Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Người hồi sinh nghề thêu phố Hàng Trống
27 | 12 | 2008
Thấy tôi trầm trồ khen những bức tranh họa về hoa lá, phố cổ Hà Nội treo trên tường trong căn gắc 2 rộng thênh thang của căn nhà nằm trên phố Hàng Trống, bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, chủ nhân của tập đoàn may thêu xuất khẩu Hiệp Hưng chỉ tủm tỉm cười. Chỉ đến khi câu hỏi mà đến tận khi ra về tôi vẫn cho là ngớ ngẩn của tôi được thốt ra “Tranh do họa sĩ nào vẽ mà màu sắc và đường nét hài hòa, tinh tế thế ạ?” thì người nghệ nhân thêu mới đáp lại tôi bằng ánh mắt lấp lánh niềm tự hào “Không phải tranh vẽ đâu cháu, tranh thêu tay của Hiệp Hưng đấy.” Câu chuyện về nghề thêu giữa tôi và người đàn bà đã ở cái tuổi 70 nhưng đã có 60 năm gắn bó với những đường kim mũi chỉ được bắt lửa một cách tự nhiên như thế trong chiều đông ấm áp của phố phường Hà Nội.
Truyền lửa cho nghề thêu

Năm 1956 miền Bắc được Đảng và Chính phủ phát động và hình thành các hợp tác xã sản xuất hàng thêu hàng loạt bán qua Liên Xô và các nước Đông Âu. Thời điểm ấy, ở Hà Nội thì hàng Trống là con phố đầu tiên làm những sản phẩm thêu để xuất khẩu. Gia đình bà Nguyệt vốn là gia đình có truyền thống làm thêu thế nên ngay từ khi học lớp vỡ lòng bà đã được tiếp xúc với những đường kim mũi chỉ. Năm lên 10 tuổi, bà biết thêu những chiếc khăn tay có hình bông hoa, chiếc lá, hay con chim theo mẫu.

Gia đình bà Nguyệt có truyền thống làm thêu ren. “Nhà tôi có 4 đời làm thêu. Những năm 80, đứa cháu nội của tôi đã biết thu gom và kiểm tra các sản phẩm thêu của gia đình rất giỏi. Chỉ cần lướt qua, nó đã biết hình con cá này thiếu cái vây, hình con rồng kia thiếu cái đuôi hay bông hoa thiếu cánh rồi. Không phải vì cháu nó được học công việc của người đi soát hàng đâu, mà vì ngay từ khi sinh ra, nó đã lớn lên trong không gian của những dụng cụ, sản phẩm liên quan đến thêu rồi”. Và như một mối lương duyên, sau này, người con dâu yêu quí của bà Đoàn Thị Hữu Nghị, nay là giám đốc của thương hiệu Bellizeno cũng là một người phụ nữ khéo léo, thêu tay rất giỏi. Những sản phẩm chăn ga gối đệm Bellizeno tinh tế chính ở những đường nét thêu dân gian được thiết kế trên sản phẩm. Nhớ lại những năm 1986, 1987, chị Nghị tâm sự “Ngày đó, tối nào tôi cũng ngồi cặm cụi thêu những họa tiết vào những bộ Kimono để cùng với mẹ chồng tôi hoàn thành sản phẩm, bán hàng cho khách. Khách hàng chủ yếu là những người Pháp”. Trong nhà, dẫu các con cháu có học nhiều chuyên nghành khác nhau, nhưng cuối cùng đều quay trở lại phục vụ gìn giữ cho nghề thêu may truyền thống của gia đình.


Ảnh: Hà Giang
Riêng với bà Nguyệt bà còn có vinh hạnh đó là tự tay thêu tặng phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa hai bức tranh thêu cỡ lớn với những đường nét thêu tinh tế, khó ai sánh kịp. Bức tranh ấy, hiện được trưng bày tại bảo tàng trên đường Lý Thường Kiệt.

Truyền thống thêu ren của gia đình còn được nhân rộng khi bà Nguyệt đi dạy nghề thêu cho những người dân tại Quảng Bị, Chương Mỹ, Hà Tây. “Những em bé gái tuổi lên sáu thường ngồi thêu tỉ mẩn ở gốc tre vào mỗi buổi chiều là hình ảnh mà tôi nhớ mãi khi đi dạy thêu ở vùng quê đó”. Khi bận quá, không trực tiếp dạy được, bà lại thuê người đi chỉ bảo các chị em kĩ thuật thêu khó. “Những người “cai thêu” (trưởng nhóm thêu) ngày đó, bây giờ chắc đã thành những người thợ già lắm rồi”– bà cười nhớ lại.

Nghề thêu nếu không có hình thức nhân rộng bản tồn thì nét văn hóa truyền thống đó sẽ bị mai một dần đi theo thời gian. Dường như ý thức được điều đó nên gia đình bà từ đời này qua đời khác đều có những dự án thêu ren triển khai đến những vùng quê nghèo, làm sống dạy cả một cộng đồng thêu năm nào. Con dâu bà, chị Đoàn Thị Hữu Nghị đã triển khai dự án thêu ren xuất khẩu tại các huyện của tỉnh Hà Nam cuối những năm 2007, tạo nên phép mầu nhiệm đến với làng quê nghèo khó này.

