Chương trình điều tra, đánh giá và theo dõi diễn biến tài nguyên rừng giai đoạn 2006 - 2010 (chu kỳ IV) có những nội dung sau:
I. Điều tra đánh giá và theo dõi diễn biến rừng và đất rừng: 1. Xây dựng hệ thống bản đồ và số liệu hiện trạng tài nguyên rừng thông qua việc:
- Sử dụng ảnh vệ tinh Spot 5 trên phạm vi toàn quốc do Bộ Tài nguyên và Môi trường cung cấp làm cơ sở để biên tập và nắn chỉnh xây dựng các loại bản đồ: hiện trạng tài nguyên rừng, tỷ lệ 1/25.000 cho 1.000 xã trọng điểm lâm nghiệp; hiện trạng rừng, tỷ lệ 1/50.000 cho các huyện; hiện trạng rừng, các tỷ lệ 1/100.000; 1/250.000 và 1/1.000.000 cho cấp tỉnh, vùng và trên toàn quốc.
- Xây dựng bộ mẫu khóa ảnh phục vụ cho công tác đoán, đọc ảnh vệ tinh.
2. Xây dựng hệ thống số liệu được cập nhật, công bố 5 năm/một lần, được kiểm tra, giám sát và đánh giá tại thời điểm cuối chu kỳ theo dõi (2010).
3. Xây dựng báo cáo phân tích, đánh giá biến động về diện tích rừng giữa 2 chu kỳ nghiên cứu nhằm đề xuất giải pháp cho công tác quản lý rừng.
4. In ấn bản đồ thành quả chuyển giao cho các địa phương quản lý.
II. Điều tra, đánh giá và theo dõi diễn biến các chỉ tiêu về chất lượng rừng:
1. Điều tra xây dựng cơ sở dữ liệu về chất lượng tài nguyên rừng như: trữ lượng tài nguyên rừng, tổ thành loài... phục vụ cho công tác quản lý tài nguyên rừng.
2. Điều tra thu thập tư liệu, thu thập số liệu từ 2.100 ô nghiên cứu sơ cấp và 100 ô định vị nghiên cứu sinh thái.
3. Thu thập 2.500 tiêu bản thực vật rừng từ 100 ô định vị nghiên cứu sinh thái phục vụ cho công tác trưng bày tại bảo tàng tài nguyên rừng Việt Nam.
4. Xây dựng Báo cáo kết quả xử lý số liệu ô sơ cấp và báo cáo kết quả xử lý ô định vi nghiên cứu sinh thái.
5. Xây dựng các Báo cáo kết quả theo dõi, đánh giá các chỉ tiêu của rừng bao gồm:
- Báo cáo kết quả tính toán trữ lượng rừng tại 6 vùng và toàn quốc.
- Báo cáo tình hình tăng trưởng rừng tại 6 vùng và toàn quốc.
- Báo cáo kết quả phân tích cấu trúc rừng tự nhiên 6 vùng và toàn quốc.
III. Điều tra xây dựng các báo cáo chuyên đề:
1. Điều tra, đánh giá, theo dõi diễn biến tài nguyên động vật rừng trên phạm vi toàn quốc.
2. Điều tra, đánh giá, theo dõi diễn biến tài nguyên côn trùng rừng và sâu bệnh hại rừng trồng:
- Điều tra thu thập số liệu xây dựng báo cáo đánh giá và theo dõi diễn biến tài nguyên côn trùng rừng và sâu bệnh gây hại đối với rừng trồng của một số loài cây chủ yếu tại 8 vùng và toàn quốc.
- Đề xuất địa điểm, lịch theo dõi một số loài côn trùng tự nhiên và báo cáo kết quả quan sát hàng năm.
- Thu thập bổ sung Bộ mẫu vật về côn trùng sâu hại rừng Việt Nam.
3. Điều tra, đánh giá biến động tài nguyên lâm sản ngoài gỗ.
- Điều tra thu thập số liệu xây dựng Báo cáo đánh giá tài nguyên lâm sản ngoài gỗ trên 8 vùng lâm nghiệp.
- Xây dựng báo cáo kết quả điều tra lâm sản ngoài gỗ trên phạm vi toàn quốc và kiến nghị về phương hướng quản lý, bảo vệ, phát triển các loài đặc sản ở Việt Nam.
4. Đánh giá diễn biến tài nguyên rừng dưới tác động các nhân tố kinh tế xã hội:
Điều tra thu thập số liệu, phân tích, đánh giá tác động của điều kiện kinh tế xã hội đến sự biến động tài nguyên rừng trên phạm vi 8 vùng và trên toàn quốc.
IV. Xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu phục vụ ngành Lâm nghiệp.
1. Thường xuyên cập nhật thông tin, cung cấp cơ sở dữ liệu trên trang Web của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
2. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu để quản lý thông tin về tài nguyên rừng, bao gồm:
- Bản đồ hiện trạng tài nguyên rừng, tỷ lệ 1/25.000 cho 1.000 xã trọng điểm; bản đồ hiện trạng tài nguyên rừng từ cấp huyện, tỷ lệ 1/50.000 đến cấp toàn quốc, tỷ lệ 1/1.000.000.
- Các loại bản đồ chuyên đề như: bản đồ đai cao, bản đồ độ dốc, quy hoạch 3 loại rừng, phân cấp phòng hộ, dân sinh kinh tế được lưu trữ trong máy tính.
- Hệ thống báo cáo nghiên cứu cơ bản về tài nguyên rừng, về đất lâm nghiệp được tổ chức hệ thống trong trang Web, thuận tiện cho việc khai thác sử dụng.
- Các File số liệu theo dõi đo đếm từ hệ thống ô nghiên cứu sơ cấp, ô định vị nghiên cứu sinh thái.
V. Tăng cường, hoàn thiện công nghệ điều tra rừng và chuyển giao, quảng bá thành quả Chương trình:
Tăng cường ứng dụng công nghệ mới trong điều tra rừng, trao đổi thông tin, quảng bá kết quả và chuyển giao cho những đối tượng có nhu cầu sử dụng từ Trung ương đến địa phương.
Tổng kinh phí thực hiện dự kiến là: 49.429.591.000 đồng. Nguồn kinh phí được lấy từ kinh phí đầu tư cho Chương trình được sử dụng từ nguồn sự nghiệp kinh tế cấp hàng năm cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là ngành được giao thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình. Ban Chỉ đạo có trách nhiệm quản lý, giám sát, kiểm tra thường xuyên các đơn vị tham gia thực hiện, chỉ định cơ quan tư vấn giám sát thực hiện Chương trình, nghiệm thu thành quả hàng năm. Chỉ đạo nghiệm thu cuối chu kỳ và báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kết quả của Chương trình. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch, cân đối và bố trí kinh phí thực hiện hàng năm.