyên liệu nhập khẩu cũng khó khăn trong năm nay và những năm tới. Hàng năm, ngành chế biến gỗ phải nhập từ 2 đến 2,5 triệu m3 gỗ tròn, dự báo đến năm 2010 phải nhập đến 11 triệu m3. Nguồn gỗ nhập nhiều nhất là từ các nước Đông Nam Á như Ma-lai-xi-a, Lào, Cam-pu-chia, In-đô-nê-xi-a nhưng nguồn này lại không ổn định do các quốc gia này cũng đang giảm dần tỷ lệ khai thác rừng hàng năm. Trong khi đó, nguồn nguyên liệu từ các nước như Mỹ, Niu-Di-lân vốn rất cao do chi phí vận chuyển nay càng có nguy cơ cao hơn bởi nhiều nhà máy đã đóng cửa. Ông Thắng cho biết, 30% nhà máy gỗ của Ca-na-đa đã đóng cửa, số liệu này cũng ngày càng nhiều hơn ở Niu-di-lân và Mỹ. Nguyên nhân do ngành gỗ chịu nhiều ảnh hưởng của ngành nhà đất như xây dựng, trang trí nội thất… nên khi các nước này đang rơi vào khủng hoảng, thị trường trầm lắng thì các nhà máy cũng không thể hoạt động.

Chỉ có chủ động nguồn nguyên liệu thì ngành gỗ mới phát triển bền vững và có sức cạnh tranh tốt trên thị trường. Đây cũng là vấn đề đã được bàn thảo rất nhiều nhưng mức độ thực hiện thì không như kỳ vọng. Theo Bộ NN&PTNT, với trữ lượng rừng trồng 35,6 triệu m3 gỗ thì mỗi năm có thể khai thác được từ 1,5 đến 2 triệu m3. Con số này cũng chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất, trong khi đó tiến độ trồng rừng sản xuất mới chỉ đạt 30% kế hoạch (gần 614ha/2 triệu ha). Các doanh nghiệp cho biết, hiện giá gỗ nhập khẩu rất cao nhưng vẫn phải mua, vì vậy, nếu bỏ tiền ra trồng rừng thì lợi nhuận sẽ cao hơn so với nhập khẩu gỗ nguyên liệu về chế biến. Các doanh nghiệp kiến nghị Nhà nước cần mạnh dạn giao tư nhân quản lý rừng; khuyến khích các doanh nghiệp chế biến gỗ đầu tư trồng rừng trong vùng có nhà máy; tập trung trồng rừng theo phương thức thâm canh để tự túc nguồn nguyên liệu gỗ vào năm 2020, đồng thời đẩy mạnh công nghệ chế biến ván nhân tạo từ gỗ rừng trồng để giảm 50% ván nhân tạo nhập khẩu vào năm 2010. Về phần các doanh nghiệp, cần chủ động cải tiến kỹ thuật để tận dụng nguồn nguyên liệu trong nước, hạn chế phần nào nhập khẩu để vượt qua khó khăn trước mắt và chủ động lâu dài về sau.



Nguồn: Báo Hànộimới
Báo cáo phân tích thị trường