Người ta nói, gia đình có truyền thống làm thêu ren, ắt cái nề nếp gia phong sẽ phải vững lắm. Bởi cái nét tao nhã, tính tỉ mỉ, siêng năng của nghề thêu tự nó đã tạo nên đạo đức gia đình Việt rồi. Gia đình bà Nguyệt không chỉ là một gia đình nền nếp như thế, bởi bà và các con còn đi truyền lửa cho nghề thêu được sống dậy ở các làng quê, tạo công ăn việc làm cho những người dân lao động và nét đẹp của văn hóa nông thôn nữa.

Kiên trì là đức tính cao quí nhất của nghề thêu

Nói chuyện với tôi về nghề thêu, bà Nguyệt trở nên say sưa đến lạ. Và không hiểu sao, tôi lại thích gọi bà bằng cái tên mộc mạc như người trong nghề thêu vẫn hay gọi: “cây kim 70”. Bà nói về kĩ thuật thêu ren trắng, chỉ bảo cho chúng tôi một cách tỉ mỉ như trở lại cái ngày bà hăng hái đi dạy thêu cho những người phụ nữ nông thôn Quảng Bị ấy. “Có hai loại thêu là thêu ren trắng và thêu ren màu. Thêu trắng bắt nguồn từ đất nước Pháp, thêu màu bắt nguồn từ đất nước Trung Hoa. Thêu trắng khó hơn thêu màu nhiều.”. Bằng một giọng sôi nổi bà chỉ cho tôi xem từng mũi kim một trên sản phẩm thêu trắng để thấy được sự tinh tế của nó.

Rồi trầm ngâm, bà kể : “Khi thực dân Pháp bước chân vào nước ta. Một số người phụ nữ Việt đi làm nghề khâu đầm và thêu thuê, cho những “quý bà” Pháp. Thêu ren trắng từ lúc đó phát triển.” Bằng một giọng tự hào, bà tiếp “Dù xuất phát điểm của thêu trắng là ở châu Âu, thế nhưng các nước tiên tiến lại không thể thêu tay được như chúng ta. Ngay cả Trung Quốc cũng thua Việt Nam về thêu trắng. Người miền Nam thì lại không thêu khéo bằng người miền Bắc.” Phải chăng đức tính tỉ mỉ, siêng năng chỉ có thể có ở những con người đất Việt?

“Kiên trì là đức tính quan trọng nhất cần có ở nghề thêu. Nếu không thể ngồi một chỗ từ 4 đến 8 tiếng thì đừng làm nghề thêu nữa. Nếu anh đang thêu một bông hoa, một con chim dang dở và nấn ná để sang ngày sau thì bức tranh thêu sẽ không được vẹn nguyên về thần thái. Khi ấy, sự tinh tế sẽ không được biểu lộ trên sản phẩm thêu. Cho nên mỗi sản phẩm thêu ren đều mang tâm hồn và tính cách của người tạo ra nó là vì thế.”

Tôi biết, ngày nay, cũng loại máy móc làm cho năng suất sản phẩm thêu ren cao hơn, đó là chiếc máy thêu vi tính của Nhật. Người điều khiển chiếc máy đó chỉ cần nhấn 1 nút, tức thì 24 sản phẩm thêu giống nhau như đúc sẽ được ra lò. Thế nhưng, nếu chỉ cần năng suất không thôi, thế giới sẽ không tìm đến Việt Nam, không tò mò khi tìm hiểu nguồn gốc của những sản phẩm thêu tay truyền thống. Bao nhiêu sự tinh tế nằm ở hai chữ thủ công ấy.

Nói về những mẫu thêu truyền thống, bà Nguyệt chia sẻ với tôi về sự phục hồi những mẫu thêu dân gian. “Những mẫu thêu dân gian có sẵn thì ít lắm. Chủ yếu là thêu dựa vào cảnh thực và do người thêu sáng tạo ra. Cũng chẳng có người nào chuyên nghĩ ra các mẫu thêu cả. Người thêu chiều theo ý người muốn sở hữu sản phẩm thêu ấy và cặm cụi làm theo mẫu. Tất nhiên, sự sáng tạo của người thợ thêu giỏi vẫn được phân biệt khi người ta nhìn vào thần thái của tranh thêu cũng như sự tinh tế trong từng đường kim mũi chỉ được dệt nên.”

Chiều rồi, khi những tia nắng giữa đông hắt qua khung cửa sổ câu chuyện thêu ren của tôi và người đàn bà dù đã ở cái tuổi 70 nhưng vẫn rất khỏe mạnh và nhanh nhẹn mới tạm dừng. Bận rộn với chiếc máy điện thoại trong tay tôi biết bà còn điều hành cả một tập đoàn thêu, may xuất khẩu nên phải xin cáo lui. Tiễn tôi ra về, bà vẫn không quên giới thiệu lại những bức tranh treo trên tường là những tranh thêu tay đấy nhé. Tôi nhoẻn cười chào bà và lưu luyến người phụ nữ đang làm giàu thêm cho văn hóa truyền thống dân tộc Việt.



Nguồn: vietimes.vietnamnet.vn
Báo cáo phân tích thị trường