Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Phương hướng hoạt động của Hiệp hội cao su Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam đã gia nhập WTO
09 | 01 | 2009
Việt Nam đã gia nhập vào WTO, những cam kết điều chỉnh chính sách và pháp luật của Nhà nước Việt Nam sẽ giúp doanh nghiệp được hưởng môi trường kinh doanh thuận lợi hơn nhờ khung pháp lý minh bạch, thông thoáng, hợp lý và bình đẳng hơn. Doanh nghiệp Việt Nam cũng được hưởng những nguyên tắc bình đẳng của các nước khác nên giảm được các rào cản về thuế quan và hạn ngạch.

Hiện nay, Việt Nam xuất khẩu khoảng 85% sản lượng cao su. Các doanh nghiệp xuất khẩu cao su nguyên liệu được thuận lợi hơn khi mức thuế nhập khẩu vào các nước được giảm, được bình đẳng với các nhà xuất khẩu nước khác trên cùng thị trường, nhưng yêu cầu về chất lượng tỏ ra nghiêm ngặt hơn và phải phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.

Các doanh nghiệp chế biến sản phẩm trong nước (săm lốp, găng tay, băng tải…) gặp nhiều khó khăn hơn khi thị trường nội địa mở cửa, hàng hoá của nước ngoài được hưởng thuế nhập khẩu giảm nên có sức cạnh tranh gay gắt hơn.

Trước bối cảnh Việt nam đã hội nhập nền kinh tế quốc tế, Hiệp hội cần phải nâng cao hơn nữa vai trò hỗ trợ doanh nghiệp Hội viên tận dụng những ưu thế do WTO mang lại để mở rộng cơ hội kinh doanh, cũng như cùng doanh nghiệp hạn chế những khó khăn khi phải cạnh tranh tại thị trường trong nước với các doanh nghiệp lớn đến từ nước ngoài.

Định hướng hoạt động của Hiệp hội Cao su Việt Nam trong nhiệm kỳ tới (2008-2011) tập trung vào các nội dung sau:

Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, củng cố thị trường xuất khẩu cao su truyền thống (Trung Quốc, Hàn Quốc, Đức, Đài Loan, Nga), mở rộng các thị trường tiềm năng (Hoa Kỳ, Nhật, Malaysia, khối EU). Ưu tiên tìm kiếm cơ hội kinh doanh cho sản phẩm cao su chế biến và phát triển thị trường nội địa.

Cập nhật kiến thức luật pháp mới trong thương mại, tác động của WTO đến môi trường kinh doanh của Việt Nam để hỗ trợ doanh nghiệp ngành cao su nâng cao khả năng cạnh tranh và tự bảo vệ.

Nâng cao công tác thông tin, thống kê để phục vụ tốt hơn cho công tác nghiên cứu, dự báo thị trường, định hướng các sản phẩm chủ lực cho Hội viên và góp phần hoàn thiện chiến lược phát triển ngành cao su theo hướng bền vững và đa mục tiêu.

Thường xuyên tổ chức hội thảo, diễn đàn đối thoại để tập hợp, phản ánh kịp thời ý kiến của Hội viên và các chuyên gia đầu ngành nhằm đề xuất những chính sách, giải pháp tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

Đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng và uy tín của cao su nguyên liệu Việt Nam trên thị trường thế giới. Hỗ trợ Hội viên bảo vệ và nâng cao thương hiệu.

Hợp tác chặt chẽ với các nước để cải thiện thông lệ thương mại cao su quốc tế và đạt mức giá cả hợp lý giữa người sản xuất và tiêu thụ.



Nguồn: vinanet
Báo cáo phân tích thị trường