Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
2009, năm ngăn chặn suy giảm kinh tế
18 | 12 | 2008
Dù kinh tế Việt Nam chưa rơi vào tình trạng suy thoái, nhưng rõ ràng có sự suy giảm. Năm 2009, mục tiêu là duy trì tăng trưởng kinh tế phấn đấu ở mức hợp lý.

Ngày 16/12/2008, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có buổi làm việc, với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và lãnh đạo thành phố Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh về triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội năm 2009. Nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội được đặt ra. Trong đó, giải pháp kích cầu đầu tư tiêu dùng được các đại biểu đóng góp nhiệt tình nhất.

Quyết liệt 5 nhóm giải pháp

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhận định: Mặc dù kinh tế Việt Nam chưa rơi vào tình trạng suy thoái, giảm phát hay thiểu phát nhưng rõ ràng có sự suy giảm. Nhiệm vụ Quốc hội đặt ra khá toàn diện nhưng trong lúc này chúng ta phải tập trung ngăn chặn suy giảm, không để kinh tế rơi vào tình trạng giảm sâu, ảnh hưởng đến công ăn việc làm, an sinh xã hội. Năm 2009, mục tiêu là duy trì tăng trưởng kinh tế phấn đấu ở mức hợp lý khoảng 6,5%.

Để thực hiện được mục tiêu trọng tâm trên, các cấp, các ngành, các bộ và doanh nghiệp cần tập trung thực hiện quyết liệt 5 nhóm giải pháp:

Một là, thúc đẩy sản xuất kinh doanh thông qua việc tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh, tháo gỡ cho doanh nghiệp.

Hai là, thực hiện các biện pháp kích cầu đầu tư bằng việc đưa ra gói kích cầu đầu tư 1 tỷ USD nhằm hỗ trợ cho sản xuất tiêu dùng.

Ba là, thực hiện các biện pháp tài chính, tiền tệ, như giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp của quý 4/2008 và số thuế TNDN năm 2009 đối với thu nhập từ sản xuất, kinh doanh của các DN vừa và nhỏ; giãn thời hạn nộp thuế TNDN trong thời gian 9 tháng đối với số thuế TNDN phải nộp năm 2009 của các DN vừa và nhỏ nói trên trong các hoạt động sản xuất, gia công, chế biến nông, lâm, thủy sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử; điều chỉnh thuế suất với một số loại tài nguyên, khoáng sản theo hướng hạn chế XK; tăng cường khả năng tiếp cận vốn của DN, nhất là DN vừa và nhỏ, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng XK; giao Ngân hàng Phát triển Việt Nam thực hiện nhiệm vụ bảo lãnh tín dụng cho các DN vừa và nhỏ nhằm hỗ trợ tốt hơn cho DN tiếp cần nguồn vốn vay để phát triển sản xuất, tạo thêm việc làm mới.

Bốn là, bảo đảm an sinh xã hội.

Năm là, thực hiện tốt giải pháp điều hành.

Theo Thủ tướng, tình hình suy thoái kinh tế thế giới diễn biến rất khó lường, năm 2009, một số nền kinh tế lớn như Mỹ đã phải giảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế, như Mỹ âm 0,7, Anh âm 0,5%, Nhật Bản âm 0,2 và tuyên bố đã rơi vào suy thoái.

Kinh tế trong nước đang suy giảm, vì thế năm 2009 sẽ khó khăn hơn năm 2008, các giải pháp đưa ra cần triển khai quyết liệt, linh hoạt và kịp thời, phù hợp với những biến đổi của tình hình.

Gói kích cầu 1 tỷ USD: "muối bỏ biển"?

Nhiều ý kiến cho rằng, gói kích cầu 1 tỷ USD để kích cầu đầu tư và tiêu dùng trong tình hình nhiều DN, nhất là DN vừa và nhỏ gặp khó khăn, thiếu vốn chỉ như "muối bỏ biển".

Theo Thủ tướng, cần phải xây dựng phương án sao gói 1 tỷ USD hiệu quả nhất.

Nhưng vấn đề ở đây là gói kích cầu tập trung vào việc giảm lãi suất vốn vay cho các dự án, lĩnh vực ưu tiên như dự án điện, cảng, giao thông, nhà ở cho an sinh xã hội… hay chỉ tập trung cho một số dự án có hiệu quả?

