Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chớ thấy cao su rớt giá mà chặt cây
11 | 12 | 2008
Cần có quỹ hỗ trợ rủi ro ngành cao su trên cơ sở đóng góp của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cao su

Hôm qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức hội nghị bàn về giải pháp phát triển cây sao su trong thời gian tới tại Bình Dương. Tại hội nghị, các đại biểu nhấn mạnh rằng người dân trồng cao su cần phải bình tĩnh, không nên vì cao su rớt giá mà có những suy nghĩ tiêu cực rồi đốn hạ, chặt phá...

Rớt giá mạnh

Thời gian qua, giá cao su xuất khẩu đang rớt giá mạnh ảnh hưởng tới giá thu mua nguyên liệu trong nước. Hiện nay giá cao su thu mua sỉ chỉ còn khoảng 12 triệu đồng/tấn trong khi trước đó, lúc cao điểm xấp xỉ trên 50 triệu đồng/tấn. Cao su trong nước rớt giá là do giá cao su trên thị trường thế giới giảm mạnh bởi tác động của cuộc khủng hoảng tài chính, nhất là ảnh hưởng trực tiếp từ sự kiện giá dầu thế giới giảm mạnh. Đến thời điểm này, các doanh nghiệp cao su chỉ xuất khẩu được với giá khoảng 1.000 USD/tấn, thấp hơn nhiều so với thời kỳ cao điểm tháng 7-2008 khi giá xuất khẩu vọt lên đến 3.700-3.800 USD/tấn.

Giá thu mua và xuất khẩu rớt mạnh đã khiến người trồng cao su lo lắng. Nhiều chủ trang trại cao su đã có những suy nghĩ tiêu cực như cho công nhân nghỉ việc và không quan tâm tới việc phát triển, chăm sóc.

Ông Phan Huy Thông - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết vấn đề thời tiết xấu tại các vùng trọng điểm trồng cây cao su như Đông Nam bộ, Tây Nguyên cùng với việc phải cạnh tranh với nhiều loại cây trồng như cà phê, bắp, sắn cũng ảnh hưởng tới phát triển cây cao su. Ngoài ra, cây cao su yêu cầu vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài, quỹ đất quy hoạch phát triển cao su chủ yếu ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cơ sở hạ tầng rất thiếu thốn.

Theo Cục Trồng trọt, tính đến năm 2007, diện tích trồng cao su đạt trên 550.000 ha. Trong đó, cao su quốc doanh tăng bình quân 2,2%/năm, năng suất đạt 16,1 tạ/ha. Năng suất bình quân là 1,5-1,7 tấn mủ khô/ha, giá bán xấp xỉ 30 triệu đồng/ha.

Không nên quá lo lắng

Ông Lê Quang Thung - Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam cho biết việc phát triển diện tích chịu ảnh hưởng bởi giá cao hay thấp, khi giá lên thì diện tích tăng nhanh và ngược lại. Đến năm 2007, diện tích trồng cao su cả nước đạt gần 550.000 ha. Trong đó, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam đạt 320.000 ha. Dự kiến trong thời gian tới, cao su sẽ được phát triển với diện tích 700.000 ha, trong đó tập trung trồng tại các vùng có nhiều lợi thế như Đông Nam bộ, Tây Nguyên.

Ông Thung không đồng ý với thông tin giá cao su giảm dẫn đến tại nhiều trang trại số lượng công nhân cạo mủ bị mất việc tăng cao. Đây chính là thông tin gây bất lợi cho toàn ngành cao su. “Đồng ý là giá cao su giảm mạnh nhưng là giảm theo xu hướng chung. Khủng hoảng kinh tế đã kéo theo nhiều mặt hàng cũng giảm mạnh chứ đâu riêng gì cao su. Ngay cả giá dầu thế giới có ảnh hưởng lớn tới giá cao su nhất cũng giảm từ 140 USD xuống còn xấp xỉ 40 USD/thùng” - ông Thung nói.

Ông Thung khẳng định mức giá 3.700 USD/tấn cao su như thời điểm tháng 7-2008 chỉ là nhất thời và trong đó đã chứa đựng bất ổn khi tăng cao quá. Đối với cao su, mức 1.700-2.000 USD/tấn là mức giá đẹp nhất cho cả người trồng, người sản xuất, kinh doanh và cả người tiêu thụ. “Lời hay lỗ là do cách quản lý, tính toán sao cho hợp lý. Thời điểm này cứ cho là giá thu mua mủ cao su chỉ còn 10 triệu đồng/tấn, nếu tính toán hợp lý, người trồng vẫn có thể lãi 2,2 triệu đồng/tấn” - ông Thung nhấn mạnh.

Nhiều doanh nghiệp cao su cũng cho rằng tuy mức giá cao su thời điểm hiện tại đang giảm nhưng nếu tính gộp giá chung cả năm 2008 vẫn là con số ước mơ đối với nhiều năm trước.

Theo ông Lê Quang Thung, lúc này nông dân cần phải bình tĩnh, không nên thấy giá xuống mà đốn chặt cây cao su. Theo kinh nghiệm, nông dân chặt cây khi giá thấp nhưng khi giá lên cao lại xoay sở không kịp vì cao su là cây dài ngày. Việc cần làm trong lúc này là khi giá thấp tranh thủ tái canh, chăm sóc, chặt bỏ cây xấu để phát triển cây mới với giống tốt hơn nhằm chờ thời cơ thích hợp.

Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Phan Huy Thông đề nghị nhà nước nên thành lập quỹ hỗ trợ rủi ro ngành cao su trên cơ sở đóng góp của các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cao su nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân khi gặp rủi ro về thời tiết, sâu bệnh hoặc giá cao su xuống quá thấp.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát:

Cần phải có cái nhìn dài hạn

Dự kiến năm 2009 là năm còn khó khăn đối với ngành cao su bởi khủng hoảng kinh tế sẽ còn tiếp diễn mà mặt hàng này tới 95% xuất khẩu. Tuy nhiên, doanh nghiệp, người dân cần phải tính dài hạn chứ không nên ngắn hạn. Theo số liệu của Viện Quy hoạch và thiết kế nông nghiệp, 80% sản lượng cao su của bảy năm qua có giá dưới 1.000 USD/tấn nên không thể lấy giá đột xuất 3.000-4.000 USD/tấn tại một thời điểm rất ngắn để so sánh.



Nguồn: Pháp Luật TPHCM Online
Báo cáo phân tích thị trường