Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Hiệp định đối tác kinh tế với Nhật Bản: “Cửa” đã rộng mở cho hàng nông thủy sản
29 | 12 | 2008
Từ năm 2009, “cánh cửa” thị trường Nhật Bản đã mở rộng hơn đối với hàng nông thủy sản Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho rằng, cơ hội là rất lớn nhưng muốn biến cơ hội thành hiện thực, các doanh nghiệp phải thật quan tâm đến chất lượng sản phẩm, đặc biệt là an toàn vệ sinh thực phẩm.
Trên 7.000 mặt hàng được hưởng thuế suất 0%

Ngay sau khi kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế với Nhật Bản trong tháng 9 vừa qua tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã nhận định, thỏa thuận có ý nghĩa nhất đối với cộng đồng doanh nghiệp chính là việc Nhật Bản sẽ mở cửa nhiều hơn cho các sản phẩm nông thủy sản của VN.

Nhưng nhìn trên tổng thể, hiệp định bao gồm các cam kết về tự do hóa thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư và các nội dung hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Một trong những trọng tâm của hiệp định là tăng cường hợp tác kinh tế trong nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, công nghiệp, thương mại và đầu tư, phát triển nguồn nhân lực, du lịch, môi trường, giao thông vận tải.

Theo Bộ Công thương, tại Hiệp định đối tác kinh tế này có 7.264/9.111 mặt hàng VN vào Nhật được hưởng thuế suất 0%. Trong đó, các mặt hàng tôm sú, tôm hùm sẽ được áp dụng mức thuế 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực (trước đây là 10% - 15%). Như vậy, với mức thuế ưu đãi này, hàng hóa VN sẽ được xuất khẩu sang Nhật nhiều hơn, đồng thời có lợi thế cạnh tranh hơn so với hàng Trung Quốc khi xuất khẩu sang các thị trường khác.

Năm 2008, xuất khẩu thủy sản của VN sang thị trường Nhật Bản (NB) đạt 785 triệu USD, với thuế suất còn 0%, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản đang kỳ vọng tăng lên mức 1 tỷ USD. Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại Phan Thế Ruệ, Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế VN-NB, 86% giá trị hàng nông lâm thủy sản và 97% giá trị hàng công nghiệp xuất sang NB sẽ được giảm thuế theo lộ trình.

Như vậy, nhóm hàng được kỳ vọng nhiều nhất là nông sản vì Nhật là thị trường lớn của các sản phẩm này. Tuy nhiên, để được vào Nhật, hàng nông sản phải tuân thủ rất nghiêm ngặt các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì vậy, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho rằng, cơ hội là rất lớn nhưng muốn biến cơ hội thành hiện thực, các doanh nghiệp phải thật quan tâm đến chất lượng sản phẩm, đặc biệt là an toàn vệ sinh thực phẩm.

Chủ động tìm hiểu thị trường

Tuy nhiên, từ trước đến nay việc xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ sang NB gặp nhiều khó khăn do tiêu chuẩn của bạn quá cao. Điển hình như 100% hàng thủy sản xuất khẩu vào thị trường này phải qua kiểm tra dư lượng kháng sinh, trong khi một số doanh nghiệp trong nước chưa được trang bị thiết bị tốt, hàng chưa được kiểm tra kỹ về an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ khó chen chân vào thị trường này.

Vì vậy, theo Bộ Công thương, giai đoạn đầu, NB sẽ ưu tiên xây dựng một số dự án hỗ trợ cho VN như giúp đào tạo y tá tại NB, xây dựng hệ thống kiểm định nghề nghiệp cho VN, thiết lập cơ chế đối thoại doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may, xây dựng các ngành công nghiệp phụ trợ, nâng cao năng lực kiểm dịch vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng ngành trồng trọt và hỗ trợ hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn chất lượng cho VN.

Một vấn đề cũng gây khá nhiều băn khoăn đối với các nhà quản lý và doanh nghiệp là các cam kết mở cửa thị trường đối với hàng công nghiệp sẽ gia tăng tình trạng nhập siêu của VN đối với thị trường NB. Trước đó, trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cũng lưu ý: Đây là vấn đề các cơ quan chức năng phải tính toán kỹ bởi chúng ta đã đạt được thuận lợi là có thể mở rộng xuất khẩu hàng nông sản, dệt may sang Nhật nhưng cũng phải chấp nhận hàng công nghiệp của Nhật vào VN, làm thế nào chúng ta khai thác lợi thế này và hạn chế nhập siêu thì cần phải tính toán.

Vẫn theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, các doanh nghiệp VN cần nghiên cứu thật kỹ nội dung, nắm chắc các quy định của phía NB để khi đưa hàng sang thị trường này không bị trả lại hoặc bị ảnh hưởng bởi các quy định của phía bạn. Đồng thời, chủ động nắm bắt tìm hiểu thị trường NB. Sắp tới, thị trường xuất khẩu hàng nông sản sẽ được mở rộng hơn rất nhiều, cụ thể như mặt hàng rau quả, thủy sản – rất nhiều chủng loại trước đây chưa được chấp thuận hoặc có mức thuế cao thì ở trong hiệp định này đều được giảm xuống.

Hiện Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ 3 với kim ngạch đạt trên 12 tỷ USD, là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 và là nguồn đầu tư trực tiếp (FDI) hàng đầu của VN. Dự kiến trong năm 2008, kim ngạch thương mại của hai nước sẽ đạt trên 15 tỷ USD, vượt trước thời hạn 2 năm so với mục tiêu mà lãnh đạo cấp cao 2 nước đã đề ra vào năm 2010.



Nguồn: www.sggp.org.vn
Báo cáo phân tích thị trường