Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
DN bán lẻ đang "bỏ quên" thị trường có 70% khách hàng?
09 | 01 | 2009
Thị trường nông thôn Việt Nam chiếm tới 70% lượng tiêu thụ hàng hóa nói chung nhưng đang tồn tại nghịch lý: Hệ thống bán hàng của doanh nghiệp chưa phủ kín thị trường tiềm năng này. Đó là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo “Đẩy mạnh bán hàng Việt Nam trên thị trường nội địa 2009” diễn ra ngày 7/1 tại Hà Nội.

Thị trường nông thôn: Tiềm năng bị … bỏ quên

Theo ông Trương Đình Tuyển, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia, từ trước đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn quá chú tâm vào việc xuất khẩu hàng hóa để thu ngoại tệ mà “lơ là” hay nói đúng hơn là … bỏ quên thị trường nông thôn.

Tuy nhiên, bước vào năm 2009, một năm được dự báo là sẽ vô cùng khó khăn đối với các doanh nghiệp khi mục tiêu kim ngạch xuất khẩu tăng 13% so với năm 2008 rất khó đạt thì việc các doanh nghiệp sản xuất trong nước nên tập trung “đánh” vào đối tượng khách hàng nội là điều cần thiết để tồn tại và trụ vững theo kiểu “căn cơ”.

"Cần xem thị trường nội địa là cơ sở, thị trường nước ngoài là quan trọng trong chiến lược phát triển thị trường một cách căn cơ”, ông Tuyển lưu ý.

Thị trường nội địa với trên 84 triệu dân, tốc độ tăng trưởng hàng hoá bán lẻ tăng trên 10% mỗi năm, nhưng DN Việt Nam đã không nắm bắt được cơ hội chiếm lĩnh sân nhà, trong khi đó, các sản phẩm hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc đang tràn ngập khắp nơi, nhất là khu vực nông thôn.

Các sản phẩm giá rẻ của Trung Quốc gần như đã "thống trị” khu vực này không phải chỉ nhờ giá mà còn nhờ vào việc luôn đuổi kịp thị hiếu người tiêu dùng.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ nhiệm chương trình Hàng Việt Nam Chất lượng cao và là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA), nhấn mạnh, trong điều kiện kinh tế khó khăn, nguồn cung hàng hóa đang lớn, túi tiền của người tiêu dùng eo hẹp thì việc kêu gọi người dân dùng hàng Việt Nam vừa cần thiết vừa có những thuận lợi.

Chương trình kích cầu nội địa, mà cụ thể là bán hàng về nông thôn, sẽ là một mũi đột phá trong yêu cầu bao phủ thị trường.

Chuyên gia về bán hàng Nguyễn Duy Thuận, người từng phụ trách về bán hàng và tiếp thị cho các công ty đa quốc gia Unilever, Nestle, Dược Hậu Giang…cũng cho biết, đây là một ý tưởng phù hợp để giúp các doanh nghiệp tiếp cận thị trường trong nước còn bỏ ngỏ hiện nay.

Thay đổi tư duy phục vụ từ chính doanh nghiệp

Theo ông Trần Quý Thanh, TGĐ Tân Hiệp Phát và SPM trà thảo dược Dr. Thanh, hiện người tiêu dùng Việt Nam đang không được phục vụ đúng mức là “thượng đế” khi mà các doanh nghiệp trong nước luôn tìm cách đưa những sản phẩm tốt nhất ra thị trường nước ngoài, trong khi chính những người Việt lại phải dùng những sản phẩm hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng Trung Quốc.

Việc thiếu tập trung trong đầu tư phát triển sản phẩm đúng mức, đúng đối tượng, đúng thời điểm đã và sẽ tiếp tục là hạn chế “cố hữu” của doanh nghiệp Việt.

Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng cũng nhấn mạnh, “đã đến lúc chính các doanh nghiệp phải thay đổi tư duy, hướng sự phát triển sản phẩm vào thị trường nội địa bằng cách lựa chọn đúng đối tượng để phục vụ”.

Hiện nay, Bộ Công thương đang hoàn thiện đề án giải pháp phát triển và quản lý các hệ thống phân phối chủ lực đảm bảo sự ổn định, phát triển bền vững thị trường trong nước. Trong đó, hệ thống bán lẻ tại các tỉnh thành là trọng tâm của hệ thống phân phối tổng hợp các mặt hàng tiêu dùng và hệ thống phân phối các mặt hàng lương thực, thực phẩm.

Bộ Công thương cũng tái khẳng định, Nhà nước sẽ tạo ra môi trường kinh doanh phù hợp, các chính sách phù hợp để các doanh nghiệp kinh doanh được hàng Việt Nam, để đưa được hàng Việt Nam đến với người Việt Nam, nhất là tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp có điều kiện phát triển hạ tầng thương mại, cơ sở sản xuất kinh doanh để phục vụ hàng Việt Nam cho người Việt Nam.



Nguồn: Thông tin Thương mại Việt Nam
Báo cáo phân tích thị trường