Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Rau Đà Lạt: Cung không đủ cầu
22 | 12 | 2008
Những ngày nửa cuối tháng 12, giá rau Đà Lạt có giảm nhưng vẫn còn đứng ở mức cao. "Tình hình này, rau Đà Lạt tiếp tục còn khan hiếm và chắc chắn không đủ cung cấp cho thị trường trong dịp Tết sắp đến!".

Ông Phạm Văn Án, GĐ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng đã nhận định như vậy.

Những cảnh báo

Trong những ngày trước khi điễn ra cuộc "khủng hoảng" rau xanh trên thị trường cả nước, diện tích đất nông nghiệp được đưa vào canh tác rau của Đà Lạt và vùng phụ cận sụt giảm một cách đáng kể.

Ông Dương Ngọc Đức - Trưởng phòng Kinh tế Đà Lạt - cho biết: "Tuy không chịu sự tác động của thiên tai như một số địa phương trong cả nước làm cho rau xanh khan hiếm nhưng Đà Lạt từ tháng 8 đến tháng 10 vừa qua, thời tiết khá thất thường nên việc canh tác rau của nhà vườn không mấy thuận lợi, và diện tích đã giảm một cách đáng kể: Cả năm chỉ đưa vào canh tác 6.500ha, giảm khoảng 1.500ha so với kế hoạch năm". Nếu tính cả tỉnh Lâm Đồng, theo báo cáo của Sở NN&PTNT, thì cả năm cũng chỉ gieo trồng được 33.000ha rau các loại, giảm trên 2.000ha so với năm trước.

Từ cuối tháng 10 đến đầu tháng 12, tình hình rau Đà Lạt khan hiếm đã khiến cho mặt hàng này "có giá" hơn bao giờ hết. "Người ta đã mua khoai tây Trung Quốc với giá rất rẻ mang về Đà Lạt rồi lấy đất đỏ "làm mặt" giả khoai tây Đà Lạt để tiêu thụ ngang giá khoai tây Đà Lạt (hoặc thấp hơn chút đỉnh) - điều chưa bao giờ xảy ra tại vùng rau Đà Lạt này.

Tai hại hơn là đã có một lượng khoai tây kém chất lượng kiểu đó được đưa đi tiêu thụ ở các tỉnh khác dưới cái mác khoai tây Đà Lạt" - chị Phạm Thị Thuỷ, chủ một hàng rau ở chợ Đà Lạt, tỏ ra bức xúc. Chị nói thêm: "Vì lợi nhuận trước mắt, một số ít người làm việc này đã không nghĩ đến uy tín của cây rau Đà Lạt".

Bên cạnh đó, còn nảy sinh một vấn đề nữa: tuy chất lượng rau Đà Lạt là khá cao nhưng số lượng rau sản xuất ra không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vẫn còn chiếm một tỉ lệ khá lớn (khoảng 30%). Thế nhưng, trước tình hình rau khan hiếm, nhiều cơ sở chế biến rau xuất khẩu đã trở nên dễ dãi trong việc chọn lựa đầu vào là vấn đề đáng quan tâm khi nói về uy tín của mặt hàng rau Đà Lạt trên thị trường quốc tế.

Không đủ để cung cấp

Bà Lâm Huệ (ở phường 8 Đà Lạt) cho biết: "Cả vườn rau hơn 1ha của gia đình tôi hiện đã có "chủ" đặt hàng rồi. Họ đã đặt tiền cọc với giá rau thoả thuận khá cao để Tết đến là họ thu hoạch. Trong vùng, nhiều hộ trồng rau cũng đã bán theo kiểu đó".

Theo thông tin từ Sở Công thương Lâm Đồng, từ tháng 11 đến nay đã có một số nhà kinh doanh laghim của TPHCM đến tận vùng rau Đà Lạt và phụ cận để đặt hàng. Hệ thống Coop Mart TP HCM là một khách hàng như thế của nhà vườn Đà Lạt.

Bên cạnh đó, con số 20 tấn rau mỗi tuần mà Lâm Đồng phải cung cấp cho thị trường Hà Nội theo hợp đồng đã ký kết hồi tháng 11 vừa qua cũng là một gánh nặng cho vùng rau Đà Lạt trong tình hình rau đang và sẽ còn khan hiếm, nhất là trong dịp Tết sắp đến.

Phòng Kinh tế Đà Lạt cho biết: "Mặc dầu đã cố gắng hết sức mình nhưng vì thời tiết không thuận lợi nên vụ rau tết này, nhà vườn Đà Lạt vẫn không thể gieo trồng đủ diện tích đề ra như kế hoạch".

Cụ thể, chỉ tính riêng ba mặt hàng rau chủ lực trong dịp tết là cà rốt, bắp sú và cải thảo, Đà Lạt đã thiếu hụt đến những 210ha gieo trồng so với kế hoạch. Nếu tính toàn bộ các mặt hàng rau củ (khoảng trên 20 loại) thì diện tích thiếu hụt cũng lên đến con số hàng ngàn hécta.

"Đó là chưa kể đến việc làm thế nào để đáp ứng một khối lượng rau "phát sinh" không nhỏ do thiên tai xảy ra ở các địa phương khác, đặc biệt là Hà Nội và TPHCM" - ông Trưởng phòng Kinh tế Đà Lạt cho biết.



Nguồn: www.laodong.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường