Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
“Hướng tới hiệp định thương mại tự do song phương và khu vực”
30 | 07 | 2007
Hội nghị Liên bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC lần thứ 18 (AMM 18) dưới sự chủ trì của Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm và Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển đã kết thúc sau hai ngày làm việc khẩn trương, từ 15-16/11.

Hội nghị nhất trí thông qua những biện pháp mẫu của các hiệp định thương mại tự do song phương và khu vực do SOM đệ trình trong 6 lĩnh vực là thương mại hàng hóa, hàng rào kỹ thuật đối với thương mại, minh bạch hóa, mua sắm chính phủ, giải quyết tranh chấp thương mại, và hợp tác.

Bên lề hội nghị, Bộ trưởng Trương Đình Tuyển có cuộc trả lời phỏng vấn báo giới để làm rõ hơn những kết quả mà AMM 18 đã đạt được. 

Tại hội nghị các bộ trưởng xem xét khuyến nghị về điều khoản mẫu thành lập khu vực mậu dịch tự do trong APEC, xin Bộ trưởng cho biết có điều khoản nào chưa được thông qua, vì sao?

Điều khoản mẫu các bộ trưởng thảo luận thông qua không phải cho một hiệp định tự do châu Á-Thái Bình Dương trong tương lai. Hiện nay trong khu vực này đang xuất hiện rất nhiều những hiệp định mậu dịch tự do song phương và khu vực. Những hiệp định này một mặt là động lực cho đích tới thương mại đa biên, góp phần hỗ trợ tiến trình tự do hóa đang diễn ra trên thế giới.

Tuy nhiên, lại có rất nhiều hiệp định tự do song phương và khu vực như vậy có độ tương thích không tốt làm cho thị trường bị phân mảng. Đó là lý do tại sao các bộ trưởng từ năm 2003 đã đề xuất việc APEC nên hình thành các điều khoản mẫu cho những hiệp định này để các nước và nhóm nước khi hình thành hiệp định tự do tham khảo.

Do nội dung hiệp định bao quát nhiều vấn đề từ thương mại hàng hóa đến dịch vụ và có thể cả đầu tư, mua sắm chính phủ, cơ chế giải quyết tranh chấp... nên nội dung xử lý trong hiệp định tự do rất lớn và tất yếu khối lượng điều khoản cũng sẽ nhiều.

Các quan chức đã thảo luận một số lượng nhiều hơn điều khoản mẫu nhưng tại kỳ họp này đã thống nhất được 6 điều khoản mẫu để trình các bộ trưởng thông qua. Đó là kết quả to lớn. Tôi không nghĩ rằng 6 điều khoản mẫu trong một hội nghị là nhỏ.

Được biết tại Hội nghị, đoàn Mỹ đã đưa ra ý tưởng về việc thành lập khu vực thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương. Đề nghị này đã nhận được hưởng ứng của một số thành viên trong khi đó vẫn có một số nền kinh tế ở châu Á  chưa hoan nghênh. Xin Bộ trưởng cho biết phản ứng của Việt Nam với đề xuất này? Liệu đây có là ưu tiên của Việt Nam trong thời gian tới?

Các ý kiến đưa ra bao giờ cũng có thảo luận và những ý kiến khác nhau. Đó là điều hết sức bình thường, thậm chí còn tốt nữa. Cái gì dễ chấp nhận chưa chắc đã báo một tín hiệu tốt. Nhưng kết quả cuối cùng, tất cả các bộ trưởng đều nhất trí rằng việc hình thành một khu vực mậu dịch tự do châu Á  - Thái Bình Dương là mục tiêu trong tương lai.

Tương lai này bao nhiêu năm, tôi nghĩ không chỉ mình tôi mà các bộ trưởng khác cũng chưa nói được.

Tuy nhiên, tôi có thể nêu những thứ tự ưu tiên của APEC để các bạn tự đánh giá. Mục tiêu trước mắt của APEC là thúc đẩy vòng đàm phán Doha đến kết quả. Đây là mục tiêu ngắn hạn. Mục tiêu trung hạn là hoàn thành mục tiêu Bogor về thuận lợi hóa và tự do hóa về thương mại và đầu tư. Mục tiêu này đặt ra mốc thời gian rất cụ thể:  năm 2010 đối với nước phát triển và đang phát triển là 2020.

Còn mục tiêu hình thành khu vực mậu dịch tự do châu Á-Thái Bình Dương là mục tiêu dài hạn. Tất cả những mục tiêu đó đều được các bộ trưởng nhất trí.

Hội nghị được nhìn nhận đã ghi lại dấu ấn cải cách APEC, Bộ trưởng có thể cho biết những cải cách cụ thể APEC?

Nội dung cải cách cơ bản là hoàn thiện làm việc của ban thư ký APEC để bảo đảm phối hợp giữa các nền kinh tế thành viên trong việc xác định các nội dung hợp tác trong APEC theo thứ tự ưu tiên tốt nhất.

Tiếp đến là làm thế nào để nâng cao giá trị gia tăng trong hợp tác của APEC. Thứ ba là cải tiến các hoạt động của nhóm công tác và các hội nghị chuyên đề để đảm bảo hiệu quả chung của cả tiến trình APEC.

Còn đóng góp của Việt Nam để khai thông vòng đàm phán Doha tại Hội nghị này ra sao, thưa Bộ trưởng?

Liên quan đến những đóng góp của Việt Nam vào thúc đẩy vòng đàm phán Doha, Việt Nam đã kiên trì đàm phán gần 12 năm với rất nhiều khó khăn để có thể gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Nội điều đó cũng thể hiện Việt Nam ủng hộ một định chế thương mại đa biên.

Năm 2006, Việt Nam là nước duy nhất được kết nạp. Với thị trường gần 85 triệu dân, một nền kinh tế tăng trưởng ổn định, tốc độ cao sẽ mang thêm sức sống cho WTO. Hơn nữa, Việt Nam với mức cam kết rất cao khi gia nhập, bản thân nó sẽ là “tầm” để các thành viên khác của APEC tiếp cận trong vòng đàm phán mới của APEC.



(Theo Bao Thuong mai)
Báo cáo phân tích thị trường