* Tràn lan giống mía kém chất lượng
Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (CASUCO) Võ Văn Sơn khuyến cáo: Nông dân nên chọn hom thân 5-7 tháng tuổi ở các rẫy mía tốt hoặc tại các trung tâm giống có uy tín để trồng là hiệu quả nhất. Không nên trồng các hom bị lẫn giống khác trên 10%, hom không bị trổ cờ nhất là không bị nhiễm sâu bệnh. Đối với vùng đất Phụng Hiệp và Ngã Bảy hiện nay nên trồng giống mía ROC 16, DLM 24, QĐ-159. Đối với giống VĐ 86-368 đang bị nhiễm bệnh than đen rất nhiều ở địa bàn Cù Lao Dung, Long Phú của tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Trà Vinh, vụ mía vừa qua đã làm giảm đi từ 20-30% năng suất. Do đó, nông dân không nên tiếp tục mua và trồng giống này ở các ghe trôi nổi chở mía giống từ Sóc Trăng và Trà Vinh về bán. Nên phân biệt rõ giữa giống VĐ 86-368 và giống QĐ 11 để khi mua tránh nhầm lẫn. Cần chú ý 3 đặc điểm cơ bản sau để nhận dạng như: bẹ lá, mầm, thân mía. Không nên sử dụng hom ngọn để trồng, vì hom này thường đã bị nhiễm sâu bệnh nhưng khó nhận diện được và sức phát triển cũng yếu hơn so với trồng hom thân. Nếu đã mua hom ngọn thì phải xử lý hom trước khi trồng bằng cách ngâm hom trong nước vôi 1% trong 24 giờ, hoặc ngâm nước lạnh ở các sông có nguồn nước sạch đang lưu thông trong 24 tiếng trước khi đưa ra trồng để đạt được hiệu quả cao nhất.
Ông Huỳnh Văn Thanh, ở khu vực 8, phường Hiệp Thành, TX.Ngã Bảy trồng gần 2 ha mía do không chủ động được hom nên phải mua 9 tấn giống với giá 900 đ/kg để trồng lại. Ông Thanh cho biết, chỉ mua trôi nổi của các thương lái chở đến bán, còn chất lượng giống thì không biết được. Thường các giống này hay bị lẫn lộn, chất lượng hom không như ý muốn của người trồng. Với số hom giống mua lần này, gia đình phải loại bỏ gần 10% các hom xấu chưa kể các hom lẫn.
Còn gia đình ông Lê Văn Sơn, ở ấp Sậy Niếu B, xã Phụng Hiệp, huyện Phụng Hiệp, cũng vừa mua từ ghe bán dạo gần 2 tấn mía giống. Ông Sơn định mua giống ROC 16, nhưng không tìm được giống ưng ý phải mua cả 3 giống cùng lẫn lộn ROC 16, DLM, ROC 22 để trồng lại trên 2 công mía. Ông Sơn than vãn: “Do không có đất cao để chuẩn bị hom trước đành chấp nhận mua giống trôi nổi, chắc năm nay năng suất mía khó được như năm trước. Do mía đã bó sẵn nên không thể lựa được những cây to, khỏe. Có rất nhiều cây nhỏ, bị sâu hoặc sức nảy mầm thấp được các thương lái mía “chèn” vào bên trong các bó mía để người mua khó phát hiện. Nếu chỉ cần mua mía hom có từ 10-20% mía giống không đạt, thì có chăm sóc cách mấy cũng bằng thua. Trước đây, gia đình cũng tự trồng mía hom nhưng do đất thấp, trồng không đạt đành phải mua hom giống của các thương lái từ Sóc Trăng, Cần Thơ hoặc trong vùng chở đến, nên rất khó kiểm soát được chất lượng”.
Anh Bảy ở khu vực 5, phường Lái Hiếu, TX.Ngã Bảy cho rằng, nông dân vùng này không có sự lựa chọn. Do không có mía hom trồng lại vụ mới, bắt buộc mua các giống mía dù biết rằng không đảm bảo chất lượng. Dù đã gọi nhiều ghe nhưng cũng chỉ mua được hom đọt từ các cây mía già, sau khi lấy phần gốc bán cho nhà máy và hầu hết các chủ ghe mía tận dụng lại phần ngọn để bán hom giống kiếm thêm lợi nhuận. “Theo khuyến cáo chỉ có hom thân trồng là tốt nhất, nhưng nhiều nông dân ở đây hễ có mía giống là mừng rồi, nếu không mua trồng sẽ trễ vụ và chưa chắc đến cuối vụ giống mía sẽ khá hơn” - anh Bảy nói.
* Kinh nghiệm chủ động nguồn hom giống
Khác với các hộ trồng mía trong khu vực, ông Năm Nhị (Nguyễn Văn Nhị), ở khu vực 8, phường Hiệp Thành, TX.Ngã Bảy có điều kiện hơn bằng cách tự ương giống trước cho vụ sau. Canh thời gian còn khoảng 6 tháng nữa mía thu hoạch, ông Năm Nhị chọn những gò, liếp đất cao để trồng mía làm hom cho vụ tới. Nhờ vậy, hơn 1 ha mía của ông đỡ phải tốn tiền mua hom giống. Năm nay, với gần 10 tấn giống, nhưng gia đình ông chỉ mua hơn 1 tấn giống để trồng, còn lại thì tự chủ động trước. Thay vì đợi sau khi nước rút mới trồng lại vụ mía mới, nhưng ông Năm Nhị cho giâm tất cả các hom đã chuẩn bị trên các lá mía đã hoai mục dưới mương để đến khi nước rút đem ra trồng trên các liếp mía. Ông Năm Nhị cho biết, cách làm này rất hiệu quả, ngoài ít đầu tư hom mía giống, còn nâng thời gian tuổi mía dài hơn khoảng một tháng. Nhờ cách giâm hom trước, nên mía của ông Năm Nhị thường có chữ đường rất cao, mía đều không phải giặm lại như các rẫy mía đặt hom trùi. Theo dự tính, vụ mía tới đây ông Năm Nhị sẽ chuyển qua cách giâm mới trên tro trấu lót thảm bạt để vừa ngăn ngừa sâu hại, vừa giữ được bộ rễ mía trước khi đem trồng, nhằm giảm chi phí mà hom mía vẫn không bị ảnh hưởng.