I.Thị trường thế giới
Mặc dù các nước xuất khẩu cao su bắt tay nhau cắt giảm sản lượng khai thác nhưng cũng không giúp vực dậy giá cao thiên nhiên. Cuối tuần qua, giá cao su giao kỳ hạn tại thị trường Đông Nam á đã giảm xuống còn 1.500 USD/tấn, mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua và giảm tới 60% so với mức cao nhất trong vòng 28 năm được thiết lập vào tháng 6/08. Tổ chức Hợp tác Cao su Quốc tế (IRCo) bao gồm 3 nước sản xuất cao su lớn nhất thế giới là Thái Lan, Indonesia và Malaysia đã nhóm họp vào cuối tuần trước để tìm cách nâng đỡ giá.
Theo Yium Tavarolit, Tổng Thư ký IRCo, sau cuộc họp tháng 10, IRCo đã thống nhất đi đến cắt giảm nguồn cung thêm 215.000 tấn vào năm tới, nhưng giá vẫn không ngừng giảm. Yium cho rằng, giá không phản ánh đúng tình hình thị trường, giá giảm là do tình trạng đầu cơ trên thị trường kỳ hạn. Bởi vậy, IRCo cần nhóm họp lại để thảo luận về tình hình này.
Tuy nhiên, theo giới thương nhân, việc đảo chiều giá cao su vào thời điểm này là rất khó do doanh số bán xe hơi đang trượt dốc trong khi dự trữ cao su đang gia tăng. Do giá dầu thô giảm mạnh, giá cao su tổng hợp cũng giảm theo cộng với nhu cầu lốp xe (chiếm tới 60% tiêu thụ cao su thiên nhiên) đang xuống thấp do suy thoái kinh tế tại nhiều nước phát triển, nhiều dự báo cho rằng giá cao su có thể sẽ còn tiếp tục giảm.
Một nhà phân tích tại một công ty môi giới cao su kỳ hạn Thái Lan nhận định, cho dù có những động thái trong giảm cung, nhưng điều này cũng sẽ không giúp vực dậy giá cao su do nhu cầu quá thấp, đặc biệt khi 3 nhà sản xuất xe hơi lớn nhất nước Mỹ đang xin được cứu trợ trước nguy cơ phá sản.
Tuần qua, giá cao su tại thị trường châu á liên tục giảm. Giá cao su xuất khẩu RSS3 của Thái Lan, đã giảm xuống còn 43 Baht/kg (tương đương 123 UScent/kg), mức thấp nhất kể từ tháng 2/05. Theo các nhà phân tích, giá nhiều khả năng sẽ còn giảm nữa do nhu cầu thế giới dự báo sẽ tiếp tục suy yếu khi các nhà tiêu thụ cao su công nghiệp cắt giảm quy mô sản xuất.
Tháng 10/08, doanh số bán ôtô của Mỹ đã giảm 32% xuống mức thấp nhất trong vòng 25 năm và làm điêu đứng các nhà sản xuất ô tô lớn. Doanh số bán ra giảm mạnh đã đẩy tồn kho ô tô tăng lên mức báo động. Sản lượng ô tô của Mỹ trong năm đến ngày 15/11 giảm 16,7%. Tuần trước, cả General Motors của Mỹ và Toyotạ của Nhật Bản cùng tuyên bố sẽ tiếp tục cắt giảm sản xuất tại các nhà máy ở Thái Lan.
- Đầu tư 247 tỉ đồng trồng cao su tại Lào
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài cho Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn - Tây nguyên để trồng cao su tại Lào. Theo đó, Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn - Tây nguyên được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy chứng nhận thành lập Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn - Nam Lào tại Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào để triển khai dự án đầu tư trồng cao su tại bản Khẹt Xôm Bun, huyện Phu Vông, tỉnh Attapu.
Dự án có quy mô 30.000 héc ta được thực hiện trong vòng 17 năm để khai thác và chế biến mủ cao su. Vốn đăng ký trong giai đoạn đầu là 15 triệu đô la Mỹ, tương đương 247 tỉ đồng Việt Nam. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2013, mỗi năm Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn - Nam Lào sẽ trồng 2.000 héc ta cao su. Hiện tại, các cơ quan hữu quan Lào đã cấp đầy đủ các thủ tục cần thiết để công ty triển khai đầu tư.
Cũng tại Lào, Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn - Nam Lào đã được Chính phủ Lào cho chủ trương khảo sát để tiến tới khai thác mỏ quặng than có trữ lượng khoảng 300 triệu tấn.
Ngoài việc được phép đầu tư ra nước ngoài, tại tỉnh Kon Tum, Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn - Tây nguyên đang thực hiện nhiều dự án đầu tư lớn, trong đó có dự án xây dựng 50 ngôi biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp trong khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen và dự án nuôi thú trong rừng tự nhiên phục vụ du lịch sinh thái dọc theo trục đường Đông Trường Sơn kết hợp với việc thưởng thức những giá trị văn hóa phi vật thể của đồng bào Tây nguyên. Dự án này có tổng vốn đầu tư 600 tỉ đồng sẽ đi vào hoạt động từ năm 2011
- Malaysia sẽ cắt giảm 10% sản lượng cao su vào năm tới
Malaysia, Indonesia, Thái Lan sẽ thảo luận các biện pháp để tăng giá cao su. Do giá cao su sụt giảm, Malaysia dự kiến cắt giảm 10% sản lượng cao su vào năm 2009 nhằm tăng giá cao su. Năm 2008, Malaysia có sản lượng khoảng từ 1,1 đến 1,2 triệu tấn.
Bộ trưởng Bộ Nông trường và hàng hoá Malaysia, ông Datuk Peter Chin Fah Kui hôm nay (25 tháng 11 năm 2008) cho biết, việc giảm sản lượng cao su của Malaysia sẽ thông qua việc thực hiện chương trình trồng lại các rừng cao su, và tổ chức lại việc khai thác mủ, ông cũng cho biết, cơ quan phát triển các hộ nhỏ trong ngành công nghiệp cao su của Malaysia (Rubber Industry Smallholders Development Authority) đã sẵn sang khởi động chương trình trồng lại rừng cao su để ủng hộ biện pháp của chính phủ.
Ngoài ra, Malaysia sẽ cử đại diện đến họp IRCO (International Rubber Consortium Limited), bao gồm 3 nước sản xuất cao su chính là Indonesia, Thái Lan, Malaysia, vào tháng tới để thảo luận các biện pháp tăng giá cao su.
Trong các biện pháp tăng giá cao su Malaysia sẽ đề xuất gồm: giảm xuất khẩu, cung cấp các số liệu sản xuất để có kế hoạch khai thác mủ cao su, có thể chỉ khai thác với tần số từ 2 đến 3 lần một tuần.
Tuy nhiên Bộ trưởng Bộ Nông trường và hàng hoá Malaysia cũng cho biết, về cơ bản, Malaysia phải thảo luận vơí các đối tác trong IRCO xem họ có suy nghĩ gì. Malaysia đã có kế hoạch và đã thảo luận với các đối tác ngay từ khi thành lập IRCO trong đó có cả biện pháp về quotas xuất khẩu và các biện pháp khác nhưng điều đó không có nghĩa là mọi biện pháp sẽ được thực hiện. Malaysia sẽ thảo luận với các đối tác những gì Malaysia đã lên kế hoạch và tất cả những gì Malaysia dự định.