Ông Trần Bắc Hà- Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam- góp ý: Nên bố trí tập trung vốn cho khảng 15 đến 20 dự án có hiệu quả trong năm 2009 mà không nên đầu tư dàn đều. Chính phủ cần thành lập quỹ kích cầu đầu tư tiêu dùng và cả cho xuất khẩu, từ đó có định hướng ưu tiên kích cầu từng lĩnh vực, sản phẩm cụ thể. Quỹ kích cầu chỉ mang ý nghĩa là vốn mồi. Nên bố trí trong cơ cấu vốn đầu tư dự án vốn mồi chiếm từ 25-30%, vốn tự có của DN khoảng 10%, còn lại là vốn huy động và vốn vay từ ngân hàng. Về lãi suất cho vay gói 1 tỷ USD, nên tính toán trên mặt bằng lãi suất huy động hiện nay đưa ra mức lãi vay ưu đãi bằng 65- 70% lãi suất tại thời điểm. Nếu như vậy, dự tính lãi suất cho vay các dự án ưu đãi chỉ còn khoảng 6,5%/năm.

Ông Lê Quốc Ân- Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt May Việt Nam, kiến nghị, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước nên tiếp tục nghiên cứu hạ lãi suất cơ bản xuống 8% để phù hợp với sức chịu đựng của DN, nhất là DN vừa và nhỏ. Gói kích cầu 1 tỷ USD nên tập trung có hiệu quả ngay vào những việc trong 2009 mà không nên đầu tư vào những dự án quá lớn, những mục tiêu quá xa, quá cao, trong đó nên đầu tư vào các dự án trọng của ngành dệt may. Có thể không rót tiền thẳng vào dự án mà rót để bù lãi suất, bù một nửa lãi suất để tạo điều kiện triển khai ngay các dự án bảo đảm công ăn việc làm cho công nhân, như dự án sản xuất 3 triệu mét vải ở Nam Định, xây dựng nhà cho công nhân và tập trung vào dự án của DN nhỏ và vừa... Ngoài ra, nên rót thẳng vốn cho hộ dân nghèo, ví dụ ở mức 1 triệu đồng/hộ.

Ông Đoàn Văn Kiển- Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than và khoáng sản Việt Nam- lại cho rằng, gói kích cầu 1 tỷ đồng cần tập trung hỗ trợ vào những hộ nghèo, các địa bàn vùng sâu, khó khăn và thông qua việc bù giảm lãi suất, có tác động đến nhiều lĩnh vực mà không nên đặt vấn đề đầu tư trực tiếp cho từng DN cụ thể.

Đề nghị sửa đổi Luật Đầu tư và Luật Đấu thầu.

Tại buổi làm việc, hầu hết các ý kiến nêu lên thực tế hiện hai luật Luật Đầu tư và Luật Đấu thầu đang có nhiều vấn đề "bó" các DN trong việc chỉ định thầu hay các quy định tạm ứng cho nhà thầu... làm khó nhiều dự án không triển khai được hoặc chậm triển khai.

Ông Đinh La Thăng- Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam- cho rằng: Hiện nay các dự án được phép chỉ định thầu có giá trị dưới 1 tỷ đồng, nếu theo như Bộ trưởng Bộ Kế hoạch- đầu tư Võ Hồng Phúc cho biết sẽ sửa đổi dự án chỉ định thầu lên 5 tỷ đồng xem ra vẫn khó thực hiện. Bởi vì, hiện nay không có dự án nào đầu tư dưới 5 tỷ đồng, hầu hết các dự án đều trên 100 tỷ đồng, do đó Thủ tướng nên có quyết định giao quyền hạn và trách nhiệm cho chủ đầu tư lựa chọn hình thức đấu thầu hiệu quả. Đề nghị cho phép tăng tỉ lệ tạm ứng cho các nhà thầu xây dựng lên khoảng 15- 20%, điều đó có tác dụng cố định giá dự án, hạn chế sự thay đổi giá công trình.

Ông Thăng cũng kiến nghị, cho phép thực hiện các hoạt động đấu thầu theo các hợp đồng dầu khí đã ký, vì theo Luật Đấu thầu không thể thực hiện được.

Về mâu thuẫn giữa hai Luật Đấu thầu và Luật Đầu tư, ông Đoàn Văn Kiển- Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp than và khoáng sản Việt Nam- kêu ca: việc giải thích thế nào là vốn nhà nước giữa hai luật rất khác nhau, vì thế đề nghị sửa đổi khái niệm vốn nhà nước phải là nguồn từ ngân sách nhà nước đầu tư.

Theo ông Kiển, mặc dù luật chưa sửa đổi, nhưng để chớp cơ hội giá nguyên, vật liệu, tài sản đang xuống thấp, năm 2009, Chính phủ nên mạnh dạn giao cho chủ đầu tư quyền quyết định chọn hình thức đấu thầu, tạo điều kiện cho DN mua bán DN, tài sản và đầu tư vào các dự án giá rẻ.

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cần nhanh chóng lập chương trình hành động cụ thể cho năm 2009, cố gắng phấn đấu quyết liệt giữ GDP tăng 6,5%, duy trì việc làm cho 43 triệu lao động.



Nguồn: www.toquoc.gov.vn
Báo cáo phân tích thị